Grab báo lỗ để trốn thuế?

Từ việc Grab báo lỗ 938 tỷ đồng, vấn đề chuyển giá, trốn thuế lại làm 'nóng' kỳ họp quốc hội.

Theo ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), vấn đề Grab có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, nhưng sau 3 năm báo lỗ 938 tỷ đồng là rất bất thường. Báo lỗ như vậy cũng có thể coi là trốn thuế? - ĐB Hòa đặt vấn đề.

Cả Grab và Uber đều đã bị truy thu thuế. Ảnh: S.T

Thuế “nắm đằng chuôi”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật quản lý thuế đang được hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền. Trong thời gian qua, Uber, Grab đã tự động kê khai doanh thu, kê khai thuế. Trong quá trình thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện và truy thu thuế của hai đơn vị này.

Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), chúng ta đều nhìn thấy dịch vụ của Uber hay Grap có rất nhiều ưu việt. Hiệu quả và hiệu ứng đã trông thấy rất rõ. Chính phủ cũng đánh giá rất cao việc ứng dụng công nghệ và mang lại tiện ích cho người sử dụng.

Nhưng theo ông Quốc, bây giờ mới bộc lộ rõ nguồn thu và nghĩa vụ của các hãng sử dụng công nghệ cao này đối với nhà nước là chưa nhiều. Rõ ràng đây là bài học “ứng xử” sao cho phù hợp, tức là vừa phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời vẫn đảm bảo được nguồn thu.

Tại phiên giải trình tại Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng có nói về việc chuyển giá đang rất phức tạp, vậy có hay không vấn đề chuyển giá khi một công ty có vốn 20 tỷ đồng, tuy nhiên lại báo lỗ đến gần 938 tỷ đồng? Chia sẻ câu chuyện này, ông Quốc cho biết, việc báo lỗ này rất dễ hiểu, có thể chính phần lỗ đó lẽ ra phải nộp cho nhà nước thì họ lại đem đi khuyến mại cho khách hàng.

Ngoài ra, chúng ta phải thấy 2 vấn đề. Thứ nhất, chủ của Uber hay Grap thì ở nước ngoài và họ cứ “chằn chặn” bỏ túi trên dưới 20% lợi nhuận. Thứ hai, một khi xảy ra “đổ vỡ” thì họ vô can, tất cả hậu quả để lại cho chúng ta tự trang trải với nhau.

Nhưng nhìn về tương lai gần sẽ như thế nào khi chủ thì ở nước ngoài, còn chúng ta tự biến vấn đề này thành vấn nạn và tự giải quyết với nhau. Ông Quốc nhìn nhận, chúng ta hoàn toàn đang nắm “đằng chuôi” trong lĩnh vực này, từ đây rất có thể còn dẫn đến những hậu họa khác.

Cần thay đổi phương thức kiểm soát thuế

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, đây là vấn đề chính đặt ra cho ngành tài chính trong thời gian tới, đó là phải thay đổi phương thức kiểm soát thuế, không chỉ dựa vào hóa đơn chứng từ, hay đến điều tra rồi đưa ra mức thuế khoán. Bởi vì, trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh hiện nay có nhiều doanh nghiệp không ở trong lãnh thổ Việt Nam nhưng vẫn có thể tiến hành kinh doanh. Vậy phải làm thế nào để kiểm soát được mới là điều cốt lõi.

Tại một cuộc họp báo mới đây, ông Đặng Duy Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, cơ quan thuế đã hoàn thành kết luận thanh tra hoạt động chấp hành nghĩa vụ thuế của Grab và Uber.

Theo đó, Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2/2014, có vốn pháp định 20 tỷ đồng nhưng hiện tại đã lỗ lũy kế hơn 938 tỷ đồng. Số liệu báo cáo của Grab cho biết tổng doanh thu trong 3 năm từ 2014 đến 2016 là 1.755 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thuế đơn vị này đã kê khai nộp chỉ là 9,5 tỷ đồng. Qua thanh tra, Cục thuế TP.HCM đã xử lý thêm gần 3 tỷ đồng, trong đó có 2,3 tỷ đồng là truy thu thuế.

Đối với Uber, Cục thuế TP.HCM báo cáo tổng doanh thu của Uber từ năm 2014 đến hết tháng 6 năm nay đạt 2.706 tỷ đồng, số thuế công ty này đã nộp là gần 77 tỷ đồng. Quá trình thanh tra, cơ quan thuế đã xử lý tăng thu 66 tỷ đồng.

Nguyễn Việt

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/grab-bao-lo-de-tron-thue-120596.html