GS.TS Phạm Tất Dong nói gì về đề xuất cho nghỉ học nhiều kỳ của Chủ tịch Hà Nội?

Liên quan đề xuất chia nhiều kỳ nghỉ mỗi năm của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư cho rằng, khó có thể thực hiện vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Ông Dong cho rằng, xuất phát từ thực tế toàn quốc cho học sinh nghỉ học phòng chống dịch bệnh như giai đoạn hiện nay nên Chủ tịch UBND TP Hà Nội có đề xuất như trên. Tuy nhiên, cho học sinh nghỉ học thời điểm nào khác ngoài nghỉ hè cần phải có nghiên cứu, có kết quả cụ thể.

Theo ông Dong, từ xưa, khi Pháp sang Việt Nam, tổ chức trường học và họ thấy thời tiết, khí hậu Việt Nam mùa hè nóng nực, không thể học được nên mới có đề xuất cho học sinh nghỉ hè. Chúng ta không có kỳ nghỉ đông vì mùa đông của ta ít khi dưới 10 độ C. Trong khi các nước lại có kỳ nghỉ đông là vì thời tiết ở đó mùa đông quá khắc nghiệt.

GS.TS Phạm Tất Dong

GS.TS Phạm Tất Dong

Vì thế, đa số các nước cho học sinh nghỉ học dựa trên điều kiện thời tiết chứ không phải vì một lý do nào đó. Như hiện nay, nếu rút ngắn thời gian nghỉ hè, học sinh sẽ phải đến trường vào tháng 6, tháng 7 trời nắng như đổ lửa. Khi đó, học sinh sẽ học vào giờ nào? Không phải trường học nào cũng có điều hòa, máy lạnh nên việc dạy học chắc chắn không có hiệu quả. Từ thực tế đó, cho thấy, đề xuất của Chủ tịch UBND TP Hà Nội rất khó khả thi.

Hoặc có thực hiện cũng phải trưng cầu ý kiến người dân, giáo viên. Nhất là giáo viên, có bao nhiêu người đồng thuận về việc đó. Vì về mặt nội dung, kiến thức, học sinh học một lèo sẽ tốt hơn bị gián đoạn bởi các kỳ nghỉ. Trên thực tế hiện nay, học sinh chúng ta cũng đã nghỉ 2 kỳ/ năm đó là nghỉ hè và nghỉ Tết nguyên đán.

Học sinh đang có 3 kỳ nghỉ

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) lại cho rằng, năm nay như một năm thí điểm ý tưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Bởi sau kỳ nghỉ Tết, học sinh có thêm một kỳ nghỉ vì dịch bệnh và rút ngắn thời gian nghỉ hè. Thay vì kết thúc năm học vào cuối tháng 5, năm nay học sinh sẽ kết thúc vào cuối tháng 6.

Các nhà trường, địa phương chỉ còn một khoảng thời gian ngắn để thực hiện các việc như: thi tuyển lớp 10, tuyển sinh 10; thi THPT quốc gia; xét tuyển ĐH. Liệu những việc đó có thực hiện hết được trong thời gian nghỉ hè ngắn hơn hay không?

Về việc này, ông Dong cũng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của việc chia nhỏ kỳ nghỉ ra có ảnh hưởng đến chất lượng học tập hay không? Việc này, cần có ý kiến của giáo viên, các nhà quản lý giáo dục. Chúng ta không thể nói khi không dựa trên một căn cứ, đánh giá nào cả. Phải đảm bảo kết quả học tập cũng như sức khỏe học sinh sau đó mới tính đến các yếu tố khác. “Phải đặt học sinh làm trung tâm, không thể vì kích cầu kinh tế hay yếu tố giao thông mà có thể tùy tiện điều chỉnh việc nghỉ học của học sinh”, ông Dong nói.

Trước đó, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid -19, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT về việc xây dựng kế hoạch tổ chức 4 kỳ nghỉ/ năm cho học sinh như nhiều quốc gia khác.

Ông Chung cho rằng, nếu cho học sinh nghỉ 4 kỳ/năm thì tổng thời gian nghỉ hè vẫn là 3 tháng. Trong đó kỳ nghỉ hè nên kéo dài 35 ngày, nghỉ tết khoảng 1 tháng, 2 kỳ nghỉ còn lại mỗi kỳ kéo dài 2 tuần. Theo ông Chung, việc này còn đảm bảo kích cầu tiêu dùng và phân luồng, phân bố lại tình hình giao thông của thành phố tốt hơn.

“Tới đây, chúng ta có thể có ý kiến đề xuất với Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cũng như Bộ Nội vụ để tính toán lịch. Chúng ta nghiên cứu xem các nước làm thế nào, nếu có hiệu quả, ứng dụng được thì có thể áp dụng ngay từ năm tới”, ông Chung đề xuất.

*Theo bạn có nên rút ngắn thời gian nghỉ hè, chia nhỏ thành các kỳ nghỉ trong năm? Mọi chia sẻ, ý tưởng, góp ý... xin gửi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền phong điện tử theo hộp thư: online@baotienphong.com.vn.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/gsts-pham-tat-dong-noi-gi-ve-de-xuat-cho-nghi-hoc-nhieu-ky-cua-chu-tich-ha-noi-1522993.tpo