GS Phan Huy Lê lúc mê man vẫn đau đáu về đất nước

Những giây phút cuối cùng trong cuộc đời, GS Phan Huy Lê vẫn nhớ đến công việc và canh cánh về bộ Quốc sử, cũng như chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.

Sự ra đi của GS Phan Huy Lê là mất mát không thể bù đắp đối với nền khoa học nước nhà, gia đình và học trò của ông.

GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam - học trò và là đồng nghiệp có thời gian dài gắn bó với GS Phan Huy Lê, chia sẻ bài viết với Zing.vn sau khi một trong "tứ trụ" của sử học nước nhà qua đời ở tuổi 84.

Không kịp nhìn thấy bộ Quốc sử

GS Lê là nhà khoa học tận tâm cống hiến cho sử học, khoa học xã hội nhân văn và rộng hơn là nền khoa học nước nhà. Đây là lời nhận xét không hề quá đối với những đóng góp, cống hiến của ông.

Thầy ra đi khi đang tập trung cao độ để hoàn thành bộ Quốc sử Việt Nam có quy mô 25 tập chính sử và 5 tập biên niên sử. Đây là bộ sách biên soạn về lịch sử đồ sộ nhất trong suốt chiều dài lịch sử đất nước.

GS Phan Huy Lê trong dịp sinh nhật cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông và Đại tướng có nhiều buổi làm việc chung vì cùng nghiên cứu về nghệ thuật quân sự. Ảnh: GS.TSKH Vũ Minh Giang cung cấp.

Theo tiến độ, bộ Quốc sử sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018. Về cơ bản, công trình này đã hoàn thành nền tảng ban đầu. Bản thảo lần thứ nhất của 25 tập chính sử và 5 tập biên niên sử với dung lượng lên đến vài chục nghìn trang đã hoàn thành, đang bước vào giai đoạn nâng cao, chỉnh sửa và xuất bản. Rất tiếc, thầy đã không chờ được đến ngày công trình lớn nhất của đời mình xuất bản.

Trước đó, GS Phan Huy Lê đã công bố trên 500 công trình nghiên cứu khoa học cả trong và ngoài nước. Nhiều công trình có ý nghĩa khai phá, mở đường, có ý nghĩa tổng kết rất cao, chẳng hạn như nghiên cứu về nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Ông cũng có nhiều công trình mang tính tập đại thành, nhất thống sử, có giá trị làm nền tảng cho khoa học lịch sử. Những kết quả nghiên cứu đó đã trở thành tài liệu gốc để các địa phương dựa vào biên soạn tiếp, có giá trị làm nền tảng cho khoa học lịch sử.

Năm 1975, đất nước giải phóng, những người vào tiếp quản ĐH Văn khoa Sài Gòn, trong đó có tôi, đã vô cùng ngạc nhiên khi những bộ sách của thầy Lê có mặt trên kệ của thư viện trường này.

Hỏi thủ thư thì mới biết đây là bộ sách rất giá trị mà họ rất khó khăn mới mua được. ĐH Văn khoa khi đó đã phải nhờ người mua từ Hà Nội chuyển sang Paris, Pháp, rồi chuyển về Sài Gòn. Giá trị của những công trình tập đại thành này đã vượt qua phạm vi của trong nước.

Đóng góp của GS Phan Huy Lê cho khoa học của nước nhà còn nằm ở những công trình liên ngành. Thầy có những công trình viết về lịch sử văn hóa và công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh vừa rồi mang giá trị như vậy.

Những đóng góp của ông vượt qua khoảng cách biên giới, vươn đến tầm thế giới nên thầy từng được trao giải thưởng Quốc tế Văn hóa Á châu, Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn (Pháp) trao tặng danh hiệu Viện sĩ thông tấn, huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp… Thầy cũng được nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới mời làm giáo sư thỉnh giảng.

Đóng góp của GS Phan Huy Lê không chỉ dừng lại trong lĩnh vực sử học, văn hóa học. Ông còn có công khai phá một lĩnh vực, ngành khoa học rất mới, chính là Việt Nam học.

Từ cuối những năm 1980, ông đi tiên phong trong việc nghiên cứu Việt Nam theo hướng hiện đại mà thế giới đang làm. Thầy đã tập hợp được giới nghiên cứu về Việt Nam học không chỉ trong nước mà còn từ khắp nơi trên thế giới.

Hội thảo quốc tế đầu tiên về ngành Việt Nam học được tổ chức đã quy tụ tới 700 nhà khoa học, trong đó có đến 300 nhà khoa học nước ngoài. Có thể nói, thầy có đóng góp rất lớn lao trong việc mở ra ngành học này. Hiện nay, Việt Nam học là ngành học của các trường đại học lớn trên thế giới và trở thành thương hiệu của đất nước.

Một đóng góp quan trọng hơn nữa chính là công ơn đào tạo những thế hệ kế tục nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn. Nhiều người rất tha thiết và vinh dự khi được thầy nhận làm học trò. Rất nhiều học trò của thầy là người nước ngoài, có mặt ở khắp nơi trên thế giới.

Trọn vẹn cuộc đời cho đất nước

GS Phan Huy Lê đã dành trọn vẹn tình cảm, cuộc đời cho đất nước, dân tộc. Trong những năm tháng cuối đời, tuổi đã cao, thầy vẫn đau đáu, khao khát được đặt chân lên những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó có Trường Sa, Hoàng Sa.

Cách đây một tháng, thầy được tạo điều kiện ra thăm Trường Sa. Từ Trường Sa trở về, thầy rất vui và phấn khởi trước tình cảm của anh em chiến sĩ ngoài đảo. Thầy nói rằng đây là chuyến đi thực tế rất ý nghĩa. Đáng tiếc đó là chuyến đi cuối cùng của ông.

Nói đến thầy Phan Huy Lê là nói đến nhân cách lớn, một người hết lòng với khoa học, tận tâm với học trò và sống rất bao dung, vị tha. Khi hay tin giáo sư mất, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới đã viết trên mạng xã hội, gửi thư chia buồn, chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này.

Trong một lần tháp tùng thầy đi công tác nước ngoài, thầy nửa đùa nửa thật với tôi rằng ông ước ao mình được làm việc mãi và gục trên bàn làm việc mà ra đi thanh thản.

Đáng tiếc thầy ra đi khi chưa kịp trăn trối, dặn dò điều gì với người thân, gia đình, học trò. Ông ra đi khi nghĩ mình rất sung sức để làm việc.

Thầy vào viện chỉ để kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhưng tại đây, các bác sĩ phát hiện ông có vấn đề về tim. Thầy điều trị theo lời của bác sĩ, không hề bi quan hay nghĩ về cái chết cho đến khi rơi vào mê man nhiều ngày và ra đi mãi mãi vào chiều 23/6.

Có một chi tiết rất xúc động, trước khi rơi vào mê man kéo dài 17 ngày rồi ra đi, thầy vẫn nghĩ mình đang ở bàn làm việc. Khi đang nói chuyện với con gái của mình, ông thốt lên: “Con ơi, bố không tắt được máy tính”. Lúc đó, con gái thầy biết bố mình đã bắt đầu nói mê và ông vẫn mơ về công việc.

Hết mình với công việc, GS Phan Huy Lê vẫn dành thời gian yêu thương, chăm sóc gia đình. Thầy có một gia đình hạnh phúc, được đồng nghiệp và các học trò ngưỡng mộ và noi theo.

Có một khoảng thời gian vợ thầy - cô Hoàng Như Lan - lâm bệnh nặng. Chính thầy là người đã ở bên chăm sóc miếng ăn, giấc ngủ, thuốc thang, dù đang hết sức bận rộn với việc biên soạn bộ Quốc sử.

Người định hình cuộc đời tôi

Hơn cả một người cha, thầy là người đã định hình cuộc đời tôi. Khi còn là sinh viên năm thứ tư của ĐH Tổng hợp khi ấy, được phân vào chuyên ngành mà giáo sư làm chủ nhiệm, thầy đã có ý muốn đào tạo tôi trở thành cán bộ giảng dạy. Do đó, ông rất ưu ái, cho tôi mượn nhiều sách quý, giảng bài riêng.

Giáo sư Vũ Minh Giang và người thầy lớn của đời mình. Ảnh: GS.TSKH Vũ Minh Giang cung cấp.

Đến năm 1972, tình hình chiến tranh ác liệt, tôi dừng việc học lên đường nhập ngũ. Trong một lần nghỉ phép về thăm, ông vẫn hóm hỉnh hỏi tôi có ý định trở về với công việc nghiên cứu và giảng dạy không. Tôi nói với thầy rằng tôi vẫn luôn giữ ý định đó.

Sau này, dù được Nhà nước cử đi học sĩ quan ở nước ngoài, tôi đã lựa chọn trở về với con đường nghiên cứu, giảng dạy và chính thầy đã làm mọi cách để đưa tôi về.

Khi đi nước ngoài học nghiên cứu sinh, tôi hỏi thầy về định hướng nghiên cứu, rất bất ngờ thầy không khuyên tôi nghiên cứu về nghệ thuật chiến tranh như tôi chờ đợi. Ông khuyên tôi nên chọn vấn đề cơ bản, đi theo mãi với lịch sử dân tộc là kinh tế - xã hội. Vì thế, tôi chọn vấn đề kinh tế nông nghiệp, ruộng đất để nghiên cứu. Đó chính là định hướng của cuộc đời tôi.

Rất nhiều thời khắc khó khăn trong cuộc sống, tôi và nhiều người khác đã tìm đến thầy để chia sẻ, tâm sự. Không may, năm 1988, vợ tôi bị tai nạn máy bay, để lại hai con nhỏ. Lúc đó, tôi hoang mang vô cùng. Ngoài chỗ dựa gia đình là bố mẹ, thầy chính là người đã ở bên, động viên tôi nhiều nhất.

Thầy về với cõi vĩnh hằng, chúng tôi hụt hẫng khi không còn được thầy dìu dắt nhưng sẽ quyết tâm tiếp bước, sống và làm việc xứng đáng với những gì thầy đã dạy bảo.

GS.TSKH Vũ Minh Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gs-phan-huy-le-luc-me-man-van-dau-dau-ve-dat-nuoc-post854205.html