GS.TS Tạ Ngọc Tấn đặt hàng loạt câu hỏi tại sao với Hà Nội

GS.TS Tạ Ngọc Tấn đặt vấn đề, tại sao Hà Nội chưa có một Khải hoàn môn, trong khi đã bàn từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội? Tại sao không có các cổng chào, biểu tượng ở vị trí 5 cửa ô ngày xưa. Tại sao có bao nhiêu danh nhân, mà không có biểu tượng ở thành phố, ở các ngã ba, ngã tư?…

Hà Nội cần phát triển cảnh quan, đầu tư một cách nghiêm túc Ảnh: Như Ý

Hà Nội cần phát triển cảnh quan, đầu tư một cách nghiêm túc Ảnh: Như Ý

Sáng 28/9, Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo Nguồn lực văn hóa trong chiến lược phát triển “Thành phố sáng tạo” của Thủ đô Hà Nội. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Nội luôn coi trọng và xác định phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế Thủ đô dựa trên nền tảng văn hóa, tìm nguồn lực và phát triển động lực từ văn hóa, nhất là trong điều kiện kinh tế tri thức, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến anh hùng; Thành phố Vì hòa bình, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển, coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô”, bà Hằng nêu.

Góp ý tại hội thảo, GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho biết, việc Hà Nội tổ chức hội thảo này là bắt kịp tinh thần mới trong văn kiện chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa, nguồn lực con người… Ông Tấn nhấn mạnh đến chức năng điều tiết của văn hóa, có khả năng tác động, điều chỉnh hành vi, nhận thức, chi phối giá trị của con người. Vì thế, cần phải nhận thức đúng đắn, cập nhật đầy đủ bản chất, ý nghĩa của văn hóa.

Theo ông Tấn, cần phải tiến tới hình thành các thiết chế, thể chế quy định về văn hóa, văn hóa phải đi liền, ngang hàng với kinh tế xã hội. GS Tấn cho rằng, hiện nay, người Hà Nội gốc đang ít đi. Hà Nội bây giờ nói bằng các thứ tiếng của 63 tỉnh thành, của 54 dân tộc anh em, chưa kể người nước ngoài.

Đã đến lúc Hà Nội phải chuẩn bị nhận thức về giá trị chung cho người Hà Nội: thể hiện văn hóa chung của người Việt Nam, là kết tinh văn hóa Hà Nội gốc, cùng với giá trị cốt lõi của văn hóa từ nước ngoài. "Đã đến lúc phải định ra một cái định chế về văn hóa, tôi nghĩ rằng tuyệt đại đa số nhân dân sẽ ủng hộ”, ông Tấn nói.

Cũng theo ông Tấn, cần phát triển cảnh quan của Hà Nội. Việc đập vào mắt đầu tiên với một người đến thành phố là cảnh quan. Cần phải thực sự đầu tư phát triển cảnh quan một cách nghiêm túc. “Tại sao Hà Nội không có một Khải hoàn môn? Việc này đã bàn từ dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội mà giờ chưa có. Tại sao không có cổng chào, biểu tượng ở 5 cửa ô? Tại sao có bao nhiêu danh nhân mà không có biểu tượng ở thành phố ở các ngã ba ngã tư...”, ông Tấn đặt câu hỏi.

PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, Hà Nội phải thực sự coi trọng văn hóa, nên khôi phục Ban chỉ đạo về văn hóa. “Cứ nói văn hóa ngang bằng, nhưng thực tế đều ở vị trí cuối cùng, từ bố trí cán bộ đến đầu tư”, ông Quát nói.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/gsts-ta-ngoc-tan-dat-hang-loat-cau-hoi-tai-sao-voi-ha-noi-1728104.tpo