GS Hồ Ngọc Đại nói gì khi mình bị phản ứng?

Giáo sư Đại thừa nhận tư tưởng giáo dục của mình dễ bị phản ứng nhưng cần phải tạo ra một thế hệ khác...

Theo GS Hồ Ngọc Đại, Công nghệ Giáo dục sẽ tồn tại mãi mãi vì đó là một công trình của lịch sử

Theo GS Hồ Ngọc Đại, Công nghệ Giáo dục sẽ tồn tại mãi mãi vì đó là một công trình của lịch sử

Khi có một thế hệ mới thì cần một nền giáo dục mới

Sáng 8/9, tại Hà Nội, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tác giả của cuốn Tiếng Việt lớp 1- Công nghệ Giáo dục, đang gây xôn xao dư luận trong thời gian qua với cách đánh vần lạ “tròn, vuông, tam giác...” đã có buổi trò chuyện về vấn đề này.

Trong buổi hội thảo với chủ đề “Công nghệ giáo dục trong kỷ nguyên 4.0”, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho biết đã hoàn thành được một bộ sách viết về giáo dục, nhất quán từ đầu đến cuối với mong muốn tạo ra một nền giáo dục mới chưa hề có trong lịch sử. Theo ông, trước đây từ thế kỉ 20 trở về trước, tất cả các thế hệ đều kế tiếp nhau, noi gương nhau, học tập kinh nghiệm. Còn bước vào thế kỷ 21, có những cái ông bà, bố mẹ chưa hề có.

“Tôi muốn đất nước này có một thế hệ khác mà người lớn không nên lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ con. Khi có một thế hệ mới thì cần có nền giáo dục mới. Căn bản là xây dựng nền giáo dục đó như thế nào. Xây dựng một nền giáo dục mà cơ sở lý thuyết không thể bắt bẻ và có kỹ thuật tốt nhất. Đó là tận dụng những cái đã có và tạo ra những cái mới, chưa hề có” - Giáo sư Đại nói.

GS Hồ Ngọc Đại tại hội thảo với chủ đề “Công nghệ giáo dục trong kỷ nguyên 4.0”

Về vấn đề này, vị giáo sư đã nêu ra dẫn chứng, trong tất cả các phát minh của nhân loại, ông đánh giá cao nhất là chiếc xe đạp. Bởi hàng tỷ năm, từ các loài động vật đến con người đều đi bộ. Nhưng khi xe đạp ra đời vào thế kỷ 19 đã chấm dứt hàng tỷ năm kinh nghiệm khi đã phá vỡ cái bế tắc trong một thời gian dài.

Học mà không có cảm giác bị bắt ép học

Giáo sư Đại cũng thừa nhận tư tưởng giáo dục của mình dễ bị phản ứng. Nếu trước đây có khẩu hiệu “Thầy giảng thật hay, học trò cần ghi nhớ”, nhưng với GS Đại là “Thầy không giảng, trò không cần cố gắng mà vẫn hiểu được. Làm sao học mà không cảm giác học thì đó mới là học”. Cái tự nhiên nhất mới là cái đúng nhất.

“Tôi là người cuối cùng biên tập cuốn Tiếng Việt, để chịu trách nhiệm nên tôi ký tên tôi... Ông cha ta có câu "phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam". Trẻ con 6 tuổi nói sõi, 7 tuổi nói đúng 8 tuổi nói chuẩn 9 tuổi nói hay... Nhưng nhiều người còn viết sai vì cách dạy chưa đúng. Chính vì vây, sau một năm học theo cách của tôi, trẻ sẽ đọc thông, viết thạo và không thể tái mù”, Giáo sư Đại chia sẻ.

Vị giáo sư cũng chỉ ra, khi 100% dân cư đi học thì ngôn ngữ đó phải là ngôn ngữ hàng ngày chứ không phải ngôn ngữ sách vở. Nguyên tắc sư phạm của ông ở đây đó là thầy giao việc và trò làm việc. Khi trò làm việc, thầy sẽ theo dõi. Phải dùng những thứ tích cực trong cuộc sống để dạy trẻ chứ không phải những điều viển vông.

Bên cạnh đó, giáo sư Đại nhấn mạnh: “Cái quan trọng mà học sinh của tôi học là phải nắm được vật thật và vật thay thế. Vật thật là âm nghe được, tiếng nói... Vật thay thế không chỉ là chữ mà còn là trò chơi, quy ước. Trẻ con lớp 1 phải biết được vật thật còn vật thay thế thì có thể là bất cứ thứ gì”.

GS Hồ Ngọc Đại tâm sự, trong số tất cả công trình của mình, sách Công nghệ Giáo dục Tiếng Việt lớp 1 do ông biên tập và chịu trách nhiệm, chiếm nhiều công sức và tâm huyết nhất trong quá trình nghiên cứu. Đây cũng là niềm an ủi vì đã thể hiện được kiến thức và những điều tốt đẹp được ông gửi gắm.

Tại buổi nói chuyện, GS Đại bày tỏ trăn trở về tư duy của những người làm giáo dục. Tư duy thấp mà lại thêm vụ lợi thì rất khó phát triển, ông nói.

To view this video please enable JavaScript, and consider upgrading to a web browser that supports HTML5 video

Tạ Hải

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/gs-ho-ngoc-dai-noi-gi-khi-minh-bi-phan-ung-d271108.html