Grab gửi thư 'cầu cứu' Thủ tướng Chính phủ

Ngày 25/10, Công ty TNHH Grab đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ một số ý liên quan tới Dự thảo Nghị định về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô để thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ('Dự thảo' hoặc 'dự thảo Nghị định') của Bộ Giao thông vận tải.

Grab gửi thư 'cầu cứu' tới Thủ tướng Chính phủ.

Đi ngược với chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ

Theo văn bản này, phía Grab bày tỏ quan ngại với những nội dung và quy định trong Dự thảo mới nhất mà Bộ Giao thông vận tải vừa trình lên Chính phủ.

Cụ thể, Điều 3.7 quy định: “Hợp đồng vận tải điện tử chỉ áp dụng đối với xe ô tô có sức chứa từ 09 chỗ (bao gồm cả người lái xe) trở lên”; Điều 3.2 quy định: “Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.

Đại diện Grab cho rằng quy định trên có nghĩa là xe ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở xuống sẽ không được áp dụng hợp đồng vận tải điện tử, và tất cả các đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải.

Grab nhận định những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ (“KHCN”) và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Grab dẫn văn bản số 1066/TTg-CN ngày 20/7/2017 trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc về Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử, Thủ tướng đã chỉ đạo và nhấn mạnh rằng: “Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP, trong đó bổ sung quy định quản lý phù hợp đối với xe hợp đồng và xe taxi, quản lý và áp dụng hợp đồng điện tử, kết nối quản lý thuế…”.

“Thế nhưng Dự thảo Nghị định mới nhất lại hoàn toàn đi ngược lại chỉ đạo trên của Thủ tướng Chình phủ”, đại diện Grab nói.

Tạo hệ lụy xấu trong tương lai

Đại diện của Grab cho rằng hiện nhiều thông tin cho rằng Grab và các ứng dụng kết nối khác đang cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống. "Tuy nhiên, khi nhận thấy lợi ích của việc ứng dụng công nghệ trong kinh doanh, rất nhiều doanh nghiệp taxi đã thức thời và hiện đang hợp tác rất tốt với chúng tôi”, Grab cho hay.

Điều đáng buồn, theo Grab, là vẫn còn những doanh nghiệp taxi truyền thống lo sợ sự đổi mới, sợ mất vị thế thống lĩnh, sợ cạnh tranh. Từ việc gửi đơn thư cầu cứu khắp nơi, tuyên truyền thông tin sai lệch, gièm pha về Grab và các đối tác (mặc cho chúng tôi đã ra sức cải chính), dán băng rôn khẩu hiệu trên xe, kiện tụng đòi bồi thường với lý do mất thị phần,…

Tại Dự thảo lần này, Grab cho rằng quan điểm định danh xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử là xe taxi, và định danh đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử là công ty taxi chính là đề xuất của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống để đồng hóa, hạn chế sự cải tiến kinh doanh của loại hình khác, doanh nghiệp khác.

Cuối cùng, Grab nhấn mạnh rằng việc thông qua Dự thảo lần này là chiều theo ý muốn chủ quan của một số đơn vị taxi truyền thống mà bỏ qua những ích lợi và sự tiến bộ quan trọng đối với xã hội và nền kinh tế, sẽ thực sự là bước lùi, là cái cúi đầu của Chính phủ Việt Nam trước “những người công nhân giận dữ đòi đập phá máy móc” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành vận tải.

Grab cảnh báo điều này sẽ trở thành một tiền lệ xấu đối với toàn bộ hệ thống pháp luật của Việt Nam.

Xem thêm: Bộ Giao thông vận tải coi xe hợp đồng điện tử như Grab là 'dịch vụ taxi'

Lê Ngà

Nguồn Vietnam Finance: http://vietnamfinance.vn/grab-gui-thu-cau-cuu-thu-tuong-chinh-phu-20180504224215039.htm