GS. Lê Văn Thiêm - người từ bỏ hào quang trời Tây về nước cống hiến cho tổ quốc

GS. Lê Văn Thiêm là một trong số các nhà khoa học tài năng nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Thay vì chọn Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sỹ… làm bến đỗ để phát triển sự nghiệp lừng lẫy, nhà toán học tài năng quyết định trở về quê hướng, cống hiến cho Tổ quốc.

Chàng trai thông minh xuất chúng

Nhà toán học - GS. Lê Văn Thiêm (1918-1991) là giáo sư toán học và là một trong số các nhà khoa học tiêu biểu nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20.

GS. Lê Văn Thiêm nổi tiếng từ bé bởi trí thông minh và nghị lực phi thường.

GS. Lê Văn Thiêm nổi tiếng từ bé bởi trí thông minh xuất chúng và nghị lực phi thường. Năm 1993, ông rời quê hương Hà Tĩnh vào Quy Nhơn để học tại Trường Collège de Quy Nhơn (Trường Quốc học Quy Nhơn). Chỉ trong 4 năm (1933 - 1937), ông đã hoàn thành xuất sắc chương trình học 9 năm (tương đương với Phổ thông cơ sở ngày nay).

Ba tháng sau, GS. Lê Văn Thiêm lập kỳ tích mới: thi đỗ tú tài phần 1 (tương đương lớp 11 ngày nay), việc mà người bình thường phải chuẩn bị khẩn trương trong 2 năm. Ngay năm sau, ông lại thi đỗ tú tài toàn phần. Năm 1939, với thành tích nổi bật, ông được nhận học bổng sang Pháp du học.

Đến Pháp, ông ghi tên vào Trường Đại học Sư phạm Paris, một cái nôi đào tạo nhân tài toán học của nước Pháp. Sau 1 năm, anh đã đỗ cử nhân Toán học thay vì phải học 3 năm như mọi người. Ông sang Đức và bảo vệ thành công xuất sắc luận án Toán học để nhận bằng tiến sĩ A Toán học sau đó trở về Pháp để tiếp tục nghiên cứu Toán học.

Năm 1948, ông đại diện cho Việt Nam lần đầu tiên tham dự Hội nghị hòa bình thế giới tại Ba Lan. Cùng năm đó, ông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học quốc gia về Toán, và được mời dạy Toán tại Đại học Bách Khoa ở Zurich (Thụy Sĩ).

Lúc này, ông quan tâm đến lý thuyết phân phối giá trị các hàm phân hình hay còn gọi là lý thuyết Nevanlina - một trong những lý thuyết được coi là đẹp nhất của toán học ở thế kỷ XX. Ông là người đầu tiên đưa ra lời giải cho một bài toán khó đã tồn tại nhiều năm của "Bài toán ngược của lý thuyết Nevanlina".

Công trình của ông không chỉ được quan tâm vì đã chứng minh sự tồn tại nghiệm của bài toán đó, mà còn vì ông đã đưa ra một phương pháp hoàn toàn mới để nghiên cứu vấn đề đặt ra.

Từ bỏ hào quang để về với quê hương

Năm 1949, theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, GS. Lê Văn Thiêm đã có một quyết định hệ trọng đánh dấu bước ngoặt lớn trong đời ông đấy là từ bỏ địa vị khoa học không ít người mơ tưởng ở Zurich lừng danh để về nước cống hiến cho Tổ quốc.

GS. Lê Văn Thiêm thời trẻ và vợ.

Ông trở về nước qua đường bay Paris - Băng Cốc, rồi từ Băng Cốc bằng đường bộ qua Campuchia về rừng U Minh, khu 9 miền Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian công tác ở đây, GS. Lê Văn Thiêm được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Một Việt kiều, mới về nước có 4 tháng, đã được kết nạp vào Đảng, đây là điều hiếm thấy.

Năm 1951, ông được Chính phủ điều động từ Nam Bộ ra Việt Bắc để nhận nhiệm vụ mới. Ba lô trên vai, ông phải lội bộ 6 tháng theo đường rừng để ra đến Việt Bắc. Ông được giao nhiệm vụ xây dựng Trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp, được cử giữ chức vụ Hiệu trưởng của hai trường này.

Sau ngày giải phóng Thủ đô (1954), Chính phủ ra quyết định thành lập Trường Đại học Sư phạm Khoa học do GS. Lê Văn Thiêm làm hiệu trưởng. Từ năm 1957 - 1970, GS. Lê Văn Thiêm là Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970, GS. Lê Văn Thiêm được điều động sang làm Viện trưởng Viện Toán học.

Xuất thân từ một nhà toán học lý thuyết, nghiên cứu những vấn đề trừu tượng của toán học nhưng GS. Lê Văn Thiêm đã không ngần ngại chuyển qua nghiên cứu những vấn đề ứng dụng gắn với thực tiễn Việt Nam.

Năm 1963, nghiên cứu công trình về ứng dụng hàm biến phức trong lý thuyết nổ, vận dụng phương pháp Lavrentiev, GS. Lê Văn Thiêm đã cùng các học trò tham gia giải quyết thành công một số vấn đề thực tiễn ở Việt Nam: Tính toán nổ mìn buồng mỏ đá núi Voi lấy đá phục vụ xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (1964); Phối hợp với Cục Kỹ thuật - Bộ Quốc phòng lập bảng tính toán nổ mìn làm đường (1966); Phối hợp với Viện Thiết kế Bộ Giao thông vận tải tính toán nổ mìn định hướng để tiến hành nạo vét kênh nhà Lê từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (1966 - 1967).

Ngoài ra, nhiều vấn đề lớn của đất nước như: Tính toán nước thấm và chế độ dòng chảy cho các đập thủy điện Hòa Bình, Vĩnh Sơn; Tính toán chất lượng nước cho công trình thủy điện Trị An... đã được ông và các cộng sự nghiên cứu giải quyết.

Những dấu ấn lừng lẫy

Trong suốt cuộc đời làm nghiên cứu, ông đã công bố 20 công trình nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước, trong đó có 2 sách chuyên khảo. GS. Lê Văn Thiêm có những đóng góp to lớn cho Toán học trên cả ba phương diện: nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và triển khai ứng dụng. Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Toán học đã trở thành một trung tâm toán học uy tín hàng đầu của cả khu vực.

Tượng GS. Lê Văn Thiêm tại Viện Toán học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Nói về ông, GS. Hoàng Tụy - một đồng nghiệp, một người bạn thân thiết có nhiều năm gắn bó với ông nhận xét: "Giá như GS. Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, ông đã có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào, và thật sự, tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn ông và tự hào về ông".

Giáo sư Lê Văn Thiêm mất ngày 3/7/1991 tại TP HCM, nơi ông đã sống và làm việc trong những năm cuối đời của mình.

Hiện tên ông đã đặt tên cho Giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm - một giải thưởng của Hội Toán học Việt Nam dành cho những người nghiên cứu, giảng dạy toán và học sinh giỏi toán xuất sắc ở Việt Nam. Thủ đô Hà Nội cũng có một con đường mang tên Lê Văn Thiêm. Tên ông cũng là tên của trường Trung học cơ sở ở TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh...

Đặc biệt, để ghi nhớ những cống hiến to lớn của ông về khoa học, giáo dục và xã hội, 5 năm sau ngày ông mất, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng ông giải thưởng Hồ Chí Minh và Huân chương Độc lập hạng Nhất, vinh dự cao quý mà ít nhà khoa học đạt được.

Mời độc giả xem video: Ghé thăm Rungis - chợ đầu mối lớn nhất thế giới. Nguồn: VTV24.

Thu Hà (TH)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/gs-le-van-thiem-nguoi-tu-bo-hao-quang-troi-tay-ve-nuoc-cong-hien-cho-to-quoc-1528158.html