Gửi các bạn có người thân bị cách ly

Sự lựa chọn sáng suốt của những người có người thân cách ly lúc này là kiên nhẫn chờ đợi, rồi họ sẽ trở về trong bình yên, mạnh khỏe, an vui. Rồi các bạn sẽ được ôm họ vào lòng!

Người thân bị cách ly, nhất là con cái xa cả mấy năm ở nước ngoài về chưa kịp gặp mặt nhớ lắm, lo lắm, thương lắm. Khu vực cách ly dẫu có tốt nhưng cũng không thể bằng ở nhà, cộng thêm cái tâm lý mình ở bên ngoài đầy đủ trong đó bị chật hẹp về không gian thiếu thốn đủ thứ nên muốn bù đắp…

Lại thêm nữa, người ở bên trong không có việc gì làm, giao tiếp bị hạn chế vì vậy nhu cầu ăn uống tăng hơn mức bình thường, nên đã nhắn gửi người nhà mang vào. Tất cả những điều đó đều đúng nhưng chỉ một chiều, chỉ nghĩ cho mình mà không nghĩ cho người, chỉ biết khổ của mình mà không thấy được cái khổ của người khác, chỉ thấy được cái hạn hẹp mà không nhìn thấy đại cục tổng thể.

Hãy nhìn lực lượng dân quân tự vệ phải làm việc không ngơi tay, đa số các em còn rất trẻ cũng như con cháu họ ở trong kia vậy. Mình thương đứa con mình bị cách ly ở trong kia, vậy có thương cái đứa giữa trời nắng đổ mồ hôi ướt sũng khuân vác hùng hục cả ngày đến kiệt sức nằm lăn giữa nền nhà chợp mắt trong ngổn ngang đồ đạc không? Họ cũng là con cháu chúng ta đấy. Hãy thương yêu một cách công bằng. Ai cũng mong gửi được hàng hóa vào cho người nhà, cái nhu cầu này đã làm khó và làm khổ cho họ lắm thay.

Bạn đã suy ngẫm thông điệp mà các y bác sĩ ở Huế - cũng là thông điệp chung của nhân viên y tế gửi đến chúng ta: "Chúng tôi đi làm vì bạn. Xin bạn ở nhà vì chúng tôi". Họ đã vì những người thân của chúng ta mà bị mắc Covid -19, trong đó có một bác sĩ rất trẻ mới 29 tuổi. Nhìn ra thế giới đã có rất nhiều nhân viên y tế chết vì Covid-19, do lây nhiễm từ bệnh nhân. Hãy nghĩ tới sự vất vả khó khăn, sự thiệt thòi, sự hy sinh của họ cho cộng đồng trong mùa đại dịch này.

Hàng hóa chờ chuyển vào khu vực cách ly

Hàng hóa chờ chuyển vào khu vực cách ly

Những người làm việc tại Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế ở sân bay cả gần mấy tháng nay hầu như phải trắng đêm để vận chuyển, đưa đón, sắp xếp đưa người vào khu vực cách ly. Họ không có thứ bảy, chủ nhật và cũng không có Tết. Thời tiết Sài Gòn nóng bức như thế, họ phải mặc bộ đồ bảo hộ suốt mấy tháng liền. Sự khó chịu, nóng bức, ngột ngạt của họ chắc chắn hơn rất nhiều lần với những người trong phòng cách ly.

Họ chỉ dám tranh thủ gục đầu chợp mắt trên vô lăng, trên bàn làm việc, trên ghế và cả ngay dưới sàn nhà ... Những hình ảnh này xót xa không bạn? Ngay giữa thời bình mà có người con lớn chỉ mới 15 tháng tuổi, vợ lại vừa mới sinh nhưng gần cả tháng rồi mà vẫn chưa được về nhà để nhìn con. Tất cả phó thác cho vợ. Nếu bạn là họ, bạn sẽ làm gì ?

Họ hy sinh chịu đựng như vậy vì chúng ta, vì sao chúng ta không thấu hiểu, chia sẻ? Vì sao các bạn lại thờ ơ, vô cảm. Nhìn hàng hóa chất đống để chuyển vào khu vực cách ly, thật không thể hiểu nổi. Trong khu cách ly có đủ những thứ thiết yếu, có nhất thiết phải làm thế không?

Có thể khẩu phần ăn chưa được hợp khẩu vị, không như sở thích; có thể chiếc giường không được êm như ở nhà; có thể căn phòng còn hơi chật... Nhưng tất cả đều đạt chuẩn để sống tốt. Hơn nữa, nhân dịp này hãy thử chịu khổ một chút để giúp nhìn lại mình. Hãy thử sức chịu đựng và rèn luyện thêm sự can đảm của bản thân!
Ùn ùn đem hàng hóa kéo đến khu vực cách ly như đi hội chợ. Tập trung nơi đông người như thế sẽ khó bảo đảm an toàn cho chính bản thân các bạn. Đừng tiếp tế ở những khu vực cách ly! Đừng làm khổ mình và làm khổ những người đang bảo vệ mình! Đừng làm rối thêm lòng người bằng sự náo loạn ở những nơi công cộng! Mọi việc lúc này cần sự bình tĩnh và kiềm chế.

Sự lựa chọn sáng suốt của những người có người thân cách ly lúc này là kiên nhẫn chờ đợi, rồi họ sẽ trở về trong bình yên, mạnh khỏe, an vui. Rồi các bạn sẽ được ôm họ vào lòng!

Hoàng Thị Thu Hiền

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/gui-cac-ban-co-nguoi-than-bi-cach-ly-20200325114541238.htm