Gotha, nơi nước Việt lần đầu 'ra mắt' công chúng Đức

Trong hành trình lần theo dấu vết của cuốn sách Lịch sử tự nhiên và phong tục Đàng Ngoài, nhiều lần tôi đã đến Gotha, một thành phố nhỏ, cổ xưa ở miền Trung nước Đức.

Lâu đài Đá hòa bình – trái tim của Gotha

Giữa tiết cuối thu nhuộm đỏ vàng các vòm cây, lá rơi từng đợt như trút khiến tòa lâu đài Friedenstein (Đá hòa bình) hiện ra càng đồ sộ hơn. Lâu đài này là một điểm son chính của thành phố.

Con dốc thoai thoải dẫn vào khuôn viên phía trước lâu đài từ rừng cây cổ thụ rộng lớn như hút trọn bước chân của tôi. Mọi suy nghĩ của tôi lập tức liên tưởng đến truyện cổ tích Công chúa ngủ trong rừng. Không gian xanh bao bọc lâu đài chính là Vườn nước Anh, khu vườn cổ xưa nhất theo phong cách này bên ngoài nước Anh.

Bưu ảnh cổ về lâu đài.

Bưu ảnh cổ về lâu đài.

Đá hòa bình Lâu đài được khởi công xây dựng vào năm 1643 bởi công tước Herzog Ernst I, người trị vì vùng Sachsen – Gotha – Altenburg. Đây là một trong những lâu đài lớn nhất của thời đại Barock sớm ở châu Âu. Qua mái vòm cao, một không gian khác mở ra, là nơi hội tụ các điển tích lịch sử, các giá trị văn hóa và vô vàn tác phẩm nghệ thuật có số phận thăng trầm theo lịch sử của nước Đức.

Một vòng tham quan bên trong lâu đài theo chiều kim đồng hồ là cách giới thiệu khá ấn tượng và khoa học.

Khác với lầu son gác tía với màu vàng ánh kim quyền lực của các vương triều châu Á, lâu đài Đá hòa bình có sắc màu tươi sáng, thiên về điêu khắc và hội họa. Một thế giới để trí tưởng tượng của những tâm hồn lãng mạn thỏa thuê hòa nhịp, không bị cảm giác uy quyền, xa hoa làm choáng ngợp.

Họa tiết điêu khắc trên trần lâu đài.

Trần nhà rộng lớn là những tác phẩm điêu khắc khổng lồ mang đậm tư tưởng chủ nghĩa lãng mạn. Những đôi nam nữ khỏa thân nửa thánh thiện như thiên thần, nửa như rực cháy, đam mê, lơ lửng ngay trên đầu khách viếng thăm. Quấn quýt quanh họ là không gian lá hoa thơ mộng.

Chưa nguôi ngoai xúc cảm với câu chuyện này, tôi đã bước sang một thế giới khác không kém phần thơ mộng và tuyệt vời: các tác phẩm điêu khắc trang trí liên hoàn trên trần nhà, xung quanh tường cùng những tác phẩm của nhiều danh họa lừng danh.

Sau Chiến tranh thế giới thứ II, có tới 80% tác phẩm ở đây bị chuyển về nước Nga. Trong những thập niên qua, sau nhiều cuộc thương lượng, phần lớn số tranh quý ấy đã được trở về lâu đài Đá hòa bình. Nay, những bức họa quý nhất trưng bày ở căn phòng được bảo vệ chắc chắn bằng hàng rào tia hồng ngoại.

Chiếc giường được chuẩn bị cho Hoàng đế Napoleon.

Một điều rất thú vị là trong thời gian đến Đức, hoàng đế Napoleon đã lưu lại một đêm ở lâu đài này. Chiếc giường trong căn phòng đặc biệt được chuẩn bị chu đáo cho ông, nhưng ông lại chọn ngủ ở chỗ khác. Tuy nhiên, ông ngủ ở phòng nào và trên chiếc giường nào thì cho đến nay, các nhà lịch sử học vẫn chưa tìm ra.

Ở phía tây lâu đài còn có một nhà hát quy mô. Đây là nhà hát đầu tiên ở Đức có đội ngũ diễn viên biểu diễn thường xuyên và nhận lương chính thức.

Trước khi rời lâu đài, tôi dừng lại ở phòng trưng bày thân thế, sự nghiệp và tác phẩm của các danh nhân Đức từng làm việc ở đây. Một trong số các nhân vật ấy là người 230 năm trước đã giới thiệu đến độc giả Đức về “nước Việt kỳ lạ ở nơi xa xôi trong thế kỷ XIII”.

Lần theo tài liệu xưa về nước Việt ở Gotha

Từ năm 1730 đến 1738, giáo sĩ người Pháp Saint-Phalle đến truyền giáo ở Tunkin (Đàng Ngoài). Sau khi ông mất, toàn bộ ghi chép tỉ mỉ của ông trong thời gian ở nước ta được một tu viện trưởng thuộc Hội Thừa sai Paris công bố qua cuốn sách Lịch sử tự nhiên, dân cư và chính trị Đàng Ngoài in tại Pháp năm 1778.

Gần như ngay lập tức, dịch giả Heinrich August Ottokar Reichard, người đang phụ trách điều hành thư viện trong lâu đài Đá hòa bình đã bắt tay vào việc chuyển ngữ sang tiếng Đức. Đúng một năm sau (1779), bản dịch tiếng Đức được phát hành.

Quyển sách được dịch tại Gotha về Đàng Ngoài ấn hành năm 1779 và quyển mới tái bản năm 2007.

Nguyên bản tiếng Pháp có quá nhiều trang về hoạt động truyền giáo. Tuy nhiên trong quá trình biên dịch, Reichard lược bỏ những chi tiết lặp lại quá nhiều ấy. Ông đặt cho cuốn sách tựa đề mới Lịch sử phong tục và tự nhiên của Đàng Ngoài. Sách có 230 trang, tập trung vào các thông báo về đất nước, phong cảnh, lịch sử, nghề nghiệp và phong tục tập quán của người dân Việt.

Khi cầm cuốn sách dịch nguyên bản cũ sờn hiếm hoi còn sót lại, tôi tự hỏi điều gì khiến Reichard chọn cuốn sách về Tunkin, bởi khi ấy đang là giữa thời kỳ bùng nổ loại sách du ký của các thương buôn, các nhà truyền giáo phương Tây về nhiều vùng đất mới xa xôi.

Miệt mài đọc về đất nước mình qua một dịch giả Đức, lần theo nhiều địa danh, sự kiện đã không còn tồn tại, cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định tái bản cuốn sách này với phần chú giải và minh họa chọn lọc bằng hơn 100 bưu ảnh cổ có liên quan mật thiết với mô tả của nhà truyền giáo người Pháp.

Căn nhà lúc sinh thời Reichard đã sống và dịch sách về Việt Nam.

Về nội dung sách, tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã nhận xét: “Phải thừa nhận cuốn sách hàm chứa cả những nội dung thông tin mang tính tình báo giúp cho các thế lực tôn giáo, kinh tế, chính trị và quân sự phương Tây nắm vững nội tình Bắc kỳ trước khi xâm nhập.

Nhưng đối với những người nghiên cứu lịch sử, cuốn sách đã cung cấp nhiều tư liệu quý giá mà thường ít được ghi chép trong các công trình chính sử phong kiến Việt Nam”.

Toàn cảnh lâu đài và khu trung tâm thành phố Gotha chụp từ trên không (Ảnh của Thomas Ritter).

Cánh cổng gỗ cao vút ở sân sau của lâu đài Đá hòa bình, nơi không những là trái tim của thành phố Gotha, mà còn lưu giữ một hành trình thú vị về Việt Nam xưa vừa khép lại. Trải dài trước tầm mắt của tôi là quần thể kiến trúc của khu trung tâm thành phố với những con đường đi bộ đông đúc…

Ở phố đi bộ gặp đồng hương

Đi hết con đường dốc trong khuôn viên lâu đài, tôi gặp ngay phố đi bộ và đặc biệt thích thú vì liên tục gặp đồng hương. Họ là chủ những cửa hàng quần áo, nhà hàng dọc theo các lối đi chính ở trung tâm.

Thành phố này cùng với hàng loạt thành phố vệ tinh xung quanh thủ phủ Erfurt của bang Thüringen ngày xưa là nơi tập trung rất đông công nhân Việt Nam sang Đông Đức hợp tác lao động. Khi nước Đức thống nhất, họ rời nhà máy ra lập cửa hàng, tiệm ăn và hòa nhập với xã hội Đức.

Du khách tham quan nhà hát chuyên nghiệp đầu tiên của nước Đức.

Đến Gotha, trong khi dạo chơi, nhất định du khách phải mua một xúc xích Thüringen. Thế giới hay nhắc đến xúc xích Đức, còn trong nước Đức, người ta lại luôn nói về xúc xích Thüringen. Với 2,5 euro là tôi có ngay một cây xúc xích tươi, nóng hổi vừa chín trên than hồng. Quét một đường mù tạt vàng dọc theo cây xúc xích mà nghe tiếng xèo xèo. Mùi mù tạt quyện lẫn mùi thịt nướng gia vị thơm ngào ngạt.

Hướng dẫn viên trong trang phục xưa cách đây 300 năm đưa du khách tham quan thành phố.

Thư thả dạo chơi trên các con phố lát đá đã mòn dấu thời gian, thỉnh thoảng dừng lại hỏi thăm một người đồng hương đúng lúc vắng khách, tôi thấy ở Gotha sao quá đỗi thanh bình.

Thanh Luyến

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/gotha-noi-nuoc-viet-lan-dau-ra-mat-cong-chung-duc-20833.html