GS.TS. Andreas Stoffers: Tối ưu hóa EVFTA

Hiệp định EVFTA sẽ mang đến cho Việt Nam nhiều cơ hội, dẫu vẫn còn chặng đường khá chông gai ở phía trước.

Giám đốc FNF tại Việt Nam GS. TS. Andreas Stoffers. (Ảnh: Linh Chi)

Chia sẻ quan điểm về EVFTA với TG&VN, GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng vào các cơ hội lớn sẽ đến với cả hai bên, khi cùng nhau vượt qua các thách thức.

Quan điểm của ông về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)?

EVFTA là thỏa thuận tham vọng và toàn diện nhất mà EU từng ký kết với một quốc gia có thu nhập trung bình. Thỏa thuận này được cho là bước tiến lớn giữa EU với một nước đang phát triển và tích cực tiến hành công nghiệp hóa như Việt Nam.

Đây là một bước đi khéo léo của EU trong việc tìm kiếm thị trường mới bên cạnh Trung Quốc và Anh. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường và chủ nghĩa tân tự do diễn ra trên toàn thế giới, Hiệp định EVFTA giống như ngọn hải đăng cho thương mại tự do, đóng góp đáng kể vào mạng lưới đối tác của hai khu vực, đồng thời có ý nghĩa nhất định trong việc xây dựng hòa bình.

Bên cạnh đó, Hiệp định này cũng được hy vọng sẽ khởi động lại đàm phán FTA giữa ASEAN và EU sau 11 năm trì hoãn. FTA sẽ kết nối EU với các nước ASEAN và ngược lại, trên nhiều lĩnh vực.

Cùng với FTA đã được ký kết với Singapore, EVFTA thể hiện tầm nhìn mới của EU đang hướng về khu vực phía Đông. Tuy nhiên, thời gian tới, cả Việt Nam và EU sẽ phải hoàn thành rất nhiều việc để tối ưu hóa EVFTA.

Ông có thể chia sẻ rõ hơn về lợi ích mà doanh nghiệp EU, cụ thể là doanh nghiệp Đức sẽ nhận được từ EVFTA?

Khi EVFTA chính thức có hiệu lực, 99% dòng thuế sẽ được gỡ bỏ từng bước trong 7 năm tiếp theo. Đối với EU, những ngành công nghiệp đặc biệt được hưởng lợi bao gồm, sản xuất máy móc, động cơ, các sản phẩm công nghệ cao bởi hai lý do sau đây:

Một là, các công ty thuộc lĩnh vực trên có khả năng sử dụng một phần linh kiện từ Việt Nam để sản xuất. Nhờ giảm thuế suất, các linh kiện này sẽ có mức giá thấp hơn và được tiêu chuẩn hóa theo chất lượng EU.

Hai là, hàng xuất khẩu từ EU sang Việt Nam cũng hưởng mức thuế suất thấp hơn. Hiện tại, Việt Nam đang áp đặt mức thuế suất cao cho sản phẩm công nghệ cao như ô tô, với mục tiêu bảo vệ các ngành công nghiệp non trẻ.

Đối với Đức, Việt Nam là thị trường lớn thứ hai tại Đông Nam Á sau Indonesia. Năm 2019, ngành công nghiệp ô tô chiếm hơn 154,7 tỷ USD trong kim ngạch xuất khẩu của Đức, tiêu thụ 1.475 đơn vị sản phẩm tại Việt Nam và tạo thêm 90 triệu USD tại đây. Hiện tại, Việt Nam là thị trường ô tô đầy tiềm năng với khoảng 4 triệu người sử dụng, dù chi phí phải trả cho thuế quan khi mua ô tô bằng với giá trị của nó tại thị trường châu Âu.

Ngoài ra, khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể nhập khẩu nhiều sản phẩm công nghệ cao từ phía Đức với mức giá thấp hơn. Đây cũng là khu vực có thế mạnh của Đức.

Còn với doanh nghiệp Việt Nam thì sao, thưa ông?

Còn với doanh nghiệp Việt Nam thì sao, thưa ông?

Hiện tại, Vietinbank, Vinfast và Vietcombank là một số đại diện doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại EU. Hiệp định EVFTA sẽ giúp các công ty này giảm chi phí trong việc mở rộng kinh doanh, tìm đối tác và xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang EU.

Chẳng hạn, Vinfast có thể nhập máy móc, linh kiện với giá thấp hơn từ Đức, từ đó có thể giảm chi phí bán ô tô tại Việt Nam. Hơn thế, hãng này cũng sẽ có cơ hội ra mắt dòng xe Vinfast tại Đức.

Trong 5 năm tới, Việt Nam sẽ ngày càng cạnh tranh trên trường quốc tế, kéo theo dòng chảy thương mại càng mạnh mẽ hơn giữa EU và Việt Nam. Là điều kiện thuận lợi tăng số lượng các công ty EU thành lập nhà máy hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam, từ đó, góp phần tăng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Chúng ta cần làm gì để khai thác hiệu quả các cơ hội lớn này?

Trước hết, doanh nghiệp Việt Nam và EU cần làm quen với luật pháp và các ưu đãi của nước đối tác, thường xuyên cập nhật lộ trình loại bỏ thuế trong EVFTA.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, dường như có rất nhiều việc phải làm để tham gia tích cực tại “sân chơi” của EU. Cụ thể như: nâng cao lợi thế cạnh tranh; cải thiện chất lượng môi trường, điều kiện làm việc; đăng ký quyền sở hữu và chỉ báo địa lý cho sản phẩm; tự bảo vệ tại chính thị trường Việt Nam bằng xây dựng thương hiệu, chất lượng, tiếp nhận công nghệ mới, tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng với EU…

Còn với doanh nghiệp EU, họ nên mở rộng thị trường sang Việt Nam và châu Á, tăng vốn FDI vào để xây dựng nhà máy hoặc chi nhánh bởi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn.

Vậy còn thách thức sẽ là gì, thưa ông?

Loại bỏ các rào cản công nghệ và phi thuế quan là một trong những thách thức không dễ dàng cho cả hai bên. Hiện tại, Việt Nam không thể bắt kịp các tiêu chuẩn EU ngay lập tức và EU cũng cần thận trọng trong việc nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Để tiến trình giảm thuế diễn ra thuận lợi, hai bên cần xem xét luật pháp của mình, đàm phán và cân nhắc được và mất trong cuộc chơi. Điều này đòi hỏi cả Việt Nam và EU cần có thêm thời gian và nỗ lực hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc cải thiện năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp trong nước trước khi thuế quan được gỡ bỏ cũng là một yêu cầu đặt ra cho cả hai bên trước khi EVFTA được thực thi.

Theo ông, kinh tế Đức và Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào?

Theo tôi, EVFTA chắc chắn sẽ tăng doanh thu xuất khẩu cho cả hai nước, đặc biệt giảm thâm hụt thương mại từ Việt Nam sang Đức. Theo nghiên cứu của Ủy ban châu Âu, Hiệp định này sẽ tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU thêm 15 tỷ Euro/năm vào năm 2035. Ngược lại, xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 8,3 tỷ Euro/năm.

Cả Việt Nam và Đức đều tập trung tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu, vì vậy, sự gia tăng xuất khẩu dẫn đến tăng trưởng kinh tế sẽ rõ ràng. Đặc biệt, hai nước có thể hỗ trợ cho nhau trong phát triển kinh tế, Việt Nam có thể được tiếp cận lĩnh vực công nghệ cao từ Đức, ngược lại, Đức có thể đưa Việt Nam gia nhập chuỗi cung ứng của mình.

(thực hiện)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gsts-andreas-stoffers-toi-uu-hoa-evfta-110377.html