GSOMIA - Con bài đã hết giá trị của Hàn Quốc?

Chính phủ Hàn Quốc đã không đưa ra quyết định nào để chấm dứt sự tồn tại của Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản. Có thể một phần do sức ép từ phía Mỹ, một phần do Seoul không muốn 'đổ thêm dầu' vào quan hệ đang căng thẳng với Tokyo. Liệu GSOMIA đã trở thành con bài vô dụng đối với Hàn Quốc?

Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký GSOMIA ngày 23/11/2016, với mục đích chủ yếu là đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Hiệp định này rất quan trọng đối với hai bên bởi nó giúp khắc phục các yếu điểm của hai nước trong việc đối phó với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. GSOMIA được gia hạn tự động hằng năm nhưng bất cứ nước nào cũng có thể rút khỏi thỏa thuận bằng cách thông báo trước cuối ngày 24/8. Từ năm 2016 đến nay, thỏa thuận này đã được gia hạn hai lần vào các năm 2017 và 2018. Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, Hàn Quốc đã quyết định rút khỏi GSOMIA nhằm trả đũa việc Nhật Bản siết chặt kiểm soát xuất khẩu ba nguyên liệu chiến lược đối với các công ty công nghệ Hàn Quốc. Ba tháng sau đó, Seoul lại tạm hoãn có điều kiện việc chấm dứt GSOMIA. Chính quyền của Tổng thống Moon phải đưa ra quyết định khó khăn này chủ yếu do sức ép từ Mỹ, một trong những đồng minh quan trọng nhất của Hàn Quốc. Một ngày trước khi Seoul ra quyết định, Quốc hội Mỹ đã thông qua nghị quyết khẳng định GSOMIA là “nền tảng của an ninh và quốc phòng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt phục vụ cho việc chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa (từ Triều Tiên)”.

Năm nay, kịch bản đó không còn lặp lại. Trước thời điểm mang tính quyết định 24/8, chính quyền của Tổng thống Moon đã không có bất cứ động thái nào liên quan tới GSOMIA. Theo giới phân tích, nguyên nhân chủ yếu là do một hành động đơn phương chấm dứt GOSMIA của Hàn Quốc không chỉ châm ngòi cho các biện pháp trả đũa của Nhật Bản mà còn có thể khiến quan hệ với Mỹ xấu đi. Bên cạnh đó, Seoul cũng không muốn “chọc giận” Tokyo trong bối cảnh quan hệ Nhật-Hàn vẫn đang “trong ngõ cụt” vì vấn đề lao động cưỡng bức. Một nguyên nhân khác khiến Seoul không sử dụng con bài GSOMIA vào thời điểm này là do bản thân Hàn Quốc cũng rất cần GSOMIA để đối phó với các mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên, nhất là khi quan hệ liên Triều đã trở nên căng thẳng, và tần suất các vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng gia tăng.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng việc Seoul duy trì GSOMIA không có nghĩa hiệp định này đã trở thành con bài vô dụng. Trên thực tế, Hàn Quốc vẫn sử dụng hiệp định này để mặc cả trong quá trình thương lượng với Nhật Bản về các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Tuy nhiên, do hai nước chưa tìm được giải pháp cho vấn đề lao động cưỡng bức nên chắc chắn Tokyo vẫn sẽ duy trì các biện pháp này để gây sức ép với Seoul.

Vinh Hà

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/gsomia-con-bai-da-het-gia-tri-cua-han-quoc-132532.html