GS Tôn Thất Tùng và PGS Tôn Thất Bách qua ký ức Tôn Hiếu Anh

26/3 năm nay, tròn 14 năm PGS Y khoa Tôn Thất Bách qua đời. Con trai ông, Tôn Hiếu Anh kể rằng mỗi dịp 20/11, Tết âm lịch, giỗ bố 26/3, giỗ ông 7/5 thì ngôi nhà số 9 Lê Thánh Tông vẫn chật kín người. Các lớp học trò của ông Tùng ông Bách nay đã trưởng thành. Họ dẫn học trò tới thắp hương và giảng giải về thành tựu khoa học của hai người thày lớn.

Những chuyện chưa từng được chia sẻ trên báo chí

Vợ chồng giáo sư Tôn Thất Tùng trong một chuyến công tác nước ngoài.

Vợ chồng ông Tôn Thất Bách chụp ảnh trong một cái Tết, năm đó ông bị ngã xe gãy tay.

Tôn Hiếu Anh sinh năm 1977 tại Hà Nội. Mặc dù là cháu đích tôn trong một gia đình có tầm vóc lớn về Y khoa với ông nội là GS Tôn Thất Tùng, bố là PGS Tôn Thất Bách - hai bác sĩ hàng đầu, nổi tiếng ở Việt Nam và trên thế giới; bà nội Vi Thị Nguyệt Hồ là cháu nội Tổng đốc Vi Văn Định cũng theo nghề y; mẹ anh cũng là một bác sĩ… nhưng Hiếu Anh lại theo đuổi một con đường khác biệt hẳn. Năm 1995, anh thi đỗ vào Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Năm 28 tuổi, Hiếu Anh đã có 2 bằng đào tạo về giảng viên thời trang tại trường Middlesex University và London Centre Fashion Studies. Anh đã trải qua một thời gian dài làm người mẫu, rồi thiết kế thời trang và có sự thành công nhất định trong lĩnh vực này. Hiện nay, Tôn Hiếu Anh đang làm biên tập viên tại kênh VTV6 – Đài truyền hình Việt Nam.

Cuộc trò chuyện với Tôn Hiếu Anh hy vọng sẽ giúp bạn đọc có thêm một cái nhìn từ bên trong đại gia đình tinh hoa này.

PV: Vẫn tồn tại song song hai luồng thông tin: Bố anh – PGS Tôn Thất Bách rất muốn Hiếu Anh theo ngành Y / Bố ủng hộ con trai chọn con đường thời trang. Cái nào chính xác hơn ?

Tôn Hiếu Anh: Cả hai đều đúng. Từ bé bố muốn tôi thi Y. Khi đó bố luôn cực bận nên không biết con học giỏi hay dốt. Chắc không chỉ bố mà cả nhà mặc định tôi sẽ theo nghề Y. Bởi vì từ thời cấp I cấp II tôi đã đi vào bệnh viện, vào cả phòng máu của mẹ. Tôi thấy thích bệnh viện. Vào viện cảm thoải mái như đi về nhà. Lên cấp III mới phát hiện ra không học được tất cả các môn tự nhiên. Không học được toán và cộng trừ nhân chia. Mình tư duy hình, nhìn con số thấy sợ. Về sau bố hiểu được điều đó. Ông học được cách chấp nhận con mình như nó vốn sinh là thế. Bố hiểu con cái sống không phải để hiện thực hóa những ước mơ của bố mẹ mà là sống cho bản thân mình. Cho nên ông không bao giờ lên tiếng về việc tôi không theo ngành Y.

- Vậy mà có lời đồn là bố Bách thất vọng về con trai, thậm chí từ con?

Làm gì có chuyện đó. Bố yêu tôi chết đi được.

Luật của gia đình là 16 tuổi trở ra không bị cai quản, đủ quyền tự quyết định. Được đi chơi đêm. 3 giờ sáng tôi mới ngủ. Bố nhìn thấy. Thời kỳ đầu thì cứ tôi về nhà bố mới đi ngủ. Nhưng càng về sau tôi càng về muộn. Một lần bố gọi tôi về đột ngột. Ông bày ra một loạt test xét nghiệm. Ông nói xin lỗi tôi về việc này nhưng cần phải làm để yên tâm. Xét nghiệm cho thấy tôi chỉ xài thuốc lá. Sau lần ấy bố hứa sẽ không bao giờ test nữa. Tôi vui vì được bố coi như người lớn. Và tôi luôn biết mọi thứ đều có thể được chấp nhận ở nhà tôi nhưng vi phạm pháp luật thì đừng trông mong vào gia đình.

- Bạn từng nói luôn giữ khoảng cách an toàn – 5 mét với người cha của mình ?

Bố hay mệt nhọc, stress và mang điều đó về nhà nên hay cáu. Vì thế mà chị em tôi có phản xạ tránh bố. Nhiều khi tôi ước giá như bố là một người bố bình thường. Nhìn các gia đình bình thường khác thích lắm. Bữa cơm gia đình tôi luôn thiếu ai đó, câu chuyện trên bàn ăn nhiều năm đều là câu chuyện bệnh viện. Bà nội chạy qua hỏi fallot (một hội chứng tim bẩm sinh) hôm nay là fallot mấy? Bố trả lời bà. Còn thường xuyên chúng tôi bị bố mắng trong lúc ăn. Hai chị em tìm cách về muộn một chút để khỏi phải gặp bố trong bữa cơm. Vô tình bố đã để các con rất xa mình. Nhưng về sau thì ông có thay đổi, nhất là khi chị gái tôi có chồng có con. Cũng về sau chúng tôi mới hiểu là khi người ta ở trong bệnh viện cả ngày thì cuối ngày không thể cười được nữa. Áp lực của sự quá tải nó ghê gớm như vậy. Thời gian biểu của bố thường là buổi sáng ở Việt Đức, chiều trường Y. Sáng đến đã có bệnh nhân chờ. Tối về cũng đầy bệnh nhân chờ ở nhà. Chúng tôi biết thương hơn bố cả ở việc ông từng 10 năm đi trồng cây cảnh. Đó là thời gian ông không được nhìn nhận xứng đáng về chuyên môn. Ông vẫn đến bệnh viện nhưng không đi mổ nhiều như sau này.

Bố là người vui tính, được anh em bạn bè yêu quý. Lúc phát hiện ra ông là người tình cảm thì chúng tôi lớn mất rồi, hồi bé thì chỉ thấy bố sao mà ghê gớm.

- Được sinh ra trong một gia đình tinh hoa, có phải là điều may mắn?

Tự hào, hai từ đó là đủ. Ông nội được tôn vinh là vị tổ sư của phương pháp cắt gan có quy phạm (kẹp chặt các mạch máu trong gan trước khi cắt thùy gan bị ung thư, trong khi ở phương Tây do chưa có ai mô tả chính xác các mạch máu trong gan nên khi phẫu thuật gặp mạch máu nào thì buộc nó lại, không may bị bỏ sót, người bệnh sẽ chết vì do chảy máu hoặc do hoại tử gan). GS.Malégi viết trên Tạp chí Lyon chirurgicale của Pháp: “Hai tinh hoa mà Đại học Y Hà Nội có thể tự hào là: 1/ Lần đầu tiên trên thế giới nghiên cứu các mạch máu trong gan, và 2/ Lần đầu tiên cắt gan có kế hoạch”. Cả hai tinh hoa đó đều là của Tôn Thất Tùng.

Bố Bách kế thừa ở cha tính nghiêm khắc, trung thực và phong cách làm việc. Được đào tạo sâu trong chuyên ngành phẫu thuật tim và gan, nhưng với phẫu thuật gan, ông có điều kiện đi sâu hơn vì được học với Cha. Từ năm 1978, ông lại thành công trong việc qua các rãnh gan vá lại mạch máu trên gan, mở đường rãnh gan ra và tái tạo những tổn thương mà trước kia phải cắt… Bố tôi đã kế thừa và phát triển xuất sắc các thành tựu về phẫu thuật gan, mật và tim mà người thầy cũng là người cha đã để lại. Bằng “đôi tay vàng” của mình ông đã cứu sống nhiều bệnh nhân, đúc rút được nhiều kinh nghiệm phẫu thuật để phát triển lớn mạnh ngành phẫu thuật gan, mật và phẫu thuật tim ở Việt Nam.

Hồi bé tôi luôn cảm nhận là mình quá sướng so với các bạn.Tôi có những chiếc cặp đẹp, có quần áo đẹp do bố mua bên Pháp. Nhớ mãi hồi còn học mẫu giáo, cái áo lông của tôi đẹp đến nỗi đi biểu diễn văn nghệ mùa hè mà các cô giáo vẫn bắt mặc áo lông. Còn được hơn mọi người ở giai đoạn bao cấp do tiêu chuẩn của ông nội. Gia đình mỗi năm đi Đồ Sơn cả tháng, do Thành ủy Hải Phòng mời. Đến tận năm tôi 20 tuổi, các ưu đãi vẫn còn. Rồi thì chúng tôi đều được vào trường điểm Trưng Vương dù trái tuyến.

Ông và bố đều thuộc type không biết chạy chọt, không giỏi kiếm tiền. Nhưng nhà không bao giờ đói. Từ bé tôi đã biết là nhà mình giàu ở điều khác, không có tiền mặt nhưng thực phẩm thì nhiều. Quà của bệnh nhân mang đến tặng. Bố ghét quà cáp khi chưa mổ còn sau mổ là tình cảm. Tự nhiên tôi thành lễ tân lọc bệnh nhân, hễ có người nhà bệnh nhân đến là hỏi: Bác ơi người nhà bác mổ chưa ạ?

PGS Y khoa Tôn Thất Bách hồi bé ở Chiêm Hóa với gia đình cụ Hồ Đắc Di và Nguyễn Văn Huyên

- Nhưng sự may mắn đồng thời cũng là một áp lực ?

Hồi đi học tôi hay nói chuyện, không bao giờ tập trung được quá 10 phút, luôn bị ngồi bàn 1. Như bây giờ thì sẽ bị kết luận là tăng động. Còn hồi xa xưa đó thì một đứa trẻ luôn luôn vận động hiển nhiên được cho là hư. Bây giờ tôi vẫn vậy. Chị Tạ Bích Loan bảo đo cảm xúc một chương trình cứ nhìn Hiếu Anh, lúc nào chán là nó ngó ngoáy. Chị Diễm Quỳnh thì bảo học trống đi.

Ngày trước tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng mình đã trải qua một tuổi thơ và tuổi trẻ nhiều áp lực. Bây giờ nghĩ lại thấy đúng là căng thẳng. Bị quán chiếu. Bị kỳ vọng. Đi học thì bị người ta nói: Sao con ông Bách mà học dốt thế? Khi học môn sinh học, các thày bảo: Ôi gen tốt đây rồi. Luôn phải gồng mình, phải cố gắng dù mình không yêu nó một tí nào. Phản ứng của tôi trước tất cả mọi chuyện là không tỏ ra phản ứng gì cả. Mà từ bé. Đó cũng là cái cách bố tôi ứng xử với áp lực là con trai của giáo sư nổi tiếng.

- Bạn còn nhớ kỷ niệm nào với ông nội?

Trong nhà, người quyết liệt nhất chính là ông nội. Bố cực kỳ sợ ông nội. Ông nội ghét người hút thuốc. Bố lại hút nhiều. Nhưng cứ hễ ông gọi là giấu ngay. Nhà có một cái tivi Neptune, tôi có nhiệm vụ đến thời sự thì gọi ông: Ông ơi Hoa Sen, vì cái biểu tượng ăng ten chảo nó giống hoa sen. Có lần nghịch dại, trót bóp chết con mèo con, ông nội trừng phạt bằng cách thỉnh thoảng cù vào tay rất đau, cho chừa. Lúc rảnh rỗi ông thường mang một cái mặt nạ sang dọa tôi, khi ấy độ 4-5 tuổi. Tôi còn đọc trong nhật ký của mẹ chi tiết là hồi bé khi mẹ phơi tôi ra nắng, ông nội đi qua bảo là phơi đi cho mạnh khỏe để sau này còn đi lính ở Campuchia.

- Việc bạn chọn thời trang phải chăng cũng là một cách để thoát ra khỏi cái bóng quá lớn trong gia đình mình?

Không, thực sự là tôi muốn theo nghề Y nhưng biết mình không làm được. Lớp 12 tôi phát hiện ra mình trong thời trang. Trường Lý Thường Kiệt lúc bấy giờ nổi lên những cái tên Trương Ngọc Ánh, Thúy Hằng -Thúy Hạnh. Tôi kiếm tiền bằng nghề người mẫu từ cấp III. Đi người mẫu phát hiện ra mình thích thời trang, học cấp tốc trong 2 tuần thi đỗ ĐH Mỹ thuật công nghiệp. Thi 4 môn được 28,5 đúng điểm chuẩn vào trường. Trong thời gian học tôi vẫn làm người mẫu. Học đến năm thứ ba thì phát hiện vũ trường là nơi dễ kiếm tiền, tôi đi nhảy bục để có nhiều tiền, lo cuộc sống. Trong lúc đang học đại học, tôi quyết định mở cửa hàng thời trang Ton Collection. Lúc đó vay bố mẹ 50 triệu để mở cửa hàng. Sau cũng giả đàng hoàng. Ban đầu cửa hàng mở ở Hàng Cót rồi chuyển ra Đường Thành. Trong thời gian tôi du học thì vẫn duy trì cửa hàng. Bởi thế mới có chuyện bố mẹ đi thu tiền hộ. Mẹ lái xe ra, bố ngồi trong xe còn gọi điện mách: Mẹ không cho bố vào vì trong đó toàn các cô đẹp. Bố mẹ yêu nhau kinh khủng.

Tôn Hiếu Anh và mẹ tại một ngôi chùa nhỏ ở Nhật Bản đầu năm 2018.

- Tôi đọc thông tin rằng bà nội bạn cứ mỗi tuần đều xuống mộ ông cho đến khi không còn đi xe máy được nữa. Bây giờ lại nghe bạn nói về bố mẹ mình như vậy. Hẳn là bạn đã được lớn lên trong bầu không khí ấm áp của tình yêu?

Cho đến bây giờ bà vẫn khóc vì nhớ ông. Vẫn xuống mộ ông mỗi tháng một lần. Khi 16 tuổi người ta đã lấy chồng và lại là một người như thế, chị thử hình dung xem? Với bà, ông là cả bầu trời. Ông chiều bà, rất yêu. Nhưng tính ông nghiêm khắc, hơi nóng nảy. Không ít lần mắng bà ngay ở chỗ mổ. Thậm chí có lần ném cả hộp dụng cụ đi, bà lại nhặt lên. Khi ông mất tôi mới 5 tuổi, bà ngồi khóc, tôi kéo ghế ngồi cạnh. Chắc là bà yêu tôi hơn vì thế. Bà hay sửa lỗi cho tôi. Bà nghiêm lắm nhưng bà sợ bố biết bố buồn nên không bao giờ mách bố. Bà nội tư tưởng rất là Tây, thông cảm chia sẻ. Bà luôn bảo tôi là con cứ sống thế nào làm cho con hạnh phúc là được.

Thời trẻ bố tôi cũng yêu một vài cô nhưng gặp mẹ là “chốt”. Mẹ được tiếng là đẹp nhất nhì trường Y thời bấy giờ. Anh Y6, chị Y3. Bố chiều mẹ, cả đời hình như cãi nhau có một lần. Bố không bao giờ để mẹ vất vả. Câu cửa miệng ông thường mắng chúng tôi là: Ai cho các con để mẹ vào bếp, mẹ trực mệt về phải ngủ bù. Bố luyện cho chị em tôi cái tính là các con thấy mẹ vào bếp là con phải làm trước hết. Mãi sau này khi bố mất thì mẹ mới tập nấu cơm.

Mẹ hiền lắm, ít khi nói lên ý kiến riêng của mình, kể cả là để bênh con. Chả hạn ngày bố cứ hay to tiếng trong bữa ăn, bà chỉ lẳng lặng ra chỗ khác. Mẹ thừa sức bắt nạt bố mà không bao giờ làm.

- Tôi có chút tò mò về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nhất là khi đại gia đình bạn sống chung một nhà trong hàng chục năm.

Vì là những người có học nên “họ” yêu nhau hay không thì khó ai biết. Nhưng có lề phép. Đến tận bây giờ mẹ chuẩn bị đi đâu cũng phải sang báo cáo bà.

Sau khi bố mất, mẹ thương bà nội nhiều hơn. Mẹ luôn bảo với chúng tôi: Bà có hai nỗi đau. Thời điểm đó tôi quay lại Anh luôn để học nốt chương trình. Mẹ điện thoại bảo bà buồn lắm, sợ không vượt qua nổi. 1 tháng sau mẹ bảo bà khá lên rồi, đã đi bộ 1 ngày 10 vòng quanh nhà. Mẹ và bà cho đến tận bây giờ vẫn đọc tiếng Anh hàng ngày. Mẹ nghe nói đọc viết tiếng Anh. Bà xem phim chơi bài đi ra thư viện L’ Espace mượn sách tiếng Pháp về đọc. Bà nội thạo tiếng Anh và Pháp. Nhà tôi không tập thể lực nhiều nhưng tập não.

- Vậy còn mẹ thì sao? Chắc là bạn không sợ mẹ như sợ bố trong mái nhà của mình?

Mẹ là người quan trọng nhất đối với tôi. Thời đi học 7 lần tôi phải ra hội đồng kỷ luật của trường Trưng vương thì lần nào mẹ cũng phải ra, và mẹ đều khóc. Mà tội của tôi chủ yếu chỉ là nói chuyện thôi.

Mẹ và tôi có thể nói với nhau cả những điều tế nhị lắm. Khi tôi còn bé, mẹ ít khi thể hiện tình cảm. Mọi người bảo tôi “ẽo ợt” do tại mẹ, nên gần như không bao giờ mẹ ôm tôi. Chỉ có những lần tôi buồn quá thì mẹ mới ôm.

2002-2004 là quãng thời gian tôi tưởng được nhiều nhất- được du học đúng ngành thời trang yêu thích tại Anh thì lại hóa ra mất nhiều nhất. Bố mất đầu 2004. Rồi thì khi đi học ở Anh về tôi phát hiện những điều mình được học nó lớn quá, kiểu như khi nhìn thấy biển khiến mình không còn muốn bơi lõm bõm trong hồ bơi nữa. Nhưng thực tế chán vì hàng Trung Quốc tràn ngập, đồ Quảng Châu rẻ ươn ra. Không có nhà đầu tư, không ai muốn làm thời trang nữa. Tôi bỏ cửa hàng thời trang, 3, 4 tháng ko biết làm gì, chỉ ở nhà chơi game và ăn mì. Thời gian đó luyện game giỏi (cười). Nhà có luật không vào buồng con nên sau mẹ mới phát hiện ra. Mẹ không nói gì, chỉ rủ ra bệnh viện chơi với mẹ. Mẹ làm ở Khoa Truyền máu của bệnh viện Việt Đức. Tôi vào, thấy hay. Ngay hôm đầu đã làm được hết các thao tác, kể cả chạy máy. Trong lúc ngồi phát máu có người đi qua hỏi: Cu, sao mày vào đây? Bẩn thế mà không sợ à?

- Hiện tại, tôi nhìn thấy một Hiếu Anh khác, không chỉ vì bạn ấy là một Phật tử với pháp danh Tâm Minh mà còn là một người đã khác hẳn với một vài năm trước đây, khi bạn ấy lên báo kể về hành trình vượt qua cám dỗ. Dĩ nhiên cái title bài đó cũng là do chủ quan của nhà báo đặt thôi, tôi cho là như vậy.

Ngày trước tôi nghĩ nghề Y mới là giúp cho mọi người. Vào Đài (VTV), trưởng thành dần lên cùng với công việc, tôi nhận thức rằng nhiều thứ, kể cả thời trang/ truyền hình giúp cho mọi người yêu nhau hơn, đưa ra những thông điệp nhân văn. Lại nữa, trước tôi nghĩ mình chỉ quan tâm bề nổi, vào Đài phát hiện ra mình thích sâu sắc, tình cảm. Giống như phát triển ra được ở nửa còn lại của con người mình cái tính thích giúp đỡ người khác, thích kết nối. Bố vẫn nói tôi có khả năng ngoại giao tốt.

Ngày trước chỉ làm khi có cảm hứng, vui mới làm. Bây giờ không cảm hứng lắm vẫn làm vì ý thức đó là công việc. Không rõ do mình tự hay lên hay do già đi nữa?

Hình như cái sự ra đi của bố làm cho tôi nhìn nhận lại chính mình. Bố từng nói chắc phải khi bố mất con mới trưởng thành. Nghe đau nhưng mà đúng. Bây giờ tôi thấy tiếc. Tôi có thể kể cho chị nghe cả một tháng về những nỗi tiếc.

- Là …?

Chẳng hạn như bố thường bảo tôi bóp người cho bố. Tôi làm việc này rất chuẩn vì tôi có cảm giác tốt. Nhưng tôi lại thường chỉ làm lớt phớt. Hay là thay vì ngồi với bố 1,2 phút tôi sẽ ngồi 20 phút. Thay vì gửi email ông lúc 8 giờ sáng - cái email đầu tiên và cũng là cuối cùng của hai bố con vào cái ngày định mệnh ông rời bỏ mẹ con tôi- thì tôi sẽ điện thoại. Quá nhiều thứ “ước gì” để được gần nhau hơn, tháo gỡ những xa cách.

Cảm ơn Hiếu Anh về cuộc chuyện trò này. Tôi nghĩ rằng mọi sự “ước gì” đều đẹp đẽ vì khi đó là con người ta đã ngộ ra được một số điều trên hành trình hoàn thiện bản thân mình, cho dù ta có là ai, được sinh ra trong một hoàn cảnh như thế nào.

Lê Thành Nam Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/gs-ton-that-tung-va-pgs-ton-that-bach-qua-ky-uc-ton-hieu-anh-tintuc399524