Grab sẽ thay đổi lớn khi đón nhận khoản đầu tư bất ngờ từ Microsoft?

Grab sẽ sử dụng một số sản phẩm của Microsoft, bao gồm dịch vụ điện toán đám mây Azure, đồng thời phát triển một số dự án phần mềm như dịch thuật thời gian thực và nhận dạng khuôn mặt, giúp hành khách và người lái xe nhận ra nhau.

Grab, nền tảng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á, vừa chính thức công bố đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược sử dụng đám mây điện toán với Microsoft để thúc đẩy đổi mới và sử dụng các dịch vụ số tại khu vực Đông Nam Á.

Theo thỏa thuận kéo dài 5 năm này, Microsoft sẽ tiến hành đầu tư chiến lược vào Grab. Tờ Financial Times tiết lộ số tiền có thể lên tới hơn 200 triệu USD. Đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của Microsoft dành cho thị trường bắt xe tại khu vực Đông Nam Á.

Microsoft sẽ đầu tư vào Grab như một phần trong thỏa thuận hợp tác chiến lược kéo dài 5 năm. Tuy nhiên các con số chi tiết về thương vụ được giữ bí mật.

Microsoft sẽ đầu tư vào Grab như một phần trong thỏa thuận hợp tác chiến lược kéo dài 5 năm. Tuy nhiên các con số chi tiết về thương vụ được giữ bí mật.

Ngoài việc rót vốn, Microsoft và Grab - công ty có trụ sở ở Singapore - sẽ cộng tác trong các dự án công nghệ thuộc các lĩnh vực như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Grab cũng sẽ sử dụng một số sản phẩm của Microsoft, bao gồm dịch vụ điện toán đám mây Azure, đồng thời phát triển một số dự án phần mềm như dịch thuật thời gian thực và nhận dạng khuôn mặt, giúp hành khách và người lái xe nhận ra nhau.

Ngoài ra, Grab cũng sử dụng phân tích dữ liệu của Microsoft nhằm phát hiện gian lận, hoàn thiện thuật toán và ứng dụng công nghệ để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Hành khách cũng sẽ có thể đặt vé trực tiếp thông qua ứng dụng Microsoft Outlook. "Microsoft phù hợp với điều này bởi toàn bộ nền tảng AI/"machine learning" mà Microsoft đã phát triển sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện hơn", Ming Maa, chủ tịch Grab nói.

"Chúng tôi hứng thú với các công ty đến từ Đông Nam Á", bà Peggy Johnson, Phó chủ tịch điều hành của Microsoft, nói với CNBC. "Thật thú vị khi chứng kiến những gì họ đã làm được với công nghệ, cách mà họ ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề cho khách hàng".

Trước Grab, Microsoft từng có lịch sử đầu tư và hợp tác với các dịch vụ bắt xe tại nhiều thị trường trên thế giới. Công ty đã đầu tư vào Uber năm 2015 và 2017. Họ cũng đang bắt đầu làm việc với dịch vụ Ola của Ấn Độ để xây dựng nền tảng xe hơi kết nối và giải trí thông qua điện toán đám mây Azure.

Grab đón nhận khoản đầu tư bất ngờ từ Microsoft, mở ra nhiều dịch vụ, tính năng độc đáo trong tương lai.

Cách đây ít hôm theo báo cáo từ Reuters, công ty SoftBank của Nhật Bản cũng quyết định sẽ đầu tư khoảng 500 triệu USD vào Grab. Như vậy, các khoản đầu tư liên tiếp từ Microsoft và SoftBank sẽ nâng tổng giá trị của Grab lên gần mức 12 tỷ đô la.

Từ đầu năm 2018, Grab đã huy động được 2 tỷ USD từ tập đoàn Toyota và một số quỹ tài chính, trong đó có quỹ đầu tư Vulcan Capital của nhà đồng sáng lập Microsoft Paul Allen.

Sau 6 năm hoạt hộng, Grab hiện đã có mặt tại 235 thành phố của 8 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Sau khi chính thức dẫn đầu thị trường gọi xe ở Đông Nam Á sau thương vụ thâu tóm hoạt động của Uber tại khu vực này vào đầu năm nay, Grab đang mở rộng và có tham vọng lớn với các mảng giao nhận hàng, giao đồ ăn, chuyển tiền điện tử và thanh toán di dộng.

Đối thủ lớn nhất của Grab hiện nay là Go-Jek cũng được cho là đang huy động thêm ít nhất 2 tỷ USD để mở rộng hoạt động ra các thị trường mới.

Vũ Anh (TH)

Pháp luật Net

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/thi-truong/grab-se-thay-doi-lon-khi-don-nhan-khoan-dau-tu-bat-ngo-tu-microsoft