Green ID đánh giá chưa đúng về chất lượng không khí của Hà Nội

Đó là khẳng định của Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định. Thời gian vừa qua, dư luận rất lo lắng về chất lượng không khí của Hà Nội sau công bố kết quả đo lường của Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh – Green ID (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam).

Tuy nhiên, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định khẳng định, số liệu này chưa phản ánh đúng hiện trạng chất lượng không khí của TP.

Cách đây không lâu, trên các phương tiện truyền thông rộ lên thông tin: Một tuần người dân Hà Nội phải chịu 5 ngày không khí ô nhiễm. Liệu con số này có thể tin cậy, thưa ông?
- Số liệu chất lượng không khí trong báo cáo của Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh tham khảo từ trạm quan trắc chất lượng không khí đặt tại Đại sứ quán Hoa Kỳ (đây là vị trí có mật độ giao thông lớn, gần ngã 4 Giảng Võ – Đê La Thành và gần công trình xây dựng lớn). Khi nhận được thông tin, chúng tôi đã chủ động mời đại diện Đại sứ quán Mỹ để trao đổi. Theo đó, trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ là trạm cảm biến và cách tích AQI (chỉ số chất lượng không khí) của Mỹ khác và cao hơn nhiều so với cách tính theo hướng dẫn của Bộ TN&MT. Số liệu từ các trạm cảm biến không chính xác và đủ thông số như số liệu quan trắc từ các trạm cố định, chỉ để phục vụ nghiên cứu, khảo sát xu hướng biến đổi môi trường, không thể đại diện cho chất lượng không khí chung của TP. Do vậy, số liệu từ trạm cảm biến này là chưa khách quan và chưa phản ánh đúng hiện trạng chất lượng không khí Hà Nội. Hay nói theo cách khác, chất lượng không khí Hà Nội nói chung “không tồi” như báo cáo của GreenID.
Cũng theo GreenID, nồng độ bụi giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016, song suốt nửa đầu năm nay, nồng độ bụi PM2.5 (loại bụi siêu mịn nguy hiểm nhất) ở Thủ đô vẫn luôn vượt quá tiêu chuẩn quốc tế?
- Có thời điểm trong giờ cao điểm, tại một số tuyến đường vành đai và khu vực đang có các công trình xây dựng thì nồng độ bụi tổng số, bụi PM10 và bụi PM2.5 vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Tuy nhiên, hiện tại UBND TP đang chỉ đạo các sở, ngành liên quan áp dụng một số giải pháp nhằm giảm thiểu bụi tại khu vực này như: Ban hành đề án “Chống ồn, chống bụi”; đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030"; xử lý các điểm đen về ô nhiễm môi trường…
Hiện tại, UBND TP đã chỉ đạo Sở TN&MT hoàn thành thiết kế hệ thống mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn TP, triển khai các dự án quan trắc môi trường không khí tự động tại các khu vực trọng yếu. Đây là công cụ phục vụ việc dự báo, cảnh báo sớm về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực.
Những trạm quan trắc này cho thấy chất lượng không khí Hà Nội thế nào, thưa ông?
- Đa phần chất lượng không khí toàn TP đạt mức trung bình cho tất cả các tháng mùa mưa và các tháng mùa khô. Chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian, riêng chỉ tiêu Benzen, mặc dù vẫn nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam, nhưng có xu hướng tăng dần qua các năm do gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng), đặc biệt sự gia tăng các phương tiện giao thông. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng cùng sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Chất lượng môi trường không khí của TP có biểu hiện suy thoái, nhất là ở khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép.
Theo kết quả quan trắc hàng năm, thì vấn đề đáng quan tâm nhất đối với chất lượng môi trường không khí Hà Nội là chỉ tiêu bụi Tổng số và bụi PM10 tại một số vị trí và một số thời điểm trên địa bàn TP vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí xung quanh từ 1,5 – 2,0 lần.
Như vậy, có nghĩa do quá trình đô thị hóa, việc gia tăng phương tiện giao thông, các công trình xây dựng… đã ảnh hưởng tới chất lượng không khí. Đặc biệt, chất lượng không khí theo kết quả quan trắc chỉ có giá trị trong thời điểm đo và khu vực đo. Vậy, Hà Nội đã và đang áp dụng những giải pháp nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí?
- Đúng là những năm gần đây, vấn đề môi trường luôn được lãnh đạo TP quan tâm. Cụ thể, Hà Nội đã phối hợp với AirParif (Pháp) triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu đánh giá hiện trạng môi trường không khí và nghiên cứu thiết kế hệ thống mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn TP. Trong giai đoạn từ năm 2017 – 2020, hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc không khí theo tiêu chuẩn quốc gia và ý kiến của các chuyên gia Pháp, dự kiến đầu tư 70 trạm quan trắc không khí tự động, liên tục trên địa bàn TP; Tập trung triển khai các dự án quan trắc môi trường tự động (không khí và nước) tại các khu vực trọng yếu nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo sớm cho các nhà quản lý và người dân về các hiện tượng ô nhiễm môi trường cục bộ tại từng khu vực. Đến nay đã lắp đặt và đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động (2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến) do Tập đoàn Environment SA – Pháp cung cấp và 6 trạm quan trắc nước mặt. Số liệu quan trắc không khí được cập nhật 24/24 giờ tại cổng thông tin của UBND TP.
Đồng thời, yêu cầu các khu công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải, các dự án, cơ sở có phát sinh khí thải, nước thải quy mô lớn phải lắp đặt các trạm quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở TN&MT để theo dõi, đánh giá và phát hiện kịp thời các sự cố về môi trường. Quy hoạch xây dựng bãi tập kết phế thải tiêu hủy, áp dụng công nghệ xử lý phế thải tiêu hủy theo đúng tiêu chuẩn và quy định, đảm bảo vừa tái chế chất thải, vừa giảm lượng phế thải tiêu hủy gây ô nhiễm môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm bụi đối với tất cả các công trường thi công xây dựng các công trình ở khu vực nội thành.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT phối hợp với Cục Đăng kiểm trong việc đăng kiểm mới và định kỳ khi cho lưu hành các loại phương tiện giao thông và xe cơ giới. Xây dựng lộ trình áp dụng khí thải mức 4, mức 5 (Euro 4, Euro 5) trên địa bàn Hà Nội. Đầu tư trang thiết bị đo nhanh khí thải từ phương tiện giao thông lưu thông trên đường để đánh giá nồng độ khí thải. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông đồng bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng, có phương án thu hồi phương tiện quá niên hạn sử dụng gây ô nhiễm môi trường. Xây dựng lộ trình giảm dần để đến năm 2030 tạm dừng xe máy lưu thông trong khu vực nội đô. Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ môi trường không khí, không xả rác bừa bãi, chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông, không sử dụng than tổ ong trong hoạt động dân sinh, không đốt rơm rạ nhằm giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Xin cảm ơn ông!

Thương Huế (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/pho-giam-doc-so-tnmt-ha-noi-le-tuan-dinh-green-id-danh-gia-chua-dung-ve-chat-luong-khong-khi-cua-ha-noi-304160.html