GS Trương Nguyện Thành về Mỹ: Tránh 'trên trải thảm, dưới rải đinh'

Việt Nam đang thiếu và cần thu hút nhân tài để phát triển và cũng thiếu cả những cơ chế, chính sách linh hoạt để hấp dẫn người tài.

Câu chuyện "chảy máu chất xám" không lạ ở Việt Nam. GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen quyết định trở về Mỹ sau khi không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm vị trí Hiệu trưởng theo Luật Giáo dục Việt Nam, một lần nữa lại khiến dư luận băn khoăn về cơ chế săn đón nhân tài hiện nay.

GS Trương Nguyện Thành là tiến sĩ khoa học ngành Hóa và Tính toán do ĐH Minnesota (Mỹ) cấp năm 1990. Cũng năm này, ông giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học quốc gia Mỹ. Sau đó, học tiếp sau tiến sĩ ngành mô phỏng cơ cấu sinh lý.

GS Trương Nguyện Thành chụp ảnh cùng sinh viên. (Ảnh: FBNV)

TP HCM cần linh hoạt hơn

Bình luận về câu chuyện này, GS.TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, GS Trương Nguyện Thành có thể chọn việc ra đi hay ở lại, tuy nhiên, từ trường hợp đơn cử này, TP HCM cần có sự linh hoạt hơn trong quy định để thu hút người tài. “Với những người học tập, nghiên cứu tại nước ngoài mà lại áp dụng những quy định về thâm niên quản lý ở Việt Nam thì không phù hợp lắm. Quy định nhưng vẫn nên có sự mềm dẻo, không nên quá cứng nhắc. Tôi cho rằng luật Giáo dục Đại học cũng đã đến lúc cần thay đổi để có thể vận dụng linh hoạt hơn”.

GS Phạm Tất Dong lo ngại rằng, sự việc của GS Trương Nguyện Thành sẽ tạo ra tâm lý e ngại về nước cho nhiều trí thức Việt Nam đang học tập và sinh sống tại nước ngoài: “Những người đang muốn về, nhìn vào trường hợp đó, liệu họ có còn muốn về nữa hay không”?

GS. TSKH Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng TP HCM cần chính sách linh hoạt hơn.

“Tôi đã từng nói chuyện với nhiều chuyên gia hiện đang sống tại nước ngoài, nhiều người trong số họ nói rằng muốn về nước, song chính sách phải thực sự thu hút. Nếu không có sự cởi mở, khuyến khích hơn nữa, họ rất khó để trở về. Hay nhìn vào điều kiện sống, vật chất của trí thức tại Việt Nam còn nhiều khó khăn, họ chắc cũng sẽ ngại. Trí thức làm việc dựa vào những phương tiện, điều kiện để sáng tạo, không có những cái đó, lại cộng thêm chính sách ngặt nghèo thì rất khó hấp dẫn nhân tài”, GS Dong nói.

Đặc biệt, vị GS này cũng cho rằng, cơ chế, chính sách đưa ra phải mang tính cởi mở thực sự, tránh tình trạng "trên trải thảm, dưới rải đinh".

Nhìn rộng hơn, GS Phạm Tất Dong nhận định, để phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa, không chỉ riêng ngành giáo dục, mà cả xã hội hiện vẫn đang thiếu nhiều nhân tài, có năng lực thực sự. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam đều có một lượng lớn người trẻ đi học tập tại nước ngoài, nhưng nhiều người giỏi lại không lựa chọn con đường về nước.

“Ở Trung Quốc, họ tuyên bố rằng luôn hoan nghênh những người đi học ở nước ngoài thành tài về nước, những người không về, họ vẫn động viên để đóng góp theo cách khác. Trí thức Trung Quốc muốn về nước làm việc cũng rất dễ dàng. Hay tại Mỹ, những người giỏi, muốn nhập quốc tịch vào Mỹ không có gì khó khăn. Đây là quốc gia có nhiều nhân tài nhất, cứ 100 giải thưởng Nobel thì có đến 95 giải thuộc về nước Mỹ. Còn ở ta, chính sách đưa ra vẫn chưa thực sự hấp dẫn”, GS Dong lo ngại.

GS Phạm Tất Dong cho rằng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, hội tụ chất xám là con đường tốt nhất để Việt Nam tránh bị tụt hậu và đuổi kịp các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, nhưng dường như công dân Việt Nam chưa phải là công dân toàn cầu. Nhà nước cần có những chính sách mới để những người Việt tại nước ngoài và cả những người nước ngoài dễ dàng tới Việt Nam làm việc. Ngược lại, công dân Việt Nam có thể làm việc tốt tại các quốc gia khác.

“Phải làm sao để họ không thấy rằng việc thăng tiến, cơ hội làm việc ở quê nhà còn khó hơn việc đạt được các công trình khoa học tầm cỡ thế giới”, GS Phạm Tất Dong nhấn mạnh./.

Nguyễn Trang/VOV.VN -

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/gs-truong-nguyen-thanh-ve-my-tranh-tren-trai-tham-duoi-rai-dinh-759269.vov