Gửi con trai tuổi 18

Mẹ rất vui và tin con sẽ làm được điều đó và chàng trai của mẹ sẽ bước vào tuổi 18 với chiều cao mà con mong ước.

Con trai thân yêu,

Mẹ gửi thư này cho chàng trai sắp bước vào tuổi 18 của mẹ, con dần bắt đầu từ giã tuổi teen để trở thành chàng trai trẻ, chàng thanh niên trước cánh cửa bước vào đời với nhiều lạ lẫm, bỡ ngỡ.

Hành trang nào con sẽ mang theo để bước vào cánh cửa ấy? Và với đức tính hay hỏi của con, mẹ chắc là con sẽ hỏi: Thế ngày xưa hành trang bước vào đời của mẹ là gì?

Sẽ thật khập khiễng khi so sánh thời của mẹ ngày xưa và thời của con bây giờ, sẽ rất khác nhau con à, nhưng luôn có những hành trang mà thời đại nào cũng giống nhau, mẹ tin như thế.

Mẹ bước vào tuổi với thân hình gầy gò thiếu ăn, thiếu mặc - vì bữa cơm nhiều rau ít cá và hiếm khi có thịt, quần áo thì chỉ có vài bộ để thay đổi, những khái niệm về thực đơn, dinh dưỡng, thể thao, thời trang... không có trong bộ nhớ.

Mẹ và các bạn bè cùng lứa đều một buổi đi học, một buổi phụ giúp gia đình, đứa thì làm ruộng - làm vườn, đứa thì ra chợ phụ bán hay giao hàng, làm bất kể công việc gì cha mẹ đang làm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Ước mơ cháy bỏng của mẹ và bạn bè khi đó là học để phụ giúp cha mẹ, để thoát nghèo!

 Sách Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương.

Sách Thư gửi con - Bao giờ cho hết yêu thương.

Suốt những năm tháng đại học, hành trang mẹ mang theo là hình bóng ba má mình đang dầm sương dãi nắng trên từng liếp đất, từng bờ ruộng, là hình ảnh những đứa em - đứa cấp 1, đứa cấp 2 một buổi đi học, một buổi đi làm phụ ba má.

Là đều đặn những lá thư với nét chữ rắn rỏi, cứng ngắt nhưng chan chứa yêu thương như là: “Con yên tâm học nghen, đừng lo nghĩ gì ở nhà hết, má bán được mía rồi, mía có giá lắm nên má gửi tiền cho con nè, đừng hà tiện, ăn uống đàng hoàng để có sức học...”.

Nhận được thư lòng vui khấp khởi, đến khi về nhà ăn Tết mới ngỡ ngàng khi thấy vách nhà mình trước đây che bằng tôn, sao giờ lại thấy lá dừa dừng vách bốn bề thế này, hỏi thì má nói tỉnh bơ: Mía mất giá quá con à, đến lúc gửi tiền cho con mà nhà không còn đồng nào, nên má tháo tôn ra bán, sau này có tiền má mua tôn dựng lại mấy hồi.

Nước mắt mẹ chảy ròng ròng, mếu máo nói: Sao má viết thư nói cái gì cũng tốt hết vậy? Thì viết vậy con mới yên tâm học chớ, mà con cứ yên tâm học đi, năm sau về chắc chắn là má sẽ mua tôn che lại như cũ.

Là những lá thư của đứa em gái út đang học lớp 2, mà mỗi lần nhận thư là cả khoa đều đọc được vì em viết kín cả bìa thư phía sau, nào là chị có khẻo hôn (em ấy luôn sai chính tả chữ này, sửa mãi về sau mới hết) chị ráng học giỏi hen, em bị sún hết hai cái răng, nghe lời chị mỗi bữa em ăn hết một chén cơm rồi, em nhớ chị lắm, má để dành mấy con gà, đợi chị về sẽ mần thịt ăn...

Mỗi lần nhận thư em mình, mẹ khóc và bần thần cả buổi, nhớ em, nhớ nhà quay quắt và không một động lực nào mạnh bằng những lá thư ấy. Mẹ vào đời thiếu thốn trăm bề, duy chỉ có tình yêu thương là đầy ắp, là tràn ngập, được bao bọc bởi yêu thương như thế thử hỏi có bài thi nào mẹ không thể vượt qua, có trở ngại nào cản được ước mơ của mẹ.

Thế đấy con, tình yêu thương của ba, má, em út là hành trang mẹ mang theo khi bước vào đời và trong suốt cả cuộc đời mình.

Con trai yêu thương, nhớ có lần con thủ thỉ: Mẹ à, mỗi lần ra quận 1 hay đi ở phố đi bộ con luôn cảm giác tủi thân. Mẹ ngạc nhiên hỏi: Sao lại tủi thân hả con? Con nói: Ở đó có nhiều người nước ngoài, đi gần họ con thấy mình thấp bé quá! Mẹ an ủi: Có sao đâu con, mẹ thấp, ba thấp thì con thấp là chuyện bình thường, gen di truyền mà.

Con nghe nhưng có vẻ ấm ức lắm, thế là vào mạng tìm hiểu ăn uống gì để cao, loại sữa nào cung cấp canxi nhiều nhất, môn thể thao nào phát triển chiều cao vượt bậc, đến nhà văn hóa mỗi tuần để làm thủ môn bắt bóng, vào đội tuyển bóng rổ của trường, nắng nóng thì đến hồ bơi, bơi đủ các kiểu đã học, ở nhà thì con nhờ ba làm xà đơn xà kép để khi rảnh cũng tập đỏ mặt tía tai chỉ với một quyết tâm phải có chiều cao... một mét tám!

Mẹ rất vui và tin con sẽ làm được điều đó và chàng trai của mẹ sẽ bước vào tuổi 18 với chiều cao mà con mong ước, có một sức khỏe dẻo dai, cường tráng - thật khác xa với tuổi 18 của mẹ ngày ấy.

Hãy mơ ước những ước mơ của riêng con và đeo đuổi đến cùng ước mơ đó. Hãy chăm chỉ trao dồi kiến thức cho mình và luôn nhớ rằng dù con có đi đâu, học gì, làm gì thì được yêu thương và biết yêu thương luôn là hành trang với sức mạnh diệu kỳ của nó sẽ giúp con vượt qua mọi khó khăn, mọi trở ngại, sẽ là bạn đồng hành cùng con suốt cả cuộc đời.

Tình yêu thương của ba, mẹ và gia đình dành cho con luôn như biển cả không bao giờ cạn và tình yêu ấy thời nào mà chẳng giống nhau hả con trai yêu quý.

Yêu con,

[ Mẹ của con ]

Vũ Minh Đức / Trần Thị Hồng An / NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gui-con-trai-tuoi-18-post1188650.html