GS. Nguyễn Minh Thuyết: 'Các cháu còn học cả năm, mới hơn 1 tháng đầu chưa nói lên điều gì'

Trước những 'ồn ào' về sách Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ biên bộ sách Cánh Diều đã dành cho báo TG&VN một cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề này.

Trước những tranh cãi xung quanh câu chuyện sách giáo khoa lớp 1, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các cháu còn học cả năm, mới một tháng đầu chưa nói lên điều gì. (Ảnh: NVCC)

Trước những tranh cãi xung quanh câu chuyện sách giáo khoa lớp 1, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, các cháu còn học cả năm, mới một tháng đầu chưa nói lên điều gì. (Ảnh: NVCC)

Những năm gần đây, giáo dục Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách. Nhưng có ý kiến cho rằng, giáo dục đang cải tiến thành “cải lùi” vì tốn kém tiền của nhưng hiệu quả chưa đạt được như kỳ vọng. Ông nghĩ sao về quan điểm ấy?

Thực tế, xã hội đang định kiến nặng nề với giáo dục, nói đúng hơn là chưa bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục.

Từ năm 2006, Việt Nam đã thoát khỏi danh sách các nước nghèo, chậm phát triển, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế càng ngày càng khởi sắc.

Nhưng về sức cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam thường chỉ đứng ở thứ hạng trên dưới 130/190 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong khi đó giáo dục thường được xếp ở thứ hạng trên dưới 60. Lẽ ra, kinh tế phải có thứ hạng cao hơn nữa, nhưng lỗi đó có phải chủ yếu do giáo dục không?

Vì sao phải thay đổi chương trình, sách giáo khoa, thưa ông?

Thế giới có nhiều thay đổi, các nước liên tục đổi mới giáo dục nên chúng ta cũng phải bắt nhịp, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, cạnh tranh, hội nhập trong tình hình mới.

Vậy định hướng phát triển năng lực được cụ thể hóa trong sách giáo khoa mới thế nào?

Nếu như Chương trình giáo dục phổ thông trước đây nặng về cung cấp kiến thức, chủ yếu trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh biết được những gì?" thì Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng tính thực hành, tập trung trả lời cho câu hỏi: "Học xong chương trình, học sinh làm được những gì?". Theo tinh thần này, sách giáo khoa cần chú trọng tính thiết thực, thực hành.

Mục đích chính của môn Tiếng Việt ở lớp 1 là dạy trẻ biết đọc, biết viết. Muốn biết đọc, biết viết thì phải học đủ 29 chữ cái, hơn 10 chữ ghép (ch, ng, ngh, tr, kh,…) và khoảng 140 vần. Chương trình lớp 1 trước đây, hiện nay và mai sau vẫn như vậy. Cho nên, nói chương trình mới nặng là không đúng.

Từ chương trình, mỗi bộ sách giáo khoa có cách tiếp cận khác nhau để dạy trẻ. Ngay trong một lớp, khả năng của học sinh cũng khác nhau. Các bậc cha mẹ cũng không nên vì sốt ruột mà gây áp lực cho con. Các cháu còn học cả năm, mới hơn 1 tháng đầu chưa nói lên điều gì.

Vừa qua, tôi có về huyện Đông Anh (Hà Nội) và huyện Xuân Trường (Nam Định). Giáo viên Đông Anh cho biết học sinh, giáo viên và cả phụ huynh học sinh rất hứng thú với sách giáo khoa mới. Ở huyện Xuân Trường, một số giáo viên phản ánh mỗi lớp hiện có khoảng 20 học sinh đã đọc trơn được, các học sinh khác đang còn phải đánh vần và 1-2 em còn gặp khó khăn ở cả đọc và viết.

Theo tôi, đó là chuyên bình thường. Năng lực trời cho mỗi người một khác. Có em đọc viết chậm, nhưng có khi lại thông minh ở môn khác, hoạt động khác, nên đừng coi việc đọc viết chậm là bi kịch mà cần kiên nhẫn hướng dẫn, có giải pháp riêng cho những học sinh đó.

Tôi cũng mới về Hải Phòng dự hội nghị chuyên đề và dự 2 tiết dạy. Tôi thấy các cô giáo dạy rất nhẹ nhàng, học sinh tiếp thu tốt, đọc và viết tốt. Một số tác giả trong nhóm chúng tôi dự giờ ở Hà Nội, tôi cũng được giáo viên ở nhiều nơi gửi các clip ghi lại các tiết học. Chúng tôi thấy kết quả thực hiện tốt, đúng như dự tính.

Tôi hy vọng với sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các cơ quan giáo dục địa phương, những khó khăn ban đầu (nếu có) sẽ được sớm khắc phục.

Điểm ưu việt của sách giáo khoa mới so với cũ là gì, thưa ông?

So với chương trình cũ, chương trình mới tăng cường hoạt động của học sinh, tăng cường thực hành. Điều này được thể hiện ở chương trình của tất cả các môn, nhưng dễ nhận thấy nhất là ở hoạt động trải nghiệm và môn Giáo dục thể chất.

Trong hoạt động trải nghiệm, học sinh được tổ chức hoạt động để rèn luyện bản thân, tìm hiểu cuộc sống xung quanh dưới nhiều hình thức khác nhau. Còn về môn Giáo dục thể chất, học sinh được lựa chọn hoạt động thích hợp (điền kinh, thể dục). Số giờ Giáo dục thể chất cũng được tăng thêm 1 tiết/ tuần.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã có quy định về phát triển chương trình (điều chỉnh chương trình). Căn cứ vào thực tế triển khai và kết quả nghiên cứu về phát triển chương trình của thế giới, Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo, điều chỉnh những điểm chưa phù hợp. Tuy nhiên, việc điều chỉnh chương trình đòi hỏi nhiều thời gian hơn so với điều chỉnh sách giáo khoa.

Mục tiêu cải cách của bộ sách Tiếng Việt Cánh Diều ra sao, có thay đổi điểm nào so với sách cũ, thưa GS?

Triết lý giáo dục và mục tiêu giáo dục của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt Cánh Diều là triết lý và mục tiêu chung của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đó là triết lý thực học - thực nghiệp và dân chủ.

Mục tiêu giáo dục của bộ sách là hình thành và phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực cho học sinh. Sách giáo khoa Cánh Diều kế thừa nhiều điểm tích cực của sách giáo khoa Tiếng Việt cũ.

Còn những điểm khác biệt chính với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 cũ là:

Về thời lượng học: Sách cũ dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 22 (hoặc 24) tuần với 10 tiết một tuần. Còn sách Cánh Diều dạy toàn bộ phần chữ và vần trong 26 tuần với 12 tiết một tuần. Như vậy, thời lượng dạy chữ và vần của sách Cánh Diều nhiều hơn sách cũ tới 92 tiết (hoặc 72 tiết). Điều này giúp việc thực hiện nội dung của sách mới nhẹ nhàng hơn.

Về các hoạt động trong một bài học chữ (hoặc học vần): Theo sách cũ, học sinh phải thực hiện 6 hoạt động (làm quen và đánh vần, tìm chữ và vần mới học, luyện nói, luyện đọc, viết bảng con, viết vở). Theo sách mới, học sinh chỉ thực hiện 4 hoạt động. Việc luyện nói được dành 1 tiết riêng trong tuần, gọi là kể chuyện. Việc viết vở cũng được dành 2 tiết riêng trong tuần. Với sự thay đổi này, sách mới nhẹ nhàng hơn.

Sách mới cố gắng tạo ra các bài tập đọc (các đoạn văn ngắn) sớm hơn, giúp học sinh gắn chữ và vần mới học với những câu chuyện, bài thơ cụ thể, làm việc học hấp dẫn hơn.

Mặc dù sách được nhiều trường trên cả nước tự nguyện lựa chọn và đang được triển khai có kết quả tích cực, chúng tôi vẫn tếp tục đánh giá kết quả triển khai, tiếp thu ý kiến của giáo viên, xã hội để điều chỉnh cho sách ngày càng phù hợp hơn.

Xin trân trọng cảm ơn GS!

Nguyệt Anh

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gs-nguyen-minh-thuyet-cac-chau-con-hoc-ca-nam-moi-hon-1-thang-dau-chua-noi-len-dieu-gi-126083.html