GS, TSKH Nguyễn Tài Thu - người thầy tài ba, đức độ và nhân hậu

GS, TSKH Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam - bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam đã qua đời ở tuổi 90. Trong 2/3 thế kỷ qua, GS Nguyễn Tài Thu đã góp công lớn trong việc phát triển lĩnh vực châm cứu Việt Nam trở thành một ngành khoa học chăm sóc sức khỏe nhân dân với nhiều thành tựu được giới khoa học quốc tế công nhận.

GS, TSKH Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam là bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam.

GS, TSKH Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam là bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam.

GS, TSKH Nguyễn Tài Thu, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam - bậc thầy của ngành châm cứu Việt Nam đã qua đời ở tuổi 90. Trong 2/3 thế kỷ qua, GS Nguyễn Tài Thu đã góp công lớn trong việc phát triển lĩnh vực châm cứu Việt Nam trở thành một ngành khoa học chăm sóc sức khỏe nhân dân với nhiều thành tựu được giới khoa học quốc tế công nhận.

Người đưa lĩnh vực châm cứu lên một tầm cao mới

Thật khó có câu từ nào diễn tả hết được những cống hiến và đóng góp của GS Tài Thu cho y học nước nhà. Những cống hiến của ông đã được nhân dân trong nước và thế giới ghi nhận trong nhiều thập kỷ qua.

Một trong những thành tựu lớn nhất là GS Thu đã phát huy, sáng tạo, đưa phương pháp chữa bệnh truyền thống là châm cứu lên tầm cao mới. Đặc biệt, ông cũng đưa châm cứu trở thành lĩnh vực khoa học và học thuật, hiệu quả để áp dụng trên toàn quốc và phổ biến toàn thế giới.

Ông là người duy nhất đã khai sinh và sáng tạo ra tất cả các tuyệt kỹ trong châm cứu như: châm tê đẻ mổ, châm cai nghiện ma túy, mãng châm, tân châm trong điều trị liệt, câm, điếc, bại não trẻ em... Những phương pháp châm cứu mới đã được Giáo sư truyền dạy cho y, bác sĩ ở nhiều tỉnh thành.

GS Tài Thu là giáo sư, tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài và viết sách phổ biến tại hơn 50 quốc gia.

PGS, TS Nguyễn Bá Quang, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam chia sẻ, trong các phương pháp châm cứu của giáo sư, điều đặc biệt là ông đã nghiên cứu đưa phương pháp châm tê vào trong phẫu thuật để phẫu thuật cho người già, người dị ứng thuốc mê, thuốc tê trải qua cơn phẫu thuật mà không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe.

GS Tài Thu là giáo sư, tiến sĩ danh dự của 16 trường đại học nước ngoài và viết sách phổ biến tại hơn 50 quốc gia. Ông đã hợp tác về khoa học, kỹ thuật với 38 nước trên thế giới. Ông thông thạo tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Anh và đã trực tiếp giảng dạy, truyền kiến thức cho sinh viên và các chuyên gia trên khắp các nước từ châu Á, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ La Tinh... Ông cũng đã thành lập các trung tâm và chuyển giao công nghệ cho các nước như: Nga, Pháp, Mexico, Panama, Italia ...

Trong suốt cuộc đời cống hiến vì sự nghiệp ngành châm cứu Việt Nam, ông đã được Đảng và nhà nước tặng nhiều Huân chương cao quý như: Huân chương độc lập, Huân chương đại đoàn kết dân tộc, Huân chương lao động hạng nhất, anh hùng lao động, thầy thuốc nhân dân....

Một người thầy tài ba, tâm huyết - "Một lương y như từ mẫu"

Trong tâm trí của những học trò đã được theo học GS Tài Thu, ông là người cực kỳ sâu sắc, chu đáo, giản dị, tâm huyết, yêu nghề, thương người, giàu lòng nhân hậu, xem nhẹ vật chất và địa vị... “Là người tài nhưng cực kỳ đức hạnh”, một học trò của ông kể lại.

PGS, TS Trần Văn Thanh, Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương tâm sự, là người đặt nền móng và xây dựng Bệnh viện Châm cứu Trung ương trở thành một cơ sở y tế khang trang, hiện đại và là bệnh viện mang thương hiệu chuyên châm cứu duy nhất trên thế giới, thầy đã kế thừa và phát huy nâng tầm châm cứu là một lĩnh vực khoa học.

Các học trò luôn học được ở ông sự nhân hậu, thương người.

“Những bài học lớn nhất của thầy là luôn luôn đam mê nghề nghiệp, kiên trì định hướng, tìm tòi sáng tạo và không chịu lùi bước trước mọi khó khăn thử thách để đưa ra một trường phái, một phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả cho người dân Việt Nam”, PGS Thanh kể về người thầy lớn của mình.

Trong suốt cuộc đời nghiên cứu và phát triển lĩnh vực châm cứu, GS Tài Thu luôn tâm niệm chữa bệnh phải xuất phát từ tình người: “Nếu mình thương người ta đưa kim châm người ta với một tình cảm của mình, đó là đã tham gia một phần trong tâm hồn con người chữa bệnh. Nếu chúng ta chạy theo mục đích này, mục đích khác sẽ không bao giờ chữa được bệnh”. Những lời dạy bảo của thầy ngay từ thuở sơ khai đã thấm nhuần với bất kỳ ai có cơ hội được học thầy.

Ông luôn lo lắng cho người bệnh khi phải từ nơi xa tìm đến mình chữa bệnh.

Một học trò, một trợ lý thân cận có may mắn được theo ông trong suốt những thời gian sau này kể lại, ông chữa bệnh cho người dân nhưng luôn lo chỗ ăn, chỗ ở với chi phí giá rẻ nhất cho họ.

“Thầy luôn yêu cầu tôi phải tìm nhà trọ, tìm xe ôm quen giá rẻ để hỗ trợ người bệnh, hay lấy tiền túi đưa tôi đi mua thuốc cho người bệnh. Thầy thật sự là bậc vĩ nhân mà tôi may mắn được theo học trong những năm tháng cuối của cuộc đời ông. Tôi may mắn khi ngày ngày được ông cầm tay chỉ việc, may mắn hơn nhiều các bạn các chuyên gia của các nước trong khi họ chỉ có thể bay sang 5-7 ngày hay 1-3 tháng học thầy”, học trò này kể lại.

Ông được gọi là thầy thuốc của người nghèo bởi sự yêu thương người bệnh như người thân trong gia đình. Trong ký ức của học trò này, anh nhớ nhất là lúc giáo sư nuôi ăn, ở và bỏ tiền mua thuốc chữa cho hai bé là anh em ruột trong một gia đình ở Đắk Lắk bị liệt bẩm sinh. Gia đình bé rất nghèo, nhà có hai con thì không đi được phải bò và lết đi. Sau hai tháng được ông chữa miễn phí, hai bé đã tự đi lại cầu thang được bằng nạng mà không cần mẹ cõng. Người mẹ đã bật khóc nức nở trước sự kỳ diệu mà GS Tài Thu đã mang đến cho gia đình mình.

Nhiều người bệnh khóc nức nở khi được thầy chữa khỏi bệnh sau châm cứu.

Một trường hợp khác, một bệnh nhân ở Bắc Ninh không nuốt được phải ăn qua xông. Sau một ngày điều trị, bệnh nhân đã tới chỗ giáo sư khóc vì đã nuốt được...

“Tôi thật sốc và thấy sự thần kỳ khó tin qua bàn tay Giáo sư. Ông là cây đại thụ duy nhất của ngành châm cứu thế giới, là người Việt Nam có tầm ảnh hưởng và khiến y học thế giới phải tìm đến Việt Nam để học”, vị học trò này kể.

Những điều còn tiếc nuối

GS Tài Thu có một cuộc đời hào quang trong ngành châm cứu của Việt Nam. Nhưng cuộc đời của ông hào quang bao nhiêu thì cũng đầy góc khuất khi người con trai duy nhất của ông đã mất khi đang theo học tại Matxcova, Nga.

Trợ lý của ông kể rằng, khi giáo sư mỗi ngày già đi là từng ngày ông trăn trở khi không thể đi lại được nhiều để mở lớp để chữa bệnh trong và ngoài nước. Những tháng ngày sau này, khi giáo sư bệnh nặng, ông tâm sự về rất nhiều hoài bão, ấp ủ nhưng ông không còn đủ thời gian để tiếp tục cống hiến cho dân tộc.

GS Tài Thu còn ấp ủ nhiều tâm huyết với lĩnh vực châm cứu.

Nỗi buồn trong ông cũng lớn dần theo năm tháng khi ông lo sau này không ai nối nghiệp, lo sự thất truyền, lo tình yêu nghề, tình người trong ngành này không còn được như ông đã từng nói với các học trò của mình: “Phải có tâm nguyện, có tài hoa và niềm đam mê, có tình thương để sống chết với nghề thì mới giúp được người bệnh và duy trì, phát triển được thành tựu khoa học”.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu sinh ngày 4-6-1931, tại thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ông là bác sĩ Đông y danh tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn thế giới. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân và Anh hùng Lao động cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.

Giáo sư Nguyễn Tài Thu đã qua đời ngày 14-2, hưởng thọ 90 tuổi.

THIÊN LAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/gs-tskh-nguyen-tai-thu-nguoi-thay-tai-ba-duc-do-va-nhan-hau-635554/