Grant Thornton: Giá thuê bình quân phòng khách sạn 5 Sao đạt 112 USD, gấp 1,5 lần 4 Sao

Năm 2018, giá thuê phòng khách sạn 5 Sao tiếp tục tăng ở mức 4,1% và đạt mức 112 USD (tương ứng 2,6 triệu đồng).

Ảnh minh họa.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018 cả nước có thêm 2.400 cơ sở lưu trú mới được đưa vào hoạt động, trong đó có 83 cơ sở lưu trú đăng kí xếp hạng từ 3 đến 5 Sao.

Trong 83 cơ sở đăng kí mới, tương đương 22.419 phòng, có 34 khách sạn 5 Sao (17.366 phòng) và 15 khách sạn 4 Sao, tương đương 2.990 phòng. Những khách sạn mới được đưa vào hoạt động này có cả những nhãn hiệu đã đang hoạt động tại Việt Nam, những nhãn hiệu mới hoặc thậm chí cả những nhà quản lý mới trên thị trường.

Theo Grant Thornton, năm 2018, giá thuê bình quân phòng khách sạn 5 Sao tiếp tục tăng ở mức 4,1% và đạt mức 112 USD (tương ứng 2,6 triệu đồng), giá phòng khách sạn 4 Sao giảm ở mức 2,3% chỉ còn 73,4 USD (tương ứng 1,7 triệu đồng).

Giá phòng khu vực miền Bắc và miền Nam tiếp tục tăng, tuy nhiên tốc độ tăng ở mức thấp hơn năm 2017. Tại miền Nam có mức tăng cao nhất là 2,7%, theo sau là miền Bắc ở mức 1,7%. Giá phòng khu vực miền Trung, ngược lại giảm nhẹ ở mức 1,0%.

Nguồn: Grant Thornton.

Nguồn: Grant Thornton.

Doanh thu trên số phòng (RevPAR) của khách sạn 5 Sao tăng nhiều hơn chủ yếu do giá phòng 5 Sao tăng mạnh hơn và đạt mức 83,4 USD so với năm 2017 là 79,1 USD.

Ngược lại, RevPAR của khách sạn 4 Sao giảm ở mức 3,6% so với năm 2017 và đạt 52 USD so với năm 2017 là 54 USD.

Nguồn: Grant Thornton.

Công suất phòng của khách sạn 5 sao tăng nhẹ ở mức 0,5% còn 75,6% trong khi công suất phòng khách sạn 4 sao giảm 1,0% còn 71,2% so với năm 2017.

Theo Khu vực, khách sạn tại miền Bắc và miền Trung có công suất phòng giảm lần lượt ở mức 2,6% và 1,4%, công suất phòng của các khách sạn khu vực miền Nam tiếp tục tăng nhẹ ở mức 1,7%.

Trong năm 2018, khách du lịch đến Việt Nam đi theo dạng cá nhân, du lịch theo đoàn và khách thương nhân tiếp tục là ba nhóm khách chiếm tỷ trọng cao nhất, tổng cộng chiếm 76% tổng lượng khách du lịch. Khách dự hội nghị (MICE) vẫn trong xu hướng giảm, từ 7,6% năm 2017 xuống còn 6,8% trong năm 2018.

Tại Việt Nam, khách du lịch đặt phòng qua kênh đại lý trực tuyến (OTA) đang tăng trưởng mạnh, mức tăng lớn nhất có thể thấy là từ kênh bán buôn/hệ thống phân phối toàn cầu của khách sạn 5 Sao (2,3%) và đại lý du lịch trực tuyến của khách sạn 4 Sao (2,8%).

Nguồn: Grant Thornton.

Nhìn chung Khách sạn 5 Sao có mức độ ứng dụng công nghệ số cao hơn khách sạn 4 Sao, ở cả 4 nội dung khảo sát (tổng hợp và phân tích dữ liệu; Cá nhân hóa trải nghiệm của khách hàng qua ứng dụng; Làm thủ tục phòng trực tuyến; Quảng cáo qua facebook, Instagram, Twitter.

Theo đó, quảng cáo qua mạng xã hội như Facebook, Twitter hay các trang mạng tương tự tiếp tục được các khách sạn ưu tiên, chủ yếu do khách du lịch sử dụng ngày một nhiều mạng xã hội.

Gần 100% khách sạn tham gia khẳng định họ sử dụng kênh này để thu hút sự chú ý từ người dùng mạng xã hội.

Làm thủ tục trực tuyến và cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng thông qua ứng dụng di động ít được quan tâm hơn, khi chỉ có dưới 50% các khách sạn tham gia khảo sát sử dụng.

Việc đặt phòng qua các công ty lữ hành và nhà điều hành tour vẫn tiếp tục là kênh đặt phòng lớn nhất nhưng năm 2018 đã có sự sụt giảm 2,8% ở 5 Sao và giảm mạnh ở mức 7,1% đối với 4 Sao.

HOÀNG ANH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh/grant-thornton-gia-thue-binh-quan-phong-khach-san-5-sao-dat-112-usd-gap-15-lan-4-sao-3513359.html