GS Hà Văn Tấn và 'tứ trụ' sử Việt

Tính từ đầu thập niên 60 của thế kỷ trước - khi xuất hiện cụm từ 'tứ trụ' của nền sử học mác xít Việt Nam, cho đến ngày 27/11/2019 khi Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời, là trọn nửa thế kỷ bốn cây đại thụ Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn tạo dựng được nền móng vững chắc và phát triển toàn diện nền sử học Việt Nam.

"Tứ trụ sử học" Việt Nam đương đại, từ phải sang: GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng - Ảnh tư liệu.

"Tứ trụ sử học" Việt Nam đương đại, từ phải sang: GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng - Ảnh tư liệu.

Nhìn lại nửa thế kỷ ấy, những đại thụ quốc sử đương đại Việt Nam đã tạo dựng và trao truyền 5 thành phẩm được “dát vàng” thật trân quý.

Một là, sớm "khởi nghiệp" nền sử học mác xít Việt Nam.

Ngay khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, thầy giáo Đinh Xuân Lâm từ trường Trung học Lam Sơn Thanh Hóa được chuyển thẳng lên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Văn khoa, nơi các đồng môn Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng vừa nhập trường, để sau đó bộ ba cùng đỗ "tam khôi" khóa 1954-1956. Năm sau (1957) có thêm “Á nguyên” Hà Văn Tấn hoàn thành xuất sắc “trình độ 9+2”. Cả 4 tân cử nhân ấy được giữ lại khoa lịch sử để các thầy Đào Duy Anh và Trần Văn Giàu giao những nhiệm vụ ban đầu có tính “khởi nghiệp” giảng dạy và nghiên cứu quốc sử.

Kết quả là những năm 1960-1961, thầy giáo trẻ Hà Văn Tấn mới 23 tuổi đã hiệu đính và chú thích cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi; hai thầy giáo trẻ Hà Văn Tấn (24 tuổi), Trần Quốc Vượng (27 tuổi) hoàn thành và công bố 3 cuốn sách Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (tập I), Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam; thầy giáo trẻ Phan Huy Lê (27 tuổi) hoàn thành và công bố Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (Tập II), Tìm hiểu thêm về phong trào nông dân Tây Sơn, Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam (Tập III), hoàn thành Chú thích về lịch sử và địa lý Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi; còn thầy giáo Đinh Xuân Lâm từ năm 1957 đến 1961 thống lĩnh toàn phần Lịch sử Việt Nam cận đại… Tất thảy là những công trình sử học đầu tiên của Việt Nam viết theo quan điểm sử học mác xít.

Hai là, sớm xác lập quan điểm sử học chính thống về quốc sử Việt Nam, xây dựng hệ thống phương pháp luận sử học Việt Nam.

Những công trình sử học đầu tiên của nền dân chủ cộng hòa là kết quả trực tiếp của sự phân công của Giáo sư Đào Duy Anh và Giáo sư Trần Văn Giàu, với việc đã sớm phân kỳ lịch sử quốc gia thành các thời kỳ: Thời nguyên thủy, thời cổ trung đại, thời cận hiện đại, thời hiện đại. Quan niệm kinh tế - xã hội là cơ sở nền tảng của toàn bộ lịch sử, các giáo sư “tứ trụ” tập trung nghiên cứu chuyên sâu những đề tài về chế độ ruộng đất, nông dân, làng xã, văn hóa và truyền thống; thực hiện nguyên tắc tiếp cận toàn bộ, toàn diện, đa tuyến về lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới; kiến giải những “khoảng trống” trong lịch sử bằng nhận thức trung thực, khách quan, khoa học và phải bằng sử liệu, chứng cứ rõ ràng.

Sớm phát hiện việc nghiên cứu sử học chưa được trình bày như một hệ thống phương pháp luận, Giáo sư Hà Văn Tấn dựa theo lý thuyết hoạt động của Marx để xây dựng mô hình cấu trúc – hệ thống phương pháp luận sử học. Từ thập niên 1970, nhiều vấn đề về sử học là gì, đối tượng của sử học, sử liệu học, phương pháp lịch sử, phương pháp logic… đã được giảng dạy; trên cơ sở đó bộ môn Phương pháp luận sử học được thành lập ở Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội. Phương pháp luận sử học gồm nhiều nội dung cơ bản làm cơ sở cho sự phát triển học thuật và nghiên cứu đào tạo khoa học lịch sử, mở ra nhiều hướng nghiên cứu sử liệu học, văn bản học, ấn chương học, cổ văn tự học, minh văn học…

Ba là, hình thành hệ thống cơ cấu chương trình ngành khoa học lịch sử trong khoa học nhân văn Việt Nam

Đến đầu thập niên 1960, chương trình đào tạo khoa học lịch sử đã có các chuyên ngành Lịch sử Việt Nam cổ trung đại và Lịch sử Việt Nam cận hiện đại; Khoa Sử Đại học Tổng hợp Hà Nội bắt đầu xây dựng ngành Khảo cổ học, sau đó nhiều chuyên ngành khác: Dân tộc học, Lưu trữ học, Lịch sử thế giới… lần lượt ra đời. Mỗi chuyên ngành trở thành bộ môn đào tạo với cơ cấu chương trình đào tạo trình độ cử nhân, làm cơ sở cho sự phát triển chuyên sâu và liên ngành trong khoa học lịch sử và khoa học nhân văn.

Giáo sư Hà Văn Tấn từng phác họa cách thức phát triển chuyên ngành: “Sau khi viết quyển Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông… tôi chú ý đến vấn đề ruộng đất, vấn đề văn hóa của giai đoạn này. Để sưu tầm thêm tư liệu, vốn rất hiếm về giai đoạn này, tôi quan tâm đến các bi ký… Chính những bi ký đã hướng tôi đến với lịch sử Phật giáo… Từ lịch sử Phật giáo Việt Nam, tôi phải đọc rộng thêm về lịch sử Phật giáo Ấn Độ và Trung Quốc. Rồi từ Phật giáo Ấn Độ, tôi phải học triết học Ấn Độ cổ trung đại”.

Bốn là, đào tạo và xây dựng đội ngũ các nhà sử học trên cả nước kế tục và phát triển sử học Việt Nam.

Ngay khi nền đại học dân chủ cộng hòa vừa khởi tạo được những cử nhân đầu tiên - những thanh niên chênh nhau vài ba tuổi, cùng một “lò” đào tạo trong nước và đều học rất giỏi - trở thành thế hệ đầu, hình thành “tứ trụ” của nền sử học trẻ của nước nhà. Sự nghiệp đào tạo, xây dựng đội ngũ của thế hệ đầu ấy được thực hiện qua hàng chục năm nghiên cứu gắn với giảng dạy, đào tạo, hướng dẫn, đặc biệt là quá trình tự học, tự nghiên cứu; trong đó phải nêu cao đạo đức người nghiên cứu sử học, phải luôn quan tâm đến tư duy phê phán trong sử học, luôn thực hiện và yêu cầu người dạy và học lịch sử phải thận trọng, phải có tinh thần phê phán…

Kinh nghiệm của Giáo sư Hà Văn Tấn: “Phải lao vào học thôi. Mà trước mắt tôi là tấm gương tự học lớn lao của Giáo sư Đào Duy Anh. Muốn tự học thì chỉ có cách là đọc sách. Mà muốn đọc sách thì phải nắm vững ngôn ngữ”. Giáo sư Hà Văn Tấn còn “mách nước” như là “bật mí” cho cán bộ giảng viên trẻ: “Muốn học có kết quả một môn nào thì phải biết gắn những điều đã học với nghiên cứu và giảng dạy” và “Say mê không đủ, phải bền gan, và có chút ít liều mạng, liều mạng một cách nghiêm túc!”; điều quan trọng là phải say mê thích thú, bởi “sự thích thú của tôi vẫn khiến tôi lang thang trên nhiều nẻo đường khác của khoa học”.

Năm là, đặt những viên gạch hội nhập đầu tiên và tạo dựng mối quan hệ của sử học Việt Nam với sử học quốc tế.

Do yêu cầu nghiên cứu, Giáo sư Hà Văn Tấn phải “quen hầu hết các nhà khảo cổ học thế giới thuộc thế hệ tôi đang nghiên cứu về khảo cổ học Đông Nam Á, và một số nhà khảo cổ học trẻ hơn”; Giáo sư Phan Huy Lê khai mở và xây dựng quan hệ giao lưu, hợp tác với hầu hết các nhà Việt Nam học danh tiếng và các tổ chức nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài… Đặc điểm chung, nỗ lực chung của các Giáo sư Lâm-Lê-Vượng-Tấn trở thành “sứ giả” của giới sử học Việt Nam kết nối với thế giới; qua đó giới sử học quốc tế đánh giá cao giới sử học Việt Nam, như Giáo sư Trần Quốc Vượng từng tiết lộ “nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá Giáo sư Hà Văn Tấn là nhà khảo cổ học bác học của Việt Nam”.

Đặc biệt là các giáo sư “tứ trụ” còn thông qua việc công bố nghiên cứu để đưa sử học Việt Nam hội nhập vào sử học thế giới (Giáo sư Hà Văn Tấn công bố 298 bài báo, tham luận, nghiên cứu khoa học trên tạp chí trong và ngoài nước; Giáo sư Trần Quốc Vượng viết trên 400 bài nghiên cứu khoa học đăng trên các tạp chí chuyên môn trong và ngoài nước; Giáo sư Đinh Xuân Lâm viết và đứng tên hơn 370 bài báo; Giáo sư Phan Huy Lê hoàn thành 445 công trình và là người dẫn dắt giới sử học, dẫn dắt giới khoa học xã hội nhân văn giao kết, đối thoại với giới nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài.…).

*

Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975) có thêm bộ phận học trò ở phía Nam. Những bài giảng đầu tiên ở khoa Lịch sử trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976-1977 là Cơ sở Khảo cổ học của thầy Trần Quốc Vượng, Cổ sử Việt Nam của thầy Hà Văn Tấn, Lịch sử Việt Nam Trung đại của thầy Phan Huy Lê, Lịch sử Việt Nam Cận đại của thầy Đinh Xuân Lâm…

Từ đó, từ thế hệ đầu, đội ngũ sử học trên cả hai miền Nam-Bắc Việt Nam được đào tạo và xây dựng liên tục trong suốt nửa thế kỷ, cả trong thời chiến lẫn thời bình. Vẫn theo cách chủ yếu mà các giáo sư “tứ trụ” đã đặt ra (tốt nghiệp ngành lịch sử - giữ lại trường làm công tác giảng dạy và nghiên cứu), đội ngũ sử học ở các đại học khoa học cơ bản và đại học sư phạm Việt Nam đã và đang ngày càng đông, thừa kế và phát huy những thành tựu sử học nước nhà do các giáo sư “tứ trụ” tạo dựng, phát triển và trao truyền.

Người đầu tiên ra đi năm 2005 là Giáo sư Trần Quốc Vượng; người cuối cùng khép tròn bộ tứ năm 2019 là Giáo sư Hà Văn Tấn - những thế hệ học trò trong 14 năm 4 lần khóc thầy. Lật lại bài viết của Giáo sư Hà Văn Tấn mùa Thu năm 1997 về 40 năm học tập và nghiên cứu, thấy thầy kết thúc bằng 6 chữ “Cũng nên khóc vì hạnh phúc”. Chợt nhận ra đó cũng là điều thầy dạy!

PGS.TS Hà Minh Hồng
Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/gs-ha-van-tan-va-tu-tru-su-viet/381424.vgp