Grab sẽ mở rộng đầu tư vào Việt Nam?

Theo Reuters, vài tuần sau khi công bố kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào Indonesia, Việt Nam sẽ là thị trường tiếp theo mà Grab muốn mở rộng đầu tư.

Ảnh minh họa.

Mặc dù con số cụ thể cho khoản đầu tư vào thị trường Việt Nam của Grab chưa được công bố chi tiết nhưng có thể giá trị sẽ khoảng vài trăm triệu USD.

Trả lời với Reuters, Chủ tịch Grab, ông Ming Maa cho biết: “Chúng tôi rất háo hức về thị trường Việt Nam. Tại đây có những đặc điểm giống với thị trường Indonesia”.

Điểm giống nhau ở đây được xác định chính là nhóm người dùng trẻ tuổi. Họ là những người trung lưu, chiếm tỷ lệ lớn trong dân số và nhóm khách hàng này chấp nhận việc sử dụng Internet và các ứng dụng để truy cập các dịch vụ mới.

Hiện nay, Việt Nam đang ở vị trí thứ ba trong số các thị trường hàng đầu của Grab.

Việc đầu tư mạnh vào các thị trường ngoài Singapore bắt đầu được thực hiện từ sau khi Grab có thêm nhà đầu tư chiến lược từ Nhật Bản là Softbank và ngân hàng đầu tư Goldman Sachs.

Năm 2018, Grab đã công bố hợp tác với công ty fintech Moca để cung cấp dịch vụ ví điện tử tại Việt Nam. Còn ở Đông Nam Á, họ đã tham gia liên doanh với công ty Credit Saison và một công ty thẻ tín dụng ở Nhật Bản để cung cấp các khoản vay cho khách hàng cá nhân.

Theo lãnh đạo công ty này, việc tham gia cung cấp dịch vụ tài chính đã giúp họ có thể phân tích cả khách hàng và lái xe của họ tốt hơn. Và từ những kết quả này họ có thể mang tới cho khách hàng các sản phẩm tài chính cụ thể như bảo hiểm, tín dụng và cao cấp nhất là dịch vụ quản lý tài sản.

Mối quan tâm trong ngắn hạn của Grab hiện nay là làm sao họ được cấp giấy phép ngân hàng số tại Singapore. Nước này dự kiến sẽ cấp giấy phép cho tối đa 5 ngân hàng trong năm nay và sẽ có văn bản hướng dẫn trong vài tuần nữa.

So với ngân hàng truyền thống, ngân hàng số cho phép cung cấp tới người dùng những dịch vụ tương tự ngân hàng bình thường nhưng chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Tại châu Á, những tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng đang có sự quan tâm tới loại hình ngân hàng này và cách để thâm nhập thị trường là tận dụng công nghệ và cơ sở dữ liệu người dùng, từ đó cung cấp dịch vụ ngân hàng cho khách hàng là những người tiêu dùng bình thường và doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Hiện trong khu vực, Grab đang là startup được coi là có quy mô lớn nhất khi được định giá tới 14 tỷ USD. Còn ở Việt Nam, dịch vụ này đang phải chịu sự cạnh tranh của cả đối thủ quốc tế là GoJek và cả đối thủ nội địa như Be, FastGo.

Taxi truyền thống lo sợ bị “khai tử”

Grab khẳng định đã đóng thuế gần 1.000 tỷ đồng

Sau một năm, GoViet làm được gì tại thị trường Việt Nam?

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/cong-nghe/grab-se-mo-rong-dau-tu-vao-viet-nam-3518323.html