Grab gây tranh cãi khi áp dụng phạt khách hàng hủy chuyến

Chính sách phạt 10.000 đồng/chuyến đối với khách hàng hủy chuyến khi đặt Grab nhận được không ít ý kiến trái chiều

Grab Việt Nam vừa ra thông báo về chính sách hủy chuyến đối với khách hàng với mức phạt 10.000 đồng/chuyến.

Cụ thể: Khi hủy từ 6 chuyến trở lên trong vòng 7 ngày, khách hàng sẽ nhận được yêu cầu liên kết thẻ tín dụng với GrabPay để tiếp tục sử dụng dịch vụ. Kể từ lần hủy chuyến tiếp theo (trong vòng 7 ngày), tiền phạt tự động trừ vào tài khoản GrabPay/GrabPay Credits của người dùng. Hiện tại, điều khoản áp dụng cho các loại hình gồm GrabCar, GrabTaxi và GrabBike.

Chính sách được đưa ra đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ chính giới tài xế. Một lái xe Grab ở quận 1, TP.HCM bày tỏ thái độ vui mừng vì chính sách mới của Grab. Anh dẫn chứng việc Uber từng có hình thức phạt tương tự ngay từ khi ứng dụng có mặt tại Việt Nam. Do vậy, cách cư xử của khách hàng cũng “văn minh” hơn.

Thậm chí, nhiều tài xế còn cho rằng: Công ty nên áp dụng chính sách với mọi lần đặt chuyến, chứ không nên chờ người dùng hủy hơn 6 chuyến/tuần bởi rất ít khách gọi xe 6,7 lần/tuần. Như vậy, họ vẫn có thể thoải mái hủy chuyến, miễn là trong phạm vi cho phép. Một số khác cho rằng: Grab chỉ nên “tha” cho khách hàng 1 lần/tuần. Nghĩa là từ lần hủy thứ 2 trở đi, người dùng sẽ bị trừ tiền trong tài khoản.

Theo ý kiến của một lái xe ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), chính sách phạt của Grab thực chất không vì lợi ích của tài xế. Anh cho rằng: Grab làm vậy để ngăn chặn hiện tượng tài xế “nhờ” khách hủy các chuyến đi xa. Còn về phía khách hàng, chắc chắn không ai “vui vẻ” trước thông tin bất lợi này.

Trong thời gian qua, Grab đã không ít lần gây “mất lòng”, đặc biệt kể từ khi hãng mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Sau sự kiện Grab-Uber “về chung một nhà”, nhiều khách hàng phản ánh việc Grab tăng giá cước hay tài xế hủy chuyến vô tội vạ.

Ngày 18/5, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) ra quyết định điều tra chính thức thương vụ sáp nhập có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh 2004 do thị phần kết hợp của hai bên vượt quá 50%. Thời hạn điều tra 180 ngày kể từ ngày có quyết định. Nếu cần thiết có thể gia hạn nhưng không quá 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày.

Theo đó, Grab có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu năm tài chính 2017, bên cạnh những hình phạt bổ sung như thu hồi giấy chứng nhận kinh doanh hay yêu cầu chia tách doanh nghiệp sáp nhập, bán lại phần doanh nghiệp đã mua...

An Nhiên

Nguồn Ôtô Xe Máy: http://www.otoxemay.vn/tin-moi/grab-gay-tranh-cai-khi-ap-dung-phat-khach-hang-huy-chuyen