GS-TS. Nguyễn Vân Nam: Môi trường xã hội phát huy vai trò của tầng lớp trí thức

Những trí thức có thể hình thành một mối quan hệ đặc biệt và không chính thức với nhau để hình thành một nhóm, một cộng đồng trí thức. Nhưng đó phải là một cộng đồng hình thành trên cơ sở tuyệt đối tự do, tự nguyện và không ràng buộc.

Nhà văn Nam Cao bằng truyện ngắn Đôi mắt nổi tiếng đã phê phán tầng lớp trí thức “trùm chăn“ thờ ơ với thời cuộc, không đi theo kháng chiến.

Giáo sư toán học Hoàng Tụy từng nhận xét: “Chạy theo danh hão, chạy theo quyền lực, chạy theo chức tước, là căn bệnh thời đại của trí thức Việt Nam”.

Có lẽ với đa số người Việt Nam, trí thức chỉ giản dị là những người có một trình độ học vấn nhất định và vì thế có trí thức tích cực, thì cũng có trí thức “trùm chăn”, có trí thức chạy theo danh hão, theo quyền lực. Đây là một sự ngộ nhận đã góp phần gây không ít trở ngại cho sự hình thành tầng lớp trí thức tại Việt nam.

Trí thức không chỉ là một danh từ, mà còn là - và trên hết là-một danh hiệu đáng tự hào. Chỉ những ai, bên cạnh các điều khác, không hề biết đến “trùm chăn”, không chạy theo danh hão, theo quyền lực... mới có thể trở thành trí thức. Không phải cứ tốt nghiệp đại học, được công nhận là nhà văn, nghệ sĩ thì đã là trí thức. Người ta chỉ có thể trở thành một trí thức bằng những hoạt động dấn thân.

Ở rất nhiều quốc gia, khi đề cập đến vai trò của cá nhân trong sự tồn vong của dân tộc, đối với sự phát triển quốc gia, trí thức đã trở thành một danh hiệu để chỉ những người có khả năng và sự dấn thân: khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, biết dấn thân cho điều mình tin là đúng vì lợi ích cộng đồng và sự phát triển đất nước. Trí thức chính là nguồn hình thành tầng lớp ưu tú của xã hội, gồm những người được xã hội kính trọng, có ảnh hưởng rộng lớn và quan trọng mang tính định hướng cho sự hình thành các giá trị cốt lõi của xã hội.

Thông thường, để có khả năng phân biệt đúng sai, tốt xấu, người ta phải được đào tạo để có một trình độ học vấn nhất định. Nhưng không hiếm người có được khả năng đó qua kinh nghiệm sống, qua tự học.

Ngược lại, nhiều người được đào tạo có bằng cấp, mà không có khả năng phân biệt ấy. Nền giáo dục Việt Nam hiện đại, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chưa thể trang bị cho học sinh, sinh viên khả năng suy nghĩ độc lập, biết tự chủ phân biệt đúng sai, tốt xấu, mà không phụ thuộc ý thức hệ tư tưởng, vào các giá trị đạo đức, cũng như quan điểm chính trị chính thống. Vì vậy, hầu như không có tiền đề cho sự hình thành trí thức. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ thông tin qua mạng internet, cơ hội tự học, tự hoàn thiện bản thân ngày càng nhiều, đã góp phần hình thành những cá nhân có khả năng tự chủ phân biệt của một trí thức.

Sự dấn thân của trí thức thể hiện trước hết ở lòng dũng cảm và bằng mọi cách nói lên những vấn đề xã hội quan tâm hoặc phải quan tâm, dù có thể nghịch tai nhà cầm quyền.

Một đặc điểm quan trọng của xã hội tri thức là luôn hình thành nhu cầu phân tích, đặt câu hỏi, bình luận và phê phán các sự kiện, hoạt động của xã hội trong các buổi bàn luận, tranh luận công khai để người dân biết và có thể đánh giá. Và một đặc trưng quan trọng của trí thức là khi tranh luận, nói về các sự kiện, các hoạt động xã hội thì quan điểm, cách nhìn và thái độ của họ thường độc lập với chính quyền. Chúng có thể phù hợp, hoặc ngược lại với chính quyền.

Nếu phù hợp, đó sẽ là động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước một cách sáng tạo.

Nếu không, và khi bị chính quyền theo dõi, trấn áp, trí thức sẽ trở thành những nhà đối lập. Nói cách khác, trí thức vừa là người tạo ra các giá trị tư tưởng, vừa là người phê phán chúng; vừa là người ủng hộ chính quyền, vừa là người đối lập. Nhưng, tự bản chất của mình, trí thức không bao giờ là mối nguy hiểm cho xã hội, không bao giờ là người phản bội tổ quốc.

Những trí thức có thể hình thành một mối quan hệ đặc biệt và không chính thức với nhau để hình thành một nhóm, một cộng đồng trí thức. Nhưng đó phải là một cộng đồng hình thành trên cơ sở tuyệt đối tự do, tự nguyện và không ràng buộc bởi bất cứ tổ chức chính trị nào có xu hướng phụ thuộc chính quyền.

Sự dấn thân của trí thức thể hiện trước hết ở lòng dũng cảm và bằng mọi cách nói lên những vấn đề xã hội quan tâm hoặc phải quan tâm, dù có thể nghịch tai nhà cầm quyền. Ngày nay, sự kết nối dễ dàng - và không thể ngăn chặn - với các trang mạng xã hội, các tổ chức truyền thông quốc tế, đã tạo ra những diễn đàn thuận lợi cho hoạt động của trí thức ở bất kỳ quốc gia nào khi họ không tìm được sự chia sẻ ở các kênh truyền thông chính thức.

Muốn xây dựng được một xã hội văn minh dân sự, một đất nước phát triển mạnh mẽ bằng sức sáng tạo, chúng ta phải cần trí thức. Nhưng, người ta không thể đào tạo trí thức, mà chỉ có thể tạo điều kiện hình thành trí thức.

Ở Việt Nam, ngoài việc phải cải tổ một cách căn bản hệ thống giáo dục và quan niệm đúng đắn về trí thức, có lẽ chỉ cần loại bỏ những rào cản đang không khuyến khích sự xuất hiện trí thức, đồng thời cần minh định rõ: trí thức không phải là nguyên nhân gây bất ổn xã hội, không phải là mối nguy hiểm cho chế độ.

NĐT

>> Trương Trọng Nghĩa: Dòng sông và bờ bên kia

>> Nguyễn Thục Quyên: Khoa học gia trong top quyền lực của thế giới

>> TS. Vũ Duy Thức: Ấn tượng trí tuệ Việt ở thung lũng silicon

>> Trò chuyện với người được Google “tam cố thảo lư”

>> Dương Ngọc Thái: Từ Xóm Đẻ quận 4 đến Silicon Valley

>> Đặng Văn Lâm và niềm hạnh phúc lặng lẽ

>> Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều): “Giữ mình tự do làm điều mong muốn”

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/gs-ts-nguyen-van-nam-moi-truong-xa-hoi-phat-huy-vai-tro-cua-tang-lop-tri-thuc-20243.html