GS.TS Lê Ngọc Thạch góp ý về phiên dịch các thuật ngữ Hóa học

GS.TS Lê Ngọc Thạch cho rằng không nên viết tắt khi phiên dịch thuật ngữ khoa học, trong đó bao gồm cả những thuật ngữ ngành Hóa học.

LTS: Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam xin trân trọng đăng tải bài viết của Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch - nguyên giảng viên khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh về góp ý phiên dịch đối với các thuật ngữ Hóa học.

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch - nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Ngọc Thạch - nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh)

Tôi xin nhấn mạnh góp ý phiên dịch này là chỉ trong thuật ngữ “Hóa học” và những từ có liên quan. Chủ yếu là nhằm xin tránh viết tắt trong thuật ngữ khoa học.

Vì sao? Vì Hóa học là một môn học du nhập hoàn toàn. Do đó, muốn có thuật ngữ tiếng Việt để sử dụng là phải phiên dịch, không thể tự tiện và duy ý chí áp đặt một chiều, không kể đến chiều ngược lại khi muốn dịch, từ tiếng Việt ra tiếng Anh hoặc tiếng Pháp chẳng hạn, sẽ gặp khó khăn.

Thuật ngữ nếu phiên dịch không chuẩn, nhưng lại phổ biến cho nhiều người sử dụng dễ dẫn đến cái sai ở diện rộng, dùng thuật ngữ sai như một thói quen, thì không nên, nhất là với người trong ngành giáo dục, sư phạm lại càng phải tránh!

Tôi xin trình bày cách phiên dịch do cố Giáo sư hóa học Lê Văn Thới có mở rộng, với những đề nghị phiên dịch (Anh/Pháp/Việt) như sau:

Ở đây, trước tiên xin hiểu một số quy ước:

n: chữ Nôm

h: chữ Hán

Trong tiếng Pháp có danh từ giống đực và giống cái. Vậy:

f: féminin, giống cái

m: masculin, giống đực

a: adjectif, tính từ

Như vậy, cách phiên dịch sẽ là:

Về chữ “hóa học” có:

chemistry/chimie (f)/hóa học

chemical/chimique (a)/thuộc về hóa học

chemist/chimiste (m)/hóa học gia (h), nhà hóa học (n)

chemo-/chimio-/tiếp đầu ngữ chỉ hóa-

Vì vậy nên phiên dịch một cách đầy đủ là:

applied chemistry/chimie appliqueé/hóa học ứng dụng (n)

flavour chemistry/chimie des saveurs/hóa học (về) vị (n)

flow chemistry/chimie des écoulements/hóa học dòng chảy (n)

green chemistry/chimie verte/hóa học xanh (n)

inorganic chemistry/chimie inorganique/hóa học vô cơ (n). Không nên viết tắt là “hóa vô cơ”!

marine chemistry/chimie marine/hóa học (về) biển (n)

materials chemistry/chimie des matériaux/hóa học vật liệu (n)

microwave chemistry/chimie des micro-ondes/hóa học vi sóng (n)

natural product chemistry/chimie des produits naturels/hóa học sản phẩm thiên nhiên (n)

nuclear chemistry/chimie nucleáire/hóa học hạch tâm (n)

organic chemistry/chimie organique/hóa học hữu cơ (n). Không nên viết tắt là “hóa hữu cơ”!

organometallic chemistry/chimie organométallique/hóa học hữu cơ kim loại (n)

polymer chemistry/chimie des polymères/hóa học đa phân (n)

pure chemistry/chimie pure/hóa học thuần túy (n)

solid-state chemistry/chimie du solide/hóa học chất rắn (n)

supramolecular chemistry/chimie supramoléculaire/hóa học cao phân tử (n)

synthetic chemistry/chimie de synthèse/hóa học tổng hợp (n)

Xin tiếp tục:

analytical chemistry/chimie analytique/hóa học phân giải (n). Không nên viết tắt là “hóa phân tích”! Chữ “phân tích” nên dùng để phiên dịch cho decomposition/décomposition. Thí dụ như conformational analysis được dịch là sự phân giải cấu trạng.

combinatorial chemistry/chimie combinatoriale/hóa học tổ hợp (n)

enviromental chemistry/chimie de l’environnement/hóa học môi trường (n)

general chemistry/chimie générale/hóa học đại cương (n). Không nên viết tắt là “hóa đại cương”!

industrial chemistry/industrielle chimie/hóa học kỹ nghệ (n)

material chemistry/chimie des matériaux/hóa học vật liệu (n)

physical chemistry/chimie physique/hóa học vật lý (n). Không nên viết tắt là “hóa lý”.

Vì chúng ta đang hiểu Toán-Lý-Hóa là viết tắt thay cho Toán học-Vật lý-Hóa học. Thật ra chữ "lý", trong Vật lý, lại có nghĩa là “nguyên lý” trong tiếng Hán-Việt. Theo Hán Việt từ điển của tác giả Đào Duy Anh, trang 544, "vật lý" là: khảo sát các nguyên lý về vật chất; chữ "lý" này cũng có mặt trong địa lý, sinh lý, luận lý, … Như vậy, "lý" không có ý nghĩa rõ ràng như toán học và hóa học, nếu chỉ đứng riêng một mình.

theoretical chemistry/chimie théorique/hóa học lý thuyết (n)

toxicological chemistry/chimie toxicologique/hóa học chất độc (n)

Riêng còn:

medicinal chemistry/chimie médical/hóa học y dụng (n)

pharmaceutical chemistry/chimie pharmaceutique/hóa học dược dụng (n)

Xin tiếp tục, lưu ý nên tránh viết ngược và viết tắt:

argochemistry/argochimie/nông hóa học (h), nông hóa (viết tắt), hóa nông (viết ngược)

biochemistry/biochimie/sinh hóa học (h)

electrochemistry/électrochimie/điện hóa học (h), điện hóa (viết tắt)

femtochemistry/femtochimie/hóa học femto (n)

geochemistry/géochimie/địa hóa học (h), địa hóa (viết tắt)

immunochemistry/immunochimie/hóa học miễn dịch (n)

mechanochemistry/mécanochimie/cơ hóa học (h)

neurochemistry/neurochimie/hóa học thần kinh (n)

petrochemistry/pétrochimie/hóa học dầu mỏ (n) (theo nghĩa bóng), còn nghĩa đen là “thạch hóa học” (h), vì tiếng Hy lạp petros có nghĩa là “đá” (rock, stone)

photochemistry/photochimie/quang hóa học (h), quang hóa (viết tắt)

phytochemistry/phytochimie/thảo hóa học (h)

radiochemistry/radiochimie/hóa học phóng xạ (n)

sonochemistry/sonochimie/âm hóa học (h)

stereochemistry/stéréochimie/hóa học lập thể (n)

thermochemistry/thermochimie/nhiệt hóa học (h)

Xin tiếp:

chemical biology/biologie chimique/sinh học hóa học (n), khác với “sinh hóa học”

Phân tích sự khác nhau giữa chemical biology (sinh học hóa học) và biochemistry (sinh hóa học)

chemical industry/industrie chimique/kỹ nghệ hóa học (n)

chemical kinetic/cinétique chimique/động học hóa học (n), động hóa học (viết tắt)

chemical product/produit chimique/sản phẩm hóa học (n)

Với nhóm tiếp đầu ngữ:

chemoinformatic/chimioinformatique/hóa tin học, hóa tin (viết tắt)

chemoluminescence/chimioluminescence/hóa phát quang

chemolysis/chimiolyse/hóa giải

chemotherapy/chimiothérapie/hóa trị liệu

chemoautotrophy/chimioautotrophie/hóa tự dưỡng

chemoprevention/chimioprévention/hóa ngăn ngừa

chemoattraction/chimioattraction/hóa hấp dẫn

chemoselectivity/chimiosélectivité/hóa chọn lọc

chemosensor/chimiosensor/hóa cảm biến

chemospecific/chimiospécifique/(thuộc về) hóa biệt tính

chemosynthesis/chimiosynthèse/hóa tổng hợp

chemotaxonomy/chimiotaxonomie/hóa phân loại

chemotype (chemovar)/chimiotype/hóa phân kiểu

Phiên dịch theo tiếng Hán-Việt, thì viết tính từ trước chủ từ, giống như tiếng Anh. Thí dụ: quang hóa học, thảo hóa học.

Phiên dịch theo tiếng Nôm, thì viết tính từ ở phía sau chủ từ. Thí dụ: hóa học lập thể, hóa học biển.

Cả hai cách viết đều đúng, nếu có thể ngắn gọn mà vẫn đầy đủ ý nghĩa, xin viết theo tiếng Hán-Việt, để tránh lập lại chữ “học” trong một số trường hợp.

GS.TS Lê Ngọc Thạch - nguyên giảng viên Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gsts-le-ngoc-thach-gop-y-ve-phien-dich-cac-thuat-ngu-hoa-hoc-post229837.gd