GS.TS Nguyễn Vân Nam: Chọn đường 'không trải hoa hồng'

Góp mặt vào Giải Sách Hay năm 2018, một giải thưởng uy tín vừa được công bố, có tác phẩm Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng của GS-TS khoa học luật Nguyễn Vân Nam. Nhắc tới Nguyễn Vân Nam, ắt nhiều độc giả chưa quên ông là người đã có nhiều phản biện về mặt pháp lý rất sắc sảo trong các vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Vedan, Formosa... hay có nhiều ý kiến về những vụ việc gây tranh cãi trong xã hội liên quan đến sở hữu trí tuệ, bản quyền...

Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng đã chỉ ra nhiều thiếu sót, chưa phù hợp của Luật Quyền tác giả của Việt Nam so với chuẩn mực quốc tế. Một năm sau khi xuất bản, trả lời câu hỏi “ông đã nhận được phản hồi nào từ phía Nhà nước về cuốn sách?”, ông bình thản cho biết:

GS-TS khoa học luật Nguyễn Vân Nam.

- Chưa, tôi cũng không hy vọng sẽ nhận được phản hồi. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng đã đưa cuốn sách này vào tủ sách của Bộ. Một số cán bộ của Bộ Tư pháp, một số thẩm phán ở Hà Nội, TP.HCM, hay một số giáo sư luật có dịp đọc cuốn sách đều cho biết họ rất thích.

Tôi nghĩ, từ việc đọc một cuốn sách bình luận về một bộ luật, đến chỗ thực hiện các điều chỉnh, thay đổi bộ luật đó cho phù hợp thì cần không ít thời gian. Thực chất đó là một quá trình gồm: nhận ra và thừa nhận sai sót; nhận thức được sự cần thiết phải sửa đổi; và cuối cùng, nhận thức được trách nhiệm phải sửa đổi. Ở ta, đây là một quá trình hết sức gian nan, khó khăn.

Ông đã có nhiều nỗ lực “phổ cập” luật đến với người dân. Tôi nhớ 8 năm trước, ông là luật sư đầu tiên “xông ra” giúp đỡ miễn phí pháp lý cho người nông dân đầu tiên của tỉnh Đồng Nai - anh Nguyễn Lam Sơn - làm các thủ tục kiện Vedan ra tòa do bị thiệt hại bởi ô nhiễm môi trường. Từ bước ngoặt này, hàng ngàn nông dân các tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu sau đó đã nộp đơn khởi kiện Vedan... Lý do gì đưa ông đến quyết định này, đặc biệt lại trong bối cảnh chính quyền lúc đó vừa “ép” và thiếu thông tin với người dân, vừa lúng túng trong xử lý vấn đề?

Trước hết đó là quyết định cảm tính từ bức xúc của bản thân, ngay lập tức thấy rằng cần bảo vệ người đang yếu thế. Vì lúc đó có một sức ép “vô hình” từ mọi phía khiến người nông dân không thể nào đứng lên tự bảo vệ được quyền lợi của họ. Sau đó tôi mới nghĩ tiếp đến việc: nếu anh Lam Sơn làm được điều này, nông dân sẽ theo đó mà đứng lên yêu cầu bồi thường bằng khởi kiện tại tòa án. Sau nữa mới là mục tiêu: nó có thể gây sức ép, buộc Vedan phải trả mức tiền bồi thường phù hợp. Hồi đầu tôi không nghĩ sâu xa gì.

Đối với tôi, luôn quan tâm đến những vấn đề có thể ảnh hưởng xấu đến quyền lợi người dân là nghĩa vụ và trách nhiệm của lương tâm. So với thời xảy ra vụ Vedan, người dân đã có ý thức hơn về những ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đến cuộc sống của mình; cũng dũng cảm hơn khi tự đứng ra bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng họ vẫn chưa thể sử dụng pháp luật như một công cụ hiệu quả, để bảo vệ một cách cơ bản và tốt nhất quyền lợi của mình.

Ông thường nói: người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều bình đẳng trước pháp luật và người dân chỉ có thể được bảo vệ tốt nhất bằng pháp luật. Ông có lời chia sẻ nào thêm với người dân về cách thức sử dụng pháp luật để bảo vệ mình, về khả năng tự bảo vệ mà không phụ thuộc vào nhà nước?

Có nhiều nguyên nhân, lý do từ nhiều phía khiến người dân chưa thể sử dụng pháp luật một cách tốt nhất. Trước hết, đó là tâm lý ỷ lại, thói quen cái gì cũng kêu lên cơ quan chính quyền giải quyết. Họ thiếu thói quen tìm đến tòa án, luật sư. Chính điều này là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan chính quyền thấy mình đương nhiên có thẩm quyền giải quyết những vụ việc thật ra thuộc thẩm quyền của tòa án. Chính quyền cũng có ảnh hưởng rất lớn đến việc khuyến khích hay không khuyến khích tòa thụ lý giải quyết đơn kiện của người dân đối với những vụ gây ô nhiễm môi trường...

Nhà nước có vai trò thế nào trong đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dân nói chung và tổ chức, doanh nghiệp nói riêng, thưa ông?

Rất giản dị, nhà nước chỉ nên là người ban hành những quy định, các bộ luật có tính khả thi, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; là người giám sát thực thi những quy định đó trong thực tế. Nếu có những chính sách khuyến khích người dân đến tòa án, như hỗ trợ án phí và chi phí luật sư cho người đi kiện, thì càng tốt. Nhưng, tòa án chỉ có thể hoàn thành tốt sứ mệnh vì công lý, phân xử công minh của mình, nếu thật sự được độc lập.

Ông có phải là người cực đoan?

Tôi không nghĩ phân biệt người cực đoan, uyển chuyển, hay nhẫn nại... là chính xác hay hữu ích. Vì mỗi người đều chứa trong mình đầy đủ những tính cách ấy. Tùy lĩnh vực, quan hệ và hoàn cảnh mà chúng được thể hiện.

Với thế giới bên ngoài, tôi là người uyển chuyển, sẵn sàng nghe và chấp nhận ý kiến dù khác với tôi, miễn nó logic. Với bản thân, tôi rất nghiêm khắc.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng “nòi”, truyền thống gia đình có ảnh hưởng đến lựa chọn con đường đi của cá nhân ông?

Tất nhiên có chứ. Ba má tôi đều là đảng viên. Ba tôi là bộ đội, má là cán bộ Đoàn hoạt động bí mật tại Sài Gòn trước 1975. Suốt đời, ba má tôi chỉ mong sao đất nước thật sự độc lập, tự do, dân tộc ta có thể ngẩng cao đầu cùng những dân tộc khác trên thế giới, và dân ta - dù không phải ai cũng hạnh phúc - nhưng đều là những con người tự do, có phẩm giá. Tôi sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi mục đích đó và cố gắng hết sức mình để đạt được.

Ông có thể chia sẻ thêm về những gì đang làm để đạt được mục tiêu lớn mà ông theo đuổi?

Khi trở về quê hương, tôi muốn thoát khỏi bi kịch của mình tại Đức để có một cuộc sống ổn định, và tôi đã có. Tại Việt Nam, tôi ngày càng được người dân, doanh nghiệp tin tưởng có thể bảo vệ tốt quyền lợi của họ. Tôi chỉ góp phần thông qua các bài viết, ý kiến của mình, chỉ ra cái nào là đúng, không phù hợp với quốc tế, loài người nói chung... Hy vọng qua từng ngày, sẽ có thêm nhiều người đồng tình và chung tay với mình.

Khó khăn để đạt được mục đích mà ông đang theo đuổi hiện nay là gì?

Mục đích ba mẹ tôi hay tôi đang theo đuổi đòi hỏi có rất nhiều người chung tay, nói cách khác cần cả dân tộc có cùng mục tiêu đó. Nhưng đa phần người dân Việt hiện phải chạy theo, phải làm những việc đảm bảo sinh nhai hàng ngày của mình trước đã.

Số người có thu nhập trung lưu sẽ ngày một tăng, nhưng không đồng nghĩa với gia tăng áp lực phải thay đổi hệ thống kinh kế - chính trị - luật pháp cho phù hợp các chuẩn mực quốc tế; mà đồng nghĩa với ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học tập, ngày càng nhiều gia đình Việt Nam chuyển ra nước ngoài sinh sống. Nguy cơ các thế hệ người Việt ưu tú sau này không chọn Việt Nam làm nơi sinh sống cho gia đình mình là hoàn toàn hiện thực.

Những giá trị cơ bản nào quyết định thành bại của đất nước nhất trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình sang giai đoạn công nghiệp 4.0, thưa ông?

Công nghiệp hóa lần thứ tư, về bản chất, là số hóa tất cả những gì có thể số hóa được, đồng thời trao đổi, sử dụng thông tin số hóa ấy bằng thời gian thực. Nhìn dưới bất kỳ góc độ nào, nó chỉ là một công cụ để cá nhân, gia đình, dân tộc đạt được mục đích của mình.

Những giá trị cơ bản mà Việt Nam cần xây dựng, thì nên theo những chuẩn mực giá trị chung đã giúp nhiều quốc gia trở thành những nước phát triển. Để đạt được điều đó phải có một nền giáo dục thích hợp với tâm sinh lý con người và gia đình, với hoàn cảnh xã hội Việt Nam, và phù hợp với chuẩn mực, triết lý chung của giáo dục thế giới.

Cảm ơn ông!

GS.TS khoa học luật Nguyễn Vân Nam, hiện định cư tại CHLB Đức, tốt nghiệp cử nhân hóa học Đại học Tổng hợp TP.HCM năm 1981. Sống tại Đức từ năm 1986, ông cũng tốt nghiệp đại học các chuyên ngành triết học, luật học, kinh tế học của Đại học Tự Do (FU) ở Tây Berlin và luật học tại Đại học Humbold Berlin (HUB).

Ông là thạc sĩ về lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh, tiến sĩ luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế. Ông được phong giáo sư tại Đức năm 2002. Từ năm 2003, ông là giám đốc Công ty tư vấn luật Nam Hùng tại TP.HCM.

Các cuốn sách của GS. Nguyễn Vân Nam đã được xuất bản tại Đức: Vai trò nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa; Tác động của bảo hộ sáng chế đối với các nước đang phát triển; Phân lập quyền lực trong mô hình liên bang áp dụng cho Liên minh Châu Âu... Xuất bản tại Việt Nam: Toàn cầu hóa và sự tồn vong của Nhà nước; Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng...

Lê Quỳnh - Ảnh: Lê Quang Nhật

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/gs-ts-nguyen-van-nam-chon-duong-khong-trai-hoa-hong-15613.html