Góp ý vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam: Làm rõ lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng

Hôm nay (20/7), tại Hải Phòng, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Tọa đàm về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN chủ trì Hội nghị.

Dự thảo Luật BPVN gồm 7 chương, 33 điều quy định về chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, lực lượng, phối hợp và hợp tác quốc tế; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Dự thảo Luật BPVN lần thứ 5 đã được điều chỉnh, bổ sung, chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân trong các lần hội thảo với tinh thần khách quan, khoa học, phản ánh đúng thực tiễn của nhiệm vụ công tác biên phòng Việt Nam.

Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban QPAN của Quốc hội, cho biết, hiện có 5 vấn đề trong dự thảo Luật BPVN còn những ý kiến trái chiều nên được đưa ra Hội nghị lấy ý kiến phản biện để tổng hợp, tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung.

5 vấn đề gồm: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật BPVN (Điều 1); Nhiệm vụ biên phòng (Điều 5) và khái niệm biên phòng (Điều 2); Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 7) và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng (Điều 9); Các quy định trong Chương 4 của dự thảo quy định về Lực lượng bộ đội biên phòng (BĐBP) về nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP và cuối cùng là bảo đảm và chế độ, chính sách về biên phòng (Chương 6).

Các đại biểu nêu ý kiến, đối với tên gọi Luật BPVN, Ban soạn thảo cần phải đưa vào phạm vi điều chỉnh những vấn đề lớn, có tính bao quát chung, chi phối toàn bộ nội hàm của các chương, điều khoản, điểm của luật.

Những vấn đề lớn như: Biên phòng, chính sách của Nhà nước về biên phòng, nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân; quản lý hoạt động qua lại biên giới; kiểm tra thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia; kiểm soát việc xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới, các đường qua lại biên giới, cảng biển. Quan hệ, phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng trong thực hiện các Hiệp định, Hiệp nghị và các Điều ước quốc tế về biên giới đã ký kết; đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến chủ quyền, an ninh, quan hệ biên giới với các nước tiếp giáp; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách của lực lượng chuyên trách về biên phòng (BĐBP)… đã được đưa vào dự thảo Luật.

Góp ý về nhiệm vụ của BĐBP (Điều 14), Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 đề nghị bỏ cụm từ “nòng cốt” tại khoản 9 Điều 14 về nhiệm vụ của BĐBP: “nòng cốt huy động, tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự bảo vệ iên giới quốc gia”, tránh quy định chồng chéo nhiệm vụ của BĐBP và nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt nam trong tiếp nhận, sử dụng nhân lực, phương tiện dân sự để bảo vệ biên giới quốc gia trên biển đã được pháp luật quy định; bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và thực tiễn trên biển hiện nay. Lý do, khoản 3 Điều 6 Luật Biên giới quốc gia năm 2004 quy định về biên giới quốc gia trên biển; Khoản 6 Điều 8 Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ: “tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam”.

Nghị định số 30/2010/NĐ-CP, Nghị định số 130/2015/NĐ-CP, Thông tư số 153/2016/TT-BQP đều quy định Cảnh sát biển Việt Nam có nhiệm vụ thực hiện việc tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền, phương tiện dân sự để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển Việt Nam, trong đó có biên giới quốc gia trên biển.

Trung tướng Tăng Huệ, nguyên Tư lệnh BĐBP góp ý, nên chỉnh sửa Điều 7 dự thảo Luật như sau: “Lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng bao gồm các tổ chức trong hệ thống chính trị, các Bộ ngành, lực lượng vũ trang nhân dân và chính quyền địa phương trong đó nhân dân là chủ thể, BĐBP là lực lượng nòng cốt chuyên trách”.

Theo Luật sư Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban QPAN, lĩnh vực biên phòng, chức năng, nhiệm vụ của BĐBP liên quan đến bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh quốc gia, các lợi ích kinh tế của đất nước, bảo vệ an ninh, trật tự xã hội ở đường biên, các cửa khẩu, lối mở và khu vực biên giới do đó có sự giao thoa với một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật quốc phòng, Luật an ninh quốc gia, Luật biển Việt Nam, Luật hải quan, Luật cảnh sát biển Việt Nam… là không thể tránh khỏi.

Vấn đề cần tập trung xác định phạm vi điều chỉnh của Luật BPVN đến đâu, qu định nào thì viện dẫn từ các luật có liên quan, quy định nào tuy đang có ở các văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhưng xét thấy nếu quy định ở Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 phù hợp hơn thì nên thu hút vào luật này và bãi bỏ quy định đó ở văn bản luật có liên quan. Đây là việc làm phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Nghị quyết 48/BCT) và quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Biên giới quốc gia Việt Nam có biên giới đất liền, biên giới quốc gia trên biển, các hải đảo, quần đảo và vùng trời, do vậy định nghĩa biên phòng phải có ý nghĩa bao trùm, vừa mang tính chính trị, pháp lý chung. Trong định nghĩa cũng cần giới hạn phạm vi hoạt động là biên giới để không nhầm lẫn sang các lĩnh vực khác.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban QPAN, đề xuất định nghĩa về biên phòng như sau: “Biên phòng là tổng thể các hoạt động để quản lý, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên các tuyến biên giới; quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng”.

Về phối hợp các lực lượng trong bảo vệ an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, Đại tá, TS. Trần Kim Hải, Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, nêu ý kiến, cần phân định rõ ràng hơn lực lượng chủ trì và lực lượng phối hợp trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội giữa lực lượng Công an nhân dân và BĐBP ở khu vực biên giới.

Lam Hạnh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/gop-y-vao-du-thao-luat-bien-phong-viet-nam-lam-ro-luc-luong-thuc-thi-nhiem-vu-bien-phong-530117.html