Grab phản ứng thế nào về quy định 'phải gắn hộp đèn trên nóc xe'?

Dự thảo mới nhất của Bộ GTVT có nội dung: xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử để vận chuyển hành khách phải có hộp đèn với chữ 'Xe hợp đồng' gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 12 x 30 cm. Grab cho rằng việc này là không cần thiết và đề xuất bỏ quy định này.

Grab: Không cần thiết gắn hộp đèn trên nóc xe

Công ty TNHH Grab Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT chỉ ra những bất cập tại dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về Kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.

Tại khoản 2 điều 3 của dự thảo trên quy định: Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải" để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Grab cho rằng, xe hợp đồng phải gắn mào như taxi là không cần thiết.

Grab cho rằng, xe hợp đồng phải gắn mào như taxi là không cần thiết.

Tuy nhiên, Grab cho rằng, hai khái niệm trên sẽ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình thực thi, dẫn đến việc bất bình đẳng trong việc thực thi các quy định của pháp luật.

Theo Grab, hoạt động kinh doanh vận tải bao gồm nhiều công đoạn. Việc chỉ đưa ra hai công đoạn nói trên vào định nghĩa kinh doanh vận tải mà bỏ qua những công đoạn cốt lõi như: sử dụng và quản lý ô tô, thuê và quản lý người lái xe, điều khiển phương tiện... là không hợp lý.

Từ phân tích trên, Grab đề xuất, cần quy định rõ ràng các khái niệm "trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe" hoặc "quyết định giá cước vận tải"; đồng thời bổ sung các công đoạn cốt lõi, đặc trưng của kinh doanh vận tải vào khái niệm "kinh doanh vận tải bằng xe ô tô".

Một nội dung nữa trong dự thảo của Bộ GTVT tại khoản c điều 7 quy định: xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm.

Việc quy định gắn hộp đèn như trên theo Grab là không cần thiết vì: Nếu nhằm mục đích nhận diện xe kinh doanh cho cơ quan chức năng, thì tất cả các phương tiện đều đã được niêm yết phù hiệu "xe taxi" hoặc "xe hợp đồng" trên kính trước của xe như quy định của pháp luật; Nếu nhằm mục đích nhận diện cho khách hàng thì cũng không cần thiết, vì thông tin của xe, lái xe số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối. Bên cạnh đó, các xe này cũng không phục vụ, không đón khách vãng lai trên đường như đối với xe taxi bằng hình thức vẫy. Điều này sẽ tăng kinh phí cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Từ đó, Grab đề xuất bỏ yêu cầu bắt buộc phải gắn hộp đèn trên nóc xe.

"Grab là dịch vụ vận tải"

Liên quan đến nội dung trên, trước đó, tại cuộc tọa đàm “Kinh tế chia sẻ, mô hình gọi xe công nghệ và những vướng mắc cần tháo gỡ", ông Bùi Thanh Tùng – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng đã đưa ra quan điểm: Grab cho rằng họ chỉ làm việc dịch vụ kết nối, nhưng thực tế Grab không chỉ kết nối mà còn làm rất nhiều các công việc khác giống như các nhà kinh doanh vận tải. Ví dụ, Grab có lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe và tiếp nhận thông tin của khách. Grab thực hiện cung cấp thông tin hai chiều giữa lái xe và khách hàng, họ điều động xe, quyết định hành trình của xe và quyết định giá cước. Ngoài ra, Grab cũng làm việc chăm sóc và giải quyết những phản hồi của khách.

Ông Bùi Thanh Tùng – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng.

“Như vậy, Grab không chỉ làm mỗi việc kết nối ứng dụng dịch vụ công nghệ. Ở Liên minh châu Âu, New Zealand, Indonesia và Philippines đều định danh Grab là dịch vụ vận tải” – ông Tùng cho biết.

GS.TS Từ Sĩ Sùa – nguyên Trưởng bộ môn vận tải đường bộ và thành phố (ĐH GTVT).

Cũng tại cuộc tọa đàm trên, GS.TS Từ Sĩ Sùa - nguyên Trưởng bộ môn vận tải đường bộ và thành phố (ĐH GTVT) cho rằng: “Phải phát triển bền vững taxi công nghệ và taxi truyền thống. Cho nên, môi trường kinh doanh cần thiết phải có 2 vấn đề: Nhận diện thương hiệu, bất kỳ dịch vụ nào cung cấp ra thị trường phải có xuất xứ và bộ phận kiểm soát phải kiểm soát được. Ví dụ tuyến đường này cấm taxi, nhưng xe nào có mào thì biết, còn xe không mào như Grab thì không biết được. Như thế là không công bằng về lộ trình và hành trình, do đó, phải có nhận diện thương hiệu rõ ràng. Vấn đề thứ 2 là kiểm soát với người lái, taxi truyền thống vấn đề này quá chặt chẽ quá khắt khe, có cần thiết không, cho nên cần phải “cởi trói” bớt cho taxi truyền thống”.

Dự thảo mới nhất của Bộ GTVT qui định, xe taxi chia làm 2 loại: Xe taxi sử dụng đồng hồ tính tiền, trên xe phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì, phải có thiết bị in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền kết nối với đồng hồ tính tiền trên xe; lái xe phải in hóa đơn hoặc phiếu thu tiền và trả cho hành khách khi kết thúc hành trình.

Xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi (sau đây gọi là phần mềm tính tiền): Trên xe phải có thiết bị kết nối trực tiếp với hành khách để đặt xe, hủy chuyến; Tiền cước chuyến đi được tính theo quãng đường xác định trên bản đồ số;...

Cả 2 loại taxi trên đều phải có phù hiệu “Taxi” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “Taxi” gắn cố định trước nóc xe, kích thước tối thiểu 15x30 cm.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định, trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử phải có hộp đèn với chữ “Xe hợp đồng” gắn cố định trên nóc xe, kích thước hộp đèn tối thiểu 12 x 30 cm;...

Đối chiếu quy định trong dự thảo này thì các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như Go Viet, Grab,… đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải. Nếu các doanh nghiệp này hoạt động như taxi sẽ áp dụng quy định như taxi, còn nếu hoạt động như xe hợp đồng sẽ phải áp dụng quy định như vậy. Dù ở trường hợp nào, các xe này đều phải gắn mào khi hoạt động.

Theo Dân trí

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/grab-phan-ung-the-nao-ve-quy-dinh-phai-gan-hop-den-tren-noc-xe-536180.html