Grab và Go-Viet trở thành siêu ứng dụng với đa dịch vụ trong tương lai

Giá xe gọi qua các ứng dụng như Grab và Go-Viet có thể tăng trong thời gian tới. Nhưng người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng nhiều dịch vụ, tiện ích mới như thanh toán điện tử, giao nhận thực phẩm, dịch vụ gia đình…

Giá dịch vụ vận chuyển gia tăng

Sau các đợt khuyến mãi 2.000-5.000 đồng cho lộ trình dưới 8 cây số đầu tiên đối với xe ôm, Grab và Go-Viet nâng dần lên 9.000 và 10.000 đồng. Các đợt khuyến mãi kết thúc, giá xe gọi qua ứng dụng trở lại bình thường và có phần tăng mạnh, đặc biệt đối với xe hơi, sau các đợt tăng giá xăng vừa qua.

Các số liệu Báo Người Tiêu Dùng thu thập trong hai tháng, từ cuối tháng 8-10/2018 cho thấy: Giá xe ôm GrabBike hầu như không tăng hoặc tăng rất ít. Tuy nhiên, giá xe GrabCar đã tăng 40% cho đến gần gấp đôi sau khi giá xăng tăng mạnh.

Hiện giá xe ôm của Go-Viet - đối thủ chính của Grab - thường thấp hơn giá của Grab 30-40%. Cụ thể, hành trình dài gần 15km từ Q.5 đến Q.12 của Go-Viet có giá khoảng 55.000 đồng, trong khi đó giá của Grab dao động trong khoảng 70.000- 75.000 đồng,

Giá của Go-Viet sẽ không tăng đáng kể. Với mức giá cố định theo cây số cộng thêm ba biến số - điều kiện thời tiết, thời gian trong ngày và số lượng tài xế trong khu vực - dự kiến giá xe Grab sẽ gia tăng, đặc biệt là giá xe hơi.

Cả Grab lẫn Go-Viet không thực hiện các đợt khuyến mãi trong thời gian vụ kiện của Vinasun lên đỉnh điểm. Dường như cả hai đang chờ phán quyết cuối cùng của tòa công bố ngày 29/10 sắp tới!

Go-Viet nói hãng này sẽ giành được thị phần lớn mảng xe ôm công nghệ tại TP.HCM và Hà Nội với hơn 20 triệu dân. (Ảnh: Akira Kodaka).

Phân bổ lại thị trường

Uber rút khỏi thị trường Việt Nam và Đông Nam Á đã tạo cơ hội cho Grab thâu tóm thị trường và mở rộng thị phần từ tháng 4/2018. Sự xuất hiện của Go-Viet vào cuối tháng 8/2018 đã vẽ lại bản đồ phát triển của Grab khi mà các đối thủ trong nước như Aber, Vato và FastGo không đủ mạnh để đương đầu với “gã khổng lồ” Grab được định giá đến 11 tỷ USD!

Trong buổi lễ khai trương dịch vụ của Go-Viet tại Hà Nội tháng 9/2018, Nadiem Makarim - CEO và đồng sáng lập ứng dụng gọi xe Go-Jek của Indonesia - nói sẽ áp dụng công nghệ cao và kiến thức điều hành của Go-Jek để tạo nên thành công của Go-Viet tại thị trường Việt Nam. Ông Makarim cũng nói rằng chỉ sau một tháng vào thị trường Việt Nam đã có trên 35.000 tài xế và trên 1,5 triệu lượt tải ứng dụng Go-Viet. Điều này giúp hãng gọi xe “áo đỏ, nón đỏ” chiếm được 35% thị phần xe ôm công nghệ tại thành phố lớn nhất Việt Nam là TP.HCM. Bằng việc tiến ra thị trường Hà Nội, Go-Viet củng cố hơn cam kết phục vụ 20 triệu dân của hai thành phố lớn.

Trong khi đó, VATO - một ứng dụng được hãng Phương Trang đầu tư 100 triệu USD - có được 30.000 tài xế xe máy và xe hơi tại TP.HCM và Hà Nội. FastGo ước lượng có 25.000 tài xế, chủ yếu là xe hơi. Tên tuổi của hai hãng này hầu như ít được người tiêu dùng biết đến.

Siêu ứng dụng với đa dịch vụ…

Với 175.000 tài xế và xuất hiện ở ba thành phố đầu não Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cùng hơn 30 tỉnh thành khắp Việt Nam, Grab đã xây dựng được hệ sinh thái khá đa dạng. Bên cạnh mảng xe hai bánh và bốn bánh cùng dịch vụ giao hàng, Grab đã triển khai dịch vụ giao thức ăn GrabFood.

Trước vụ kiện của Vinasun, CEO Grab Vietnam Jerry Lim nói rằng: “Grab sẽ mang lại nhiều tiện ích và dịch vụ mới cho người tiêu dùng Việt Nam trong vòng ba tháng tới”. Cùng với sự triển khai ví điện tử Moca mà Grab tuyên bố sẽ hoàn chỉnh từ đầu tháng 11/2018, người sử dụng ứng dụng Grab sắp tới còn có thể thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại di động cũng như thanh toán tại các cửa hàng tiện lợi hoặc thức ăn nhanh như 7-Eleven và McDonald’s… Chỉ cần bước sang lĩnh vực tài chính và các dịch vụ liên quan khác, Grab đã trở thành siêu ứng dụng!

Trong khi đó, đồng sáng lập và CEO Go-Viet Nguyễn Vũ Đức nói rằng hãng này sẽ triển khai các dịch vụ tương tự như Go-Jek đang phục vụ người tiêu dùng Indonesia. Trong ba tháng tới, Go-Viet sẽ mở dịch vụ xe bốn bánh, giao nhận thức ăn và ví điện tử Go-Pay. Sau đó là các dịch vụ vệ sinh nhà cửa, văn phòng và cả dịch vụ làm đẹp!

Không chỉ là xe ôm, Grab sẽ phát triển thành siêu ứng dụng với đa dịch vụ. (Ảnh: Nikkei Asian Review).

Hệ lụy của vụ kiện Vinasun

Thị trường dịch vụ cho dân số hơn 90 triệu người của Việt Nam là mảnh đất màu mỡ cho các công ty công nghệ, đặc biệt là thị trường thực phẩm có trị giá nhiều tỷ USD đang được các công ty đa quốc gia như Grab và Go-Jek dòm ngó!

“Ngay cả khi thị trường giao nhận thức ăn hay rau quả đã được để ý, các thị trường tiềm năng khác như giáo dục, y tế và giải trí vẫn còn là ẩn số rất lớn mà các công ty công nghệ chắc chắn đã để ý và đang lên kế hoạch khai thác” - một nhà tư vấn Hoa Kỳ nói với Báo Người Tiêu Dùng. Ông cũng nói rằng kế hoạch đưa rước giáo viên và học sinh GrabShuttle for School tại Singapore được đánh giá tốt. “Chỉ cần đầu tư và phát triển công nghệ mới như GrabSchool, các ứng dụng mới đã mở ra thị trường rộng lớn và mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng Việt Nam!” - ông nói.

Nhưng đầu tư vào công nghệ đòi hỏi cam kết lâu dài từ nhà đầu tư và cả chính quyền. Kiến nghị nói Grab phải trả hơn 41 tỷ đồng tiển đền bù thiệt hại cho hãng Vinasun đang gây lo ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước. Bởi trong tương lai, ngay cả Grab, Go-Viet hay bất cứ công ty công nghệ nào khác khi giành thế mạnh hơn thị trường vì đầu tư vào công nghệ và quản lý tốt hơn đều có thể bị những đối thủ kém và không chịu thay đổi kiện!

Dù thất vọng về lời đề nghị phạt hơn 41 tỷ đồng mà TAND TP.HCM đã đề cập hôm 23/10, CEO Grab Vietnam Jerry Lim hy vọng rằng kết quả của phiên tòa ngày 29/10 sẽ đảo ngược. Trước đó, ông Lim nói rằng: “Grab sẽ thực hiện cam kết đầu tư lâu dài dù phán quyết của tòa thế nào”.

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/grab-va-go-viet-tro-thanh-sieu-ung-dung-voi-da-dich-vu-trong-tuong-lai-d71277.html