GS Hồ Ngọc Đại: Sống thật với mình

Cho rằng đã qua tuổi 80 nên không có gì phải né tránh, GS Hồ Ngọc Đại trong cơn bão dư luận về cuốn sách Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục, đã có buổi đối thoại thẳng thắn với báo chí. Ở đó ông chia sẻ về chặng đường dạy và học thực nghiệm 40 năm qua, cũng như không ngần ngại động chạm tới nhiều vấn đề của giáo dục hiện nay.

PV: Thưa ông, lý do ông đồng ý thực hiện cuộc đối thoại này, giữa cơn “địa chấn” của dư luận?

GS Hồ Ngọc Đại: Báo chí phải viết sự thật, còn từ sự thật đến chân lý thì người đọc tự đi đến. Hôm nay tôi cũng nói những sự thật, nó có thật, bởi vì đến một trình độ nào đó, như tôi, thì không thể giấu được bất cứ sự thật nào. Cho nên tốt nhất là nói tất cả sự thật. Và trong một cuộc đời thì có những điều tôi cho là đúng, người khác lại thấy không đúng, điều đó là đương nhiên, chứ không phải đúng là đúng với tất cả.

Đó có phải cũng là quan niệm của ông trong cuộc sống và trong khi làm giáo dục không?

- Tôi muốn tất cả đều công khai, bởi vì làm khoa học là làm về những sự thật trong cuộc đời. Sống rất thật với mình, sống rất thật với cuộc đời. Tôi xấu là xấu thật, mà tốt là tốt thật. Chứ không phải cố tình tốt. Cũng như khi mình xấu thì không phải “nhỡ ra”, không phải “sơ ý”. Khi tôi làm khoa học là tôi nói sự thật. Còn đó có phải là chân lý hay không lại là việc khác.

Ông khởi đầu là một thầy giáo dạy toán, rồi đã đến với khoa học về giáo dục như thế nào?

- Kể lại quá trình công nghệ giáo dục, thì tôi có thể bắt đầu bằng một câu chuyện. Khoảng năm 1961, 1962, khi các phong trào thi đua trong ngành giáo dục ở miền Bắc đang lên cao, tôi được chọn dạy 1 giờ thao giảng ở cấp toàn thành phố, giờ dạy toán. Tôi gọi 1 học sinh lên chữa bài tập, em ý lúng túng, tôi hỏi tại sao và học sinh giải thích, sau đó tôi gọi các em khác hỏi tiếp và giải thích đến cùng. Nghĩa là chỉ chữa xong 1 bài tập thì hết giờ. Tôi dừng tiết dạy. Lúc đó các thầy cô dự buổi thao giảng có 2 luồng dư luận, một cho rằng tôi vô kỷ luật bỏ giáo án, luồng thứ hai lắng nghe xem ông Đại có lý gì mà lại làm thế. Lúc ấy tôi mới nói, thứ nhất, tuy tôi được chọn thao giảng thì tôi cũng không hơn các thầy cô đến dự, thứ hai, các bạn đến dự 1 tiết còn tôi chịu trách nhiệm với học sinh tôi cả đời nó. Cho nên tôi không vì một tiết thao giảng mà tôi “hy sinh” học sinh tôi được. Khi các em chữa bài tập mà chưa hiểu thì đối với tôi đấy là cơ hội để tôi phải tìm hiểu đến cùng xem các em yếu ở chỗ nào. Sau đó tôi có nói với một người anh: Em nói thật với anh, em được chọn thao giảng thì em có trách nhiệm phải làm nhưng em không thấy mình hơn các thầy cô khác, không phải là khiêm tốn mà là sự thật, cho nên thao diễn cho người khác học tập thì em thấy ngượng lắm, nhưng mà em muốn hơn họ thật, không phải ở cái hình thức của một giờ dạy học, thì em phải học cái gì. Người đó đã khuyên tôi: Nếu cậu có cái gan đó thì cậu nên bắt đầu từ đầu, học cái gốc của giáo dục là tâm lý học. Tôi bỏ hết toán và bắt đầu từ đầu với tâm lý học. Rồi may mắn tôi được cử sang Liên Xô (cũ) làm nghiên cứu sinh.

May mắn đó có phải là nền tảng để ra đời công nghệ giáo dục, thưa Giáo sư?

- Lần đầu tiên Việt Nam cử 2 nghiên cứu sinh là anh Phạm Minh Hạc và tôi sang Lomonosov. Khi đó một người thầy gặp chúng tôi đã nói: Việt Nam sẽ thắng Mỹ và việc quan trọng nhất sau chiến tranh là giáo dục. Và ông ấy gửi tôi sang cho 2 Viện sĩ đang mở trường tiểu học thực nghiệm số 91 Matxcova. Tôi đã thấy rất ngạc nhiên, khi ấy ở Việt Nam thầy cô chỉ học mấy tháng đã ra dạy lớp 1, đây hẳn 2 ông Viện sĩ nổi tiếng dạy chương trình tiểu học. Khi tôi sang Nga là cuối năm 1968. Khi đó ở Việt Nam tôi đã không hề biết những năm 60 ấy, trên thế giới náo động về giáo dục. Tôi đọc các tài liệu trong thư viện và biết rất nhiều biến động về giáo dục trong vòng một thập kỷ đó. Tự nhiên, tôi có cảm giác là tôi phải tổng kết cái này, nghiên cứu và đánh giá nó. Khi tôi sang đó là lúc cải cách giáo dục đã thoái trào. Tôi thấy nó thất bại, nhưng là thất bại tạm thời. Điều đó chỉ chứng tỏ 1 điều nền giáo dục cũ không thể tồn tại. Tôi phân tích về sự thất bại của giáo dục phổ thông những năm 60 của thế giới, của sự nổi loạn trong giáo dục, biến đổi và tác động vào giáo dục phổ thông có 2 nguyên nhân: những người làm về phương pháp chỉ chú trọng phương pháp và giữ nguyên nội dung cũ. Những người thay đổi về nội dung thì vẫn giữ phương pháp cũ. Cho nên cả 2 trường phái đều không thể thành công. Cho nên hồi đó tôi đã nung nấu ý tưởng phải thay đổi cả nội dung lẫn phương pháp.

Cuối tháng 8 tôi dự một trường khai giảng, tôi thấy nó đã hoàn toàn khác mình. Buổi khai giảng chỉ diễn ra trong 20 phút, lớp 10 đón lớp 1 (hồi ấy hệ phổ thông 10 năm), đón xong đưa vào lớp là hết.

Còn khi tôi đến trường thực nghiệm thì tôi thấy lạ hoàn toàn. Rất lạ.

Cảm xúc của ông vào thời điểm ấy?

- Tôi là người có ý thức trách nhiệm với đất nước. Tôi luôn áy náy khi đất nước chiến tranh mà mình lại đi học ở Nga, chính vì thế tôi luôn cố gắng học tập và nghiên cứu nghiêm túc.

Bài học lớn nhất ông học được từ các người thầy Nga là gì?

- Một người thầy Nga đã nói với tôi: Rồi đất nước anh sẽ chiến thắng. Anh phải có trách nhiệm với đất nước. Mà muốn xây dựng đất nước thì phải có triết học. Ông ấy khuyên tôi, triết học thì chỉ cần đọc 4 người: Karl Marx, Hegen, Kant và Platon. Cũng không cần đọc lần lượt, cứ đọc bất cứ trang nào, chương nào, đoạn nào cũng được, đọc ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, trong lúc chờ ăn cơm, trên xe bus, đọc hiểu cũng được mà không hiểu cũng được. Tôi bắt đầu đọc Marx trước. Tôi đọc rất kỹ. Sau này có ông bạn tôi chứng kiến tôi đọc đã nói: Tôi nghe nói đọc Truyện Kiều ngược thì không tin, nhưng đọc Marx ngược, từ cuối sách lên đầu sách thì có ông Đại.

Tôi đọc để làm việc, đọc để cho mình. Đọc mỗi một tác giả thì rút ra cho mình được 1, 2 câu. Ví dụ tác phẩm của Marx cao cả sải tay nhưng đối với tôi chỉ có một câu thôi: Nhà tư bản mua ngang giá, bán ngang giá, tại sao có lãi? Marx là người đã phát hiện ra sức lao động. Giá trị của sức lao động.

Khi tôi học là tôi học rất thật, vì tôi học không phải để thi. Tôi vào thư viện Lê Nin đọc sách cần mẫn mấy năm trời, khi thư viện đó kỷ niệm 50 năm, truyền hình của Nga đã đến quay phim về tôi với tư cách là độc giả cần mẫn nhất.

Tôi bỏ mấy năm miệt mài đọc sách triết học, rồi 3 năm sau, 1971 mới tìm ra được giải pháp cho mình. Nói như thế là tất cả những giải pháp của tôi sau này đều có cơ sở triết học. Giải pháp của tôi có 2 cơ sở hết sức bền vững: Một là triết học, hai là tâm lý học. Triết học có tính định hướng, tâm lý học là kẻ thực thi. Từ 2 cái đó tôi nhìn lại tất cả các vấn đề. Tôi hoàn toàn tự tin khi xử lý vấn đề.

Hình ảnh sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục.

Làm giáo dục thưa ông, là tác động đến cả một thế hệ, đòi hỏi những sự thận trọng hơn bất cứ ngành khoa học nào?

- Giáo dục rút cục là đời sống xã hội. Cho nên tôi làm giáo dục là tôi tác động đến đời sống, đến người khác, nên tôi phải có trách nhiệm rất lớn. Không bao giờ tôi ghi danh là giáo sư, tiến sĩ. Tên tôi xuất hiện trên các cuốn sách đều chỉ có 3 chữ Hồ Ngọc Đại, không kèm danh xưng, là để mình phải trực tiếp đương đầu chịu trách nhiệm với cuộc đời.

Ông làm thế nào để đưa được mô hình trường thực nghiệm vào Việt Nam, thưa Giáo sư?

- Khi tôi mới về nước, khi ấy là một trong những tiến sĩ khoa học đầu tiên được đào tạo ở nước ngoài trở về. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiếp tôi ở Phủ chủ tịch. Thủ tướng có hỏi tôi về cuộc cải cách giáo dục sắp thực hiện lúc đó. Không hiểu sao, lúc đó tôi lại trả lời là có lẽ cuộc cải cách không thành công. Lý do tôi đưa ra là chúng ta chuẩn bị cho cuộc cải cách giáo dục trong 20 năm chiến tranh, tư duy về nó trong những năm chiến tranh. Khi thực hiện thì đất nước đã hòa bình, như vậy thời điểm chuẩn bị có thể đúng vì phù hợp với lúc đó, nhưng không còn phù hợp với thời bình. Thủ tướng hỏi tôi muốn làm gì, tôi xin dạy lớp 1, với điều kiện cho tôi mở trường thực nghiệm. Và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng chấp nhận. Khoảng vài năm sau, lại có ý kiến từ các cấp lãnh đạo muốn đưa tôi làm thứ trưởng Bộ Giáo dục, vì cho rằng một người như tôi đi học về để dạy lớp 1 thì phí quá. Tôi đã trả lời: Làm thứ trưởng giỏi hơn tôi thì có hàng trăm người, thậm chí hàng nghìn người, nhưng làm giáo dục thực nghiệm thì không có mấy người hơn tôi. Sau này tôi có nói với các con tôi: Lúc ấy ba đã nghĩ sẽ chịu trách nhiệm với đất nước không phải chỉ một vài nhiệm kỳ, mà là một trách nhiệm lâu dài với nhiều thế hệ học sinh được dạy bằng chương trình thực nghiệm.

Cho đến bây giờ, ông quan niệm như thế nào về một nền giáo dục hiện đại?

- Nền giáo dục hiện đại là để mỗi người trở thành chính mình, xứng đáng với chính mình. Không phải một nền giáo dục ảo tưởng. Trước đây chúng ta chỉ có 5% dân cư đi học, 95% dân cư nai lưng ra làm. Ngày nay 100% dân cư đi học, không ai nuôi ai. Trước kia đi học để làm quan, bây giờ trẻ em đi học hàng ngày, nó phải vui vẻ, phải hạnh phúc. Hoàn toàn khác. Người nào cũng phải được tôn trọng. Cái đó không phải tôi nghĩ ra mà là tư duy triết học đấy. Thời chúng ta sống là thời các cá nhân được tôn trọng. Không soi vào ai khác. Chúng ta sống thật hơn và tạo ra một sự thật xứng đáng hơn, không phải là sự thật trong mơ ước, sự thật trong tưởng tượng. Bởi vì định kiến bao giờ cũng mê muội.

Tư duy giáo dục ấy phải được bắt đầu từ ngay cả gia đình, không phải chỉ ở trường, thưa ông?

- Không được lấy bố mẹ làm chuẩn để cư xử với trẻ con. Tôi vẫn nói với các bà mẹ, phải chịu thua con thì mới dạy được chúng. Trẻ con làm việc gì cũng có lý của nó. Phải nghe nó đã. Không phải là cái lý của người lớn. Nên phải căn cứ vào cái lý của trẻ con để dạy.

Cuộc đời tôi như thế là xong rồi, nhưng tôi muốn có một thế hệ trẻ lớn lên sẽ khác, tự xác lập được thời đại của các em, người lớn không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ con, để cho trẻ con sống hồn nhiên, sống như chính nó. Khi đã có một thế hệ trẻ con mới, thì cần có một nền giáo dục mới. Cái căn bản nhất là cách xây dựng nền giáo dục ấy như thế nào trên cơ sở lý thuyết không thể bắt bẻ được. Tận dụng những cái đã có và tạo ra những cái mới. Sứ mệnh của giáo dục là làm sao tạo ra cho trẻ con những cái mới chưa từng có và tận dụng những cái đã có.

Nếu bây giờ nói ngắn gọn nhất về chương trình giáo dục thực nghiệm, ông sẽ nói gì?

- Mỗi một thời điểm của trẻ em, mỗi một thời điểm của đời người là duy nhất. Đã để mất là mất tuyệt đối. Mất thời gian là mất tuyệt đối. Cần phải làm cho đời người không mất một giây nào cả. Cho nên trong chương trình thực nghiệm của tôi không bao giờ có bài ôn tập. Ôn tập là 1 việc anh làm 2 lần thời gian. Mỗi một thời điểm học sinh đi học phải có giá trị thời điểm của nó. Giá trị là duy nhất, anh phải tận dụng được từng giây phút giá trị. Trong đó, vui chơi cũng là một giá trị. Quyển tiếng Việt lớp 1 của tôi, nếu mở trang 24, thì biết 23 trang trước đó học như thế nào. Làm thế nào để mỗi thành tựu trong quá khứ phải nuôi sống đứa trẻ con ấy cả đời, chứ không phải thi xong thì thôi. Chương trình được thiết kế công phu, học chữ nào chắc chắn chữ ấy, không thể tái mù.

Ông có muốn nói lại điều gì với dư luận xã hội về những ồn ào chê bai chương trình giáo dục thực nghiệm trong thời gian vừa qua?

- Tôi không lên tiếng vì tôi nghĩ là mất thì giờ. Không đáng để tôi phải nói lại, hoặc bàn lại. Nếu gặp gỡ nói chuyện thẳng thắn, công khai lại là chuyện khác.

Người ta nhiều khi không phân biệt được ngữ âm thì khác, mà tiếng nói thì khác. Khi đã phân biệt được ngữ âm là trong một chân không về nghĩa, nó chỉ là âm thôi. Thuần túy là cấu trúc ngữ âm, khi nó chứa nghĩa thì nó mới thành từ.

Khi 100% dân cư đi học, thì ngôn ngữ ấy phải là ngôn ngữ hàng ngày. Phải dùng những cái tích cực trong cuộc sống để dạy trẻ con, tôi đưa nhiều chuyện vui vào bộ tài liệu để dạy học sinh. Tôi là Tiến sĩ khoa học về trẻ em, tại sao mọi người lại nói tôi không biết gì về trẻ em? Cái gì tôi viết là vì thế hệ tương lai của đất nước.

Ông có lắng nghe những ý kiến đóng góp biết đâu cũng có lý để điều chỉnh chương trình thực nghiệm không?

- Tôi chỉ lắng nghe nếu đó là những đóng góp đúng và có ích cho công việc của tôi. Những cái khác tôi không nghe.

Ông có sợ dư luận nghĩ là mình kiêu ngạo?

- Hạnh phúc lớn nhất của tôi là đọc sách theo mình, không nghe ai cả.

Điều gì làm ông hài lòng nhất trong sự nghiệp của mình?

- Đời tôi viết rất nhiều cuốn sách. Nhưng cuốn sách công phu nhất, tâm huyết nhất, thể hiện lý thuyết về giáo dục của tôi nhiều nhất là cuốn Tiếng Việt lớp 1.

Xin cảm ơn ông!

PV (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/gs-ho-ngoc-dai-song-thatvoi-minh-tintuc416030