Grab nói không gây thiệt hại cho Vinasun

Grab khẳng định: 'Thiệt hại của Vinasun không hề do Grab gây ra mà do Viansun không chuyển mình để hội nhập'.

Hôm nay, 22-10, HĐXX TAND TP.HCM do thẩm phán Lê Công Toại làm chủ tọa tiếp tục ngày xét xử thứ tư vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).

HĐXX đã quay lại phần hỏi. Các câu hỏi xoay quanh việc ai quyết định việc tăng-giảm giá cước, ai quản lý thưởng-phạt tài xế.

Trước khi đặt câu hỏi, chủ tọa phiên tòa nói: "Tòa sẽ hỏi một số câu để xác định chứ không phải tòa chưa biết chứng cứ".

Chủ tọa hỏi: "Giá cước taxi khi có thay đổi phải được Sở Tài chính đồng ý và được kiểm soát qua đồng hồ cước được cơ quan nhà nước lập trình và được niêm chì?".

Grab cho biết giá cước do doanh nghiệp, HTX quyết định. Grab có thực hiện thông báo đến HTX. Về mức giá thì HTX đề xuất. Đây là do lập trình thuật toán có sẵn. Các thuật toán dự đoán tất cả yếu tố phát sinh, chương trình dựa trên trí tuệ nhân tạo.

Chủ tọa hỏi: "Căn cứ vào đâu Grab thay đổi chiết khấu cho đối tác là tài xế?".

Grab trả lời: "Dựa trên hợp đồng hợp tác kinh doanh, dựa trên thỏa thuận của các bên để làm cơ sở tăng hoặc giảm".

Chủ tọa lại đặt câu hỏi: "Vậy sao đối tác tài xế không biết?".

Grab trả lời rằng không làm việc trực tiếp với tài xế mà thông qua HTX.

Chủ tọa hỏi: “Chi phí kết nối có liên quan đến đoạn đường di chuyển hay không? Chi phí kết nối của cuốc xe 5 km và cuốc xe 10 km có giống nhau không? Cùng điều kiện như nhau thì chi phí kết nối có phụ thuộc vào quãng đường hay không?".

Grab cho rằng chi phí kết nối này rất đặc thù và không giống nhau vì tín hiệu truyền đi không thể giống nhau. Bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó tùy từng thời điểm, thời gian... Do đó không thể xác định cụ thể chi phí kết nối. Trước giải thích này của Grab, chủ tọa cho rằng trả lời chưa sát với câu hỏi.

Grab trả lời thêm rằng chi phí kết nối rất khác nhau trong lĩnh vực công nghệ như dữ liệu người dùng tăng lên... Do đó hệ thống vận hành nhiều hơn.

Chủ tọa lại hỏi: "Điều kiện đăng ký chạy Grab?".

Grab trả lời: "Trước tiên tài xế làm việc với bên vận tải theo Nghị định 86/2014 của Bộ GTVT. Sau đó, tài xế cung cấp các giấy tờ và ký hợp đồng với HTX để đăng ký hoạt động tại tỉnh, thành mà họ chọn. Cùng với đó, tài xế cung cấp thêm một số thông tin cá nhân, lý lịch tư pháp, sức khỏe và chứng minh sở hữu xe. Tất cả tài liệu này đã đủ thì Grab đào tạo sử dụng tài khoản".

Chủ tọa cho biết tòa đã triệu tập nhiều đơn vị hợp tác với Grab và những đơn vị này đều xác định họ chỉ cung cấp cho tài xế phù hiệu “Xe hợp đồng”, còn việc tài xế quan hệ hợp tác với Grab là việc của tài xế. Các HTX này không quản lý tài xế vì các quan hệ hợp tác giữa tài xế và Grab không nằm trong sự kiểm soát của HTX.

Grab phản bác rằng Grab chỉ hỗ trợ chứ không quản lý tài xế.

Chủ tọa hỏi: "Ai quản lý tài xế?".

Grab cho biết các HTX kinh doanh vận tải quản lý và xử lý tài xế.

Chủ tọa hỏi: "Grab không quản lý, HTX cũng không quản lý. Vậy ai quản lý tài xế? Qua làm việc với các HTX thì các HTX đều cho rằng không quản lý tài xế Grab". Grab cho rằng tòa lấy lời khai chỉ là 9/300 HTX mà Grab hợp tác. Nên mong HĐXX cân nhắc lại việc này.

HĐXX quay lại phần hỏi.

Đại diện Grab trả lời các câu hỏi của HĐXX.

Chủ tọa tiếp tục hỏi: "Ai quản lý tài xế?".

Grab trả lời rằng HTX có quyền quản lý tài xế, Grab sẽ trợ giúp HTX trong việc quản lý tài xế. Grab đã giải thích cụ thể mô hình hoạt động của Grab. Thông qua công nghệ, Grab hỗ trợ HTX quản lý, kết nối các tài xế.

Chủ tọa cho biết việc xác định ai quản lý tài xế nhằm xác định trách nhiệm dân sự nhưng Grab không trả lời đúng nội dung và nội dung cũng như bản chất hành vi “hỗ trợ” hoàn toàn khác với hành vi “thưởng-phạt tài xế”. Chủ tọa tiếp tục kết luận Grab không trả lời câu hỏi của tòa.

Về đóng thuế thì Grab dựa trên hệ thống thống kê nguồn doanh thu. Nghĩa vụ thuế là công bằng cho các loại hình kinh doanh nên không thất thu thuế cho Nhà nước.

Chủ tọa hỏi: "Cùng một lĩnh vực kinh doanh mà vượt trội công ty này thì công ty khác có bị ảnh hưởng không?".

Grab trả lời rằng theo học thuyết kinh tế học thì việc ảnh hưởng là có.

Chủ tọa lại hỏi: "Sụt giảm lợi nhuận của Vinasun là bao nhiêu Grab có biết không?".

Grab khẳng định: "Thiệt hại của Vinasun không hề do Grab gây ra mà do Viansun không chuyển mình để hội nhập".

Chủ tọa cho rằng Grab trả lời không đúng bản chất câu hỏi.

Cuối buổi chiều nay, phiên tòa kết thúc phần hỏi, bước vào phần tranh luận bổ sung.

Các bên đều cho biết không có gì để tranh luận thêm.

HĐXX mời tất cả nghỉ 15 phút.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/grab-noi-khong-gay-thiet-hai-cho-vinasun-798936.html