GS.VS Đào Trọng Thi: 'Bỏ ghi hình thức, xếp loại trên văn bằng sẽ khó phân biệt chất lượng đào tạo giữa các trường'

'Theo quy định là không có phân biệt các loại hình đào tạo hệ đại học chính quy, tại chức, nhưng việc bỏ ghi trên văn bằng cũng cần cân nhắc vì thực tế chất lượng của các hệ đào tạo hiện nay chưa thể ngang bằng' - GS.VS Đào Trọng Thi cho biết.

Bộ GD&ĐT vừa công bố Dự thảo (lần 1) Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, trong đó không quy định ghi hình thức đào tạo, xếp loại. Xung quanh vấn đề này, PV GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên của Quốc hội.

Có sự chênh lệch giữa các trường đại học

Bộ GD&ĐT dự kiến không áp dụng một số nội dung ghi trên bằng cấp, ông có đánh giá gì về điều này?

- Tôi được biết, Bộ GD&ĐT lấy ý kiến xây dựng quy định về nội dung ghi trên văn bằng đào tạo đại học, thạc sỹ, tiến sỹ, tôi thấy cũng cần phải xem xét kỹ và cân nhắc xem thời điểm này đã đủ để áp dụng hay chưa.

Nếu như một số thông tin như hệ đào tạo, hình thức đào tạo… không ghi trên văn bằng, nhưng chắc chắn sẽ có trong bảng điểm. Thông tin có thể ít đi, hoặc chuyển qua hình thức khác, nhưng không phải vì thế mà học kém là có thể qua mắt được, xí xóa như nhau giữa các bằng cấp. Các nhà tuyển dụng cũng sẽ tăng cường kiểm tra nhiều hơn ứng viên có lực học ra sao…

Không ghi loại hình đào tạo, xếp loại trên văn bằng có đồng nghĩa với các bằng cấp hiện nay sẽ là ngang nhau không thưa ông?

- Không ghi hình thức đó chính là đúng theo Luật quy định về đào tạo, khi học hình thức gì thì cũng phải đạt được trình độ chuẩn đầu ra, còn chính quy, dài hạn… không còn quan trọng. Về lý thuyết, đạt chuẩn đầu ra thì phải công nhận. Tôi nhấn mạnh, đó là về lý thuyết.

Còn thực tế, tôi đánh giá hiện nay mình chưa đạt được mặt bằng chung cho các hình thức đào tạo. Hiện tại, nước ta có nhiều hình thức đào tạo như: chính quy tập trung, hệ vừa học vừa làm, liên thông, đào tạo từ xa… Nếu kiểm tra thật kỹ người học đã học đầy đủ nội dung, thời gian quy định chưa, khi thi so với chính quy có ngang nhau chưa? Trên thực tế, tôi cho rằng chưa có sự ngang nhau.

GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên của Quốc hội. Ảnh: V.N.U

GS.VS Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên của Quốc hội. Ảnh: V.N.U

Như vậy, vẫn còn chênh lệch giữa các hình thức đào tạo ở nước ta?

- Các kết quả học tập của các hình thức đào tạo cho đến nay chưa được ngang bằng nhau. Ngay cả đầu vào, khi vào đại học chính quy của kỳ thi THPT Quốc gia rất khó, cạnh tranh nhau gắt gao. Trong khi thi tại chức, liên thông lại khá dễ. Nhiều người chọn học cách này để "né" kỳ thi cạnh tranh kia. Lý thuyết là coi là ngang nhau, nhưng thực tế là không.

Bởi vậy, trong tình hình hiện nay nếu bỏ một số nội dung ghi trên văn bằng, cần đặt ra câu hỏi liệu vô tình đã bỏ đi thông tin vẫn còn cần thiết với người sử dụng hay không? Khi tôi sử dụng một người, mà anh bảo là học hình thức là như nhau, điểm vào như nhau, điểm ra như nhau, nhưng thực tế lại không như thế. Tôi là người sử dụng lao động không có thông tin để sử dụng, tuyển chọn ra sao.

Đảm bảo công bằng từ "đầu vào" và "đầu ra"

Khi áp dụng bỏ ghi một số nội dung "phân biệt" giữa các hình thức thì học lực cần hội tụ những yếu tố nào thưa ông?

- Hình thức cung cấp thông tin trên bằng là cung cấp những gì, về thực tế hay chỉ là lý thuyết. Nếu cứ nói là chất lượng như nhau nên bỏ nội dung ghi, trong khi chất lượng lại không như nhau, điều đó sẽ chỉ là lý thuyết suông.

Như hiện nay, nhiều nơi không chấp nhận bằng dân lập, hệ tại chức… điều đó là chưa công bằng. Đáng lẽ phải kiểm tra kỹ hơn chứ không nên bác bỏ, vì có những người dù học tại chức, ngoài công lập nhưng làm việc rất tốt.

Bản thân tôi cũng chưa nghĩ đến việc bỏ các nội dung trên văn bằng như đề xuất của Bộ GD&ĐT nhưng cân nhắc những điểm tích cực và chưa được của mỗi loại.

- Theo ông, sau khi bỏ một số thông tin trên văn bằng có nên công khai thông tin người học để minh bạch hóa kết quả học tập?

Tôi nghĩ, nếu có dữ liệu thông tin người học là điều đáng tốt. Tuy nhiên, không thể cung cấp công khai. Trong trường hợp cụ thể, người cần biết vẫn có thể được cung cấp thông tin.

Chất lượng đào tạo giữa các trường đại học hiện nay còn có sự chênh lệch. Ảnh minh họa

Để tạo ra chất lượng tương đương nhau giữa các hình thức đào tạo, cần phải làm gì thưa ông?

- Nếu để chất lượng ở mức tương đương nhau trong công nhận văn bằng, về quy định chuẩn đầu ra là phải như nhau, thi đầu vào, đầu ra phải như nhau, các thí sinh tham gia cùng một kỳ thi. Như vậy, kết quả sẽ trên cùng một mặt bằng, nếu làm riêng như hiện nay thì tại chức hầu như ai cũng đỗ, còn thi đại học tập trung thì chỉ vài chục phần trăm đỗ.

Điểm của trường nào có tên của trường đó, nhưng học hình thức nào, trình độ có tương đương giữa các trường không, chúng ta chưa làm được. Do vậy, thời điểm này áp dụng việc bỏ bớt thông tin trên bằng có phù hợp không cần phải nghiên cứu kỹ.

Dự thảo của Bộ GD&ĐT có quy định chỉ ghi "cử nhân" vào văn bằng, liệu có phù hợp?

- Nếu tốt nghiệp đại học là cử nhân phải ghi là cử nhân, cái này cũng có phần phù hợp. Hồi trước ghi là kỹ sư, bác sỹ, cử nhân văn hóa, cử nhân kinh tế… cái đó là thuật ngữ của chuyên ngành.

Tôi thấy, ở nước ngoài hầu hết các trường đều không phân biệt các hệ đào tạo, học gì thì học khi tốt nghiệp là cấp bằng, có giá trị ngang nhau và thực tế là như nhau thật. Cứ học đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thì được tốt nghiệp.

Nếu bỏ hình thức ghi hệ đào tạo trên văn bằng, theo ông điều này có làm giảm tình trạng "trọng bằng cấp" như hiện nay?

- Bằng cấp hay khả năng đều có mối liên hệ với nhau, không thể tách rời. Bằng cấp không thôi vẫn chưa chắc đã đủ, hai người cùng có bằng như nhau nhưng khả năng mỗi người lại khác. Vì thế, phải có thêm công tác đánh giá, phỏng vấn, tìm hiểu thêm ứng viên.

Những trường đạt chuẩn, sẽ có sinh viên khá của trường này cũng tương đương với sinh viên khá của trường kia. Nếu sinh viên kém mà cho xếp loại tốt là do nhà trường chưa làm tròn trách nhiệm của mình với xã hội. Coi trọng bằng cấp thì phải là bằng nghiêm chỉnh, chứ không phải là coi trọng bằng rởm, bằng đi mua.

Xin cảm ơn ông!

Dự thảo Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học quy định, nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học gồm: 1. Tiêu đề: CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM; 2. Tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo (bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ); 3. Tên cơ sở giáo dục cấp văn bằng; 4. Họ, chữ đệm, tên của người được cấp văn bằng; 5. Ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng; 6. Quốc tịch của người được cấp văn bằng; 7. Ngành đào tạo; 8. Địa danh, ngày tháng năm cấp văn bằng; 9. Họ, chữ đệm, tên, chức danh, chữ ký của người có thẩm quyền cấp văn bằng và đóng dấu theo quy định; 10. Số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Ngô Thị Thùy Dương (thực hiện)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/gsvs-dao-trong-thi-bo-ghi-hinh-thuc-xep-loai-tren-van-bang-se-kho-phan-biet-chat-luong-dao-tao-giua-cac-truong-20191008205946311.htm