GS Hàn Quốc khuyến khích trẻ sai lầm, phát 'phao thi' cho sinh viên

GS người Hàn Quốc Peck Cho cho rằng giáo viên cần hoan nghênh học sinh mắc sai lầm. Nếu sợ mắc lỗi, các em sẽ không dám thử cái mới, nghĩa là không có sáng tạo.

GS Peck Cho kể về chiếc áo "phao thi" cho sinh viên GS Peck Cho từng in công thức lên áo phông để sinh viên mặc khi thi cuối kỳ nhằm thể hiện thông điệp về sự sáng tạo và hợp tác.

"Tôi nói với sinh viên rằng bạn không cần phải ghi nhớ tất cả. Bạn có thể nhìn vào bất kỳ cái gì mình muốn. Các bài kiểm tra của tôi cho phép sinh viên được mở sách thoải mái. Sinh viên có thể mang theo sách giáo khoa, vở ghi chép, hoặc bất kỳ thứ gì họ muốn. Sự ghi nhớ không còn là cái để đánh giá năng lực của học sinh nữa".

GS Peck Cho, ĐH Nữ sinh Sookmyung (Hàn Quốc), đã nói như vậy tại hội thảo "Giáo viên của tương lai", được phát sóng trong chương trinh "Thầy cô chúng ta đã thay đổi" của VTV7 mới đây.

Tiếp theo, ông đưa ra bức tranh học sinh đang giơ tay, nói "Em! Em! Em", rồi hỏi tại sao các em làm vậy. Đám trẻ xung phong để trả lời câu hỏi của giáo viên?

"Nếu vậy thì đó là lớp học không tốt. Một lớp học tốt là khi bạn thấy học sinh giơ tay: Em! Em! Em, và muốn đặt câu hỏi cho giáo viên. Việc trả lời cho câu hỏi hãy dành cho robot. Biết đặt câu hỏi đúng chính là bước khởi đầu của sự sáng tạo. Chúng ta cần đảm bảo rằng sẽ luôn cho phép học sinh đặt câu hỏi trong lớp học", ông nói tiếp.

Ông Peck Cho cho phép sinh viên dùng "phao thi", khuyến khích họ sáng tạo và hoan nghênh những sai lầm. Ảnh: VietNamNet.

Ông Peck Cho cho phép sinh viên dùng "phao thi", khuyến khích họ sáng tạo và hoan nghênh những sai lầm. Ảnh: VietNamNet.

Hoan nghênh học sinh... sai lầm

Trong sự nghiệp dạy học của mình, GS Peck Cho không yêu cầu sinh viên phải ghi nhớ tất cả kiến thức vì nó không còn là cái để đánh giá năng lực một người nữa. Thay vào đó, sinh viên cần có sự khác biệt và sáng tạo. Ông cũng không cho rằng học sinh nhất thiết phải là người trả lời câu hỏi trong lớp học. Ngược lại, các em nên là người đặt câu hỏi.

Theo ông, việc trả lời câu hỏi hãy để cho robot. Biết đặt câu hỏi đúng chính là bước khởi đầu của sự sáng tạo. Giáo viên cần đảm bảo luôn cho phép học sinh đặt câu hỏi trong giờ học. Đó là cách giáo viên khuyến khích sự tò mò của học sinh. Thầy cô cũng cần cho phép sự sai lầm, nên hoan nghênh những em đã mắc lỗi thay vì trừng phạt.

“Nếu như học sinh e ngại việc mắc lỗi, chúng sẽ không bao giờ dám thử cái mới. Trong rất nhiều chọn lựa, chúng ta hãy luôn chọn để trở nên tích cực”, ông nhấn mạnh.

Quan điểm này cũng được GS người Hàn đưa ra trong hội thảo về việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học ở Bờ Biển Ngà hồi tháng 6/2016. Nếu giáo viên sử dụng công nghệ thông tin mà không thay đổi suy nghĩ về việc dạy học sẽ mang lại tác dụng tiêu cực, khiến những mặt trái của nền giáo dục trở nên trầm trọng.

Các nhà sư phạm cần phát triển nền giáo dục tốt hơn, thông minh hơn, tích cực, có tính tương tác, tích hợp và phù hợp hoàn cảnh. Nói cách khác, giáo viên cần chú trọng yếu tố học hơn dạy để dành chỗ cho tính sáng tạo và cảm xúc cá nhân của người học.

Trong quá trình làm việc, bản thân giáo viên cũng phải không ngừng học tập. GS Cho tin tưởng vững chắc kỹ năng sư phạm không phải là thiên bẩm mà hình thành nhờ học hỏi, tích lũy kinh nghiệm. Căn cứ mức điểm đánh giá trình độ dạy học tăng lên từng năm của mình, ông cho rằng luôn có phương pháp dạy học tốt, sáng tạo hơn.

Vì thế, trong 30 năm làm công tác giảng dạy, dù ở Mỹ hay Hàn Quốc, GS Peck cho chưa từng ngừng tìm kiếm những cách thức truyền đạt kiến thức mới đồng thời truyền cảm hứng sáng tạo tới học trò, đồng nghiệp.

Giáo sư dạy các giáo sư

30 năm trước, ông Peck Cho chuẩn bị cho sinh viên chiếc áo phông "phao thi" in công thức họ cần để mặc trong giờ kiểm tra cuối kỳ. Mặt trước, chữ được in ngược để người mặc đọc được khi nhìn xuống. Mặt sau cũng chứa những thông tin tương tự để chia sẻ với người ngồi gần.

“Cái áo tôi chuẩn bị cho sinh viên thể hiện thông điệp về sự sáng tạo và hợp tác”, ông nói.

Đây cũng là quan điểm được ông Peck Cho duy trì và thực hiện trong hơn 30 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Trước khi trở thành giáo sư đặc biệt tại ĐH Nữ sinh Sookmyung, ông là giảng viên xuất sắc tại Trung tâm Dạy và Học của ĐH Dongguk.

Ông từng được mời giảng dạy cho các giáo sư tại 182 đại học trên thế giới, đồng thời phụ trách khóa học online nổi tiếng dành cho các giáo viên ở Hàn Quốc.

GS Peck Cho từng trao đổi, giảng bài cho nhiều giáo sư tại các trường đại học trên thế giới. Ảnh: Africa ICT Edu.

Thế nhưng, chuyên gia giáo dục này lại không hề trải qua trường lớp sư phạm. Ông nhận bằng cử nhân ngành Kỹ thuật Cơ khí từ ĐH Wisconsin. Trong 5 năm tiếp theo, ông lần lượt hoàn thành chương trình thạc sĩ và tiến sĩ ngành này tại ĐH Northwestern.

Ông Peck Cho từng đảm nhận vị trí kỹ sư nghiên cứu cao cấp tại ĐH California-Davis, học giả ngắn hạn tại ĐH Princeton và giáo sư thỉnh giảng tại ĐH Quốc gia Seoul, trước khi về làm việc cho ĐH Công nghệ Michigan (MTU).

Trong 20 năm làm giáo sư ngành Kỹ thuật Cơ khi tại MTU, ông Cho còn là giám đốc các Trung tâm Sáng kiến, Trung tâm Dạy học và Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên.

Bên cạnh việc nghiên cứu, giảng dạy tại Mỹ, Peck Cho còn luôn trăn trở để phát triển giáo dục Hàn Quốc.

Từ năm 1996, ông bắt đầu kết nối MTU với Hàn Quốc. Nhờ những nỗ lực của GS Peck Cho, hàng trăm sinh viên Hàn Quốc nhận cơ hội học tập, nghiên cứu tại MTU. Ông cũng tổ chức các hội thảo cho học sinh trung học ở quê nhà đồng thời sắp xếp các chương trình để giảng viên, sinh viên MTU tới Hàn Quốc làm việc.

“Sinh viên và giảng viên của trường được trao cho các trải nghiệm, cơ hội việc làm, hợp tác nghiên cứu quý giá cũng như được du lịch, khám phá. Những điều này sẽ không bao giờ có được nếu thiếu Peck”, Shalini Suryanarayana, người đề cử Peck Cho cho một giải thưởng, nhận xét.

Bà đánh giá GS Cho là người hào phóng, sẵn sàng cống hiến không biết mệt mỏi và không hề đòi hỏi sự báo đáp.

Trong khi đó, ông Cho khiêm tốn cho biết ban đầu, khi vừa đến MTU, ông làm mọi thứ vì bản thân và gia đình. Sau này, khi chứng kiến những người khác phục vụ cộng đồng một cách đơn thuần, ông nhận ra điều đó thật tuyệt vời. Đó cũng là lúc, ông trăn trở nhiều hơn về giáo dục và làm thế nào để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở Hàn Quốc.

20 năm công tác tại MTU, ông giành hàng loạt giải thưởng về giảng dạy cũng như phục vụ cộng đồng. Nhờ đó, ông có tiếng nói hơn trong ngành giáo dục Hàn Quốc.

Những nỗ lực suốt hàng năm trời của Peck Cho để cải thiện giáo dục Hàn Quốc giúp ông có được cơ hội tuyệt vời để trực tiếp trao đổi với ông Roh Moo-hyun, lúc đó là tổng thống nước này. Trong cuộc gặp, GS Cho đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi hệ thống giáo dục cứng nhắc tồn tại lâu đời ở Hàn Quốc.

Trước khi trở về công tác dài hạn tại nước nhà, ông đã tạo ra sức ảnh hưởng rộng lớn trong trong ngành giáo dục nước này thông qua bản tin hàng tuần gửi qua email tới 7.000 giảng viên trên cả nước, cùng hàng loạt chuyến thăm, các hội thảo về kỹ năng dạy học tại các trường đại học.

“Để làm được điều đó, tôi đã phải xây dựng danh tiếng của mình ở quê nhà. Hiện giờ, ở Hàn Quốc, tôi được biết đến là giáo sư giảng dạy cho các giáo sư”, ông Cho nói.

Nguyễn Sương
Video: VTV

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/gs-han-quoc-khuyen-khich-tre-sai-lam-phat-phao-thi-cho-sinh-vien-post904097.html