Grab lỗ nghìn tỷ, phủ nhận chuyển giá: Nghịch lý

Việc chuyển giá diễn ra ở nhiều khâu, ngay từ khâu đầu tư, cấp phép đầu tư, đưa máy móc, dịch vụ vào giá thấp báo giá cao...

Phủ nhận chuyển giá

Có mặt tại Việt Nam từ tháng 2/2014, theo báo cáo tài chính của Grab, tổng doanh thu 3 năm 2014-2016 là 1.755 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế xác nhận, Grab Việt Nam hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ thuế trong 3 năm 2014-2015-2016.

10 tháng năm 2017, Grab nộp Ngân sách Nhà nước tổng cộng 142,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau ba năm hoạt động tại Việt Nam, Grab cũng đã lỗ 938 tỷ đồng, ông Đặng Duy Khanh, Phó vụ trưởng Thanh tra, Tổng cục Thuế tiết lộ.

Lý giải về con số lỗ này, đại diện Grab cho hay, doanh thu của công ty là phí kết nối cuốc xe tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng cước phí dịch vụ vận tải trong khoảng từ 0-25%.

Grab lỗ nghìn tỷ, phủ nhận chuyển giá

"Trong giai đoạn những năm đầu tiên kinh doanh, doanh thu của Grab được tạo ra trong giai đoạn phát triển ban đầu này chủ yếu được sử dụng để tái đầu tư vào hoạt động của công ty, tăng giá trị thương hiệu và nhận thức về thương hiệu; nghiên cứu phát triển", đại diện công ty này khẳng định.

Trả lời câu hỏi, có hay không việc Grab chuyển 3.600 tỷ đồng ra nước ngoài như tố cáo của Hiệp hội Taxi Hà Nội?

Đại diện Grab khẳng định thông tin này hoàn toàn không có cơ sở.

"Ngoài việc tuân thủ chính sách thuế, Grab còn chịu sự giám sát của các ngân hàng thương mại Việt Nam mà Grab mở tài khoản. Việc giao dịch của chúng tôi tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động thương mại, quản lý ngoại hối", đại diện Grab nói với báo chí.

Thực trạng

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội hồi tháng 10/2017, rất nhiều ĐBQH đưa ra ý kiến về tình trạng chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia và giải pháp cho nguồn thu bền vững của ngân sách.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh: ''Hiện tại đang diễn ra nghịch lý là các doanh nghiệp FDI càng lỗ thì càng mở rộng sản xuất.

Thống kê trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2015 cho thấy, khối doanh nghiệp FDI xuất hiện đến 46% danh sách, nhưng số tiền thuế nộp lại chỉ chiếm 37% và đang có xu hướng giảm dần''.

Theo ông Nhân, 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào. Do đó, lợi nhuận từ con số này là vô cùng thấp.

Trích dẫn số liệu từ Oxfarm, ông Nhân nói mỗi năm các quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam thất thu 170 tỷ USD do chuyển giá.

''Dù có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó cũng không đáng là bao, thậm chí là bằng 0 khi bị báo cáo lỗ. 80% còn lại dĩ nhiên sẽ được các doanh nghiệp FDI chuyển về chính quốc.

Số 20% thu được từ đây cùng các khoản thu khác đang phải gồng gánh cho gần 70% chi thường xuyên của ngân sách. Con số ít ỏi còn lại không đủ chi cho đầu tư và trả nợ'', đại biểu Nhân bình luận.

Ngoài ra, ĐBQH tỉnh Bình Dương còn đề cập đến một trong những mục tiêu thu hút FDI là để hấp thụ và nhận chuyển giao công nghệ.

Tuy nhiên, theo thống kê thì 80% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hiện đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, chỉ có 5 - 6% là sử dụng công nghệ cao. Dù vậy, các công đoạn thực hiện ở Việt Nam chủ yếu là khâu lắp ráp.

Điều đó khiến xếp hạng hiệu quả chuyển giao công nghệ của Việt Nam từ vị trí thứ 57 trên toàn cầu tụt xuống thứ 103 vào năm 2014, giảm 46 bậc sau 5 năm. Vị trí này thấp hơn nhiều so với Malaysia ở thứ 13, Thái Lan thứ 36, Indonexia thứ 39 và Campuchia thứ 44.

''Trong khi doanh nghiệp FDI được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi như: miễn giảm thuế có thời hạn, cho phép chuyển lỗ, hoàn thuế để tái đầu tư... Thì chúng ta lại khắt khe với chính người nhà của mình, người đồng cam cộng khổ và có nhiều đóng góp cho kinh tế đất nước.

Đó là khi Viettel vỡ mộng vì bị Bộ Tài chính thẳng thừng bác việc xin ưu đãi thuế giống Samsung, hay như khoản đầu tư 500 tỷ để phát triển công nghệ của gốm sứ Minh Long không được đáp ứng chỉ vì thiếu vài thủ tục hành chính...'', ông Nhân dẫn chứng.

Giải pháp

Ông Nhân nói, ông ủng hộ Chính phủ với việc không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải có chọn lọc, các lĩnh vực, các ngành có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, có sẵn chuỗi liên kết và sẵn sàng kết nối với doanh nghiệp Việt Nam.

Đề cập tới thực trạng chuyển giá tại các doanh nghiệp FDI, tháng 11/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết:

Năm 2016, các cơ quan thuế đã tiến hành kiểm tra, thanh tra hơn 1000 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), truy thu, giảm lỗ hàng nghìn tỷ đồng. 9 tháng năm 2017, kiểm tra gần 1.300 DN FDI, truy thu hơn 3.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo, tính đến nay vốn FDI thu hút được khoảng 300 tỷ USD, với nhiều chính sách ưu đãi vào lĩnh vực ưu tiên. Từ năm 1995, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn ngăn chặn thực hiện việc chuyển giá.

Việc chuyển giá diễn ra ở nhiều khâu, ngay từ khâu đầu tư, cấp phép đầu tư, đưa máy móc vào giá thấp báo giá cao, sau này khấu hao cũng là chuyển giá. Trong quá trình sản xuất cũng gian lận theo cách đầu ra kê khai rẻ, còn đầu vào kê khai cao.

Vì thế, cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành để ngăn chặn chuyển giá.

Ngọc Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/grab-lo-nghin-ty-phu-nhan-chuyen-gia-nghich-ly-3352710/