Góp ý sửa đổi, hoàn thiện các dự án luật

Quan tâm theo dõi các nội dung nghị sự của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, bạn đọc đã gửi đến Báo SGGP các ý kiến phân tích, góp ý cho các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Cư trú...

Tỉnh Đắk Nông huy động nhân dân cùng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: LÊ PHƯỚC

Tỉnh Đắk Nông huy động nhân dân cùng tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: LÊ PHƯỚC

Tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách

Tôi rất ủng hộ đề xuất tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, bởi hiện nay Quốc hội chúng ta có quá nhiều đại biểu cùng lúc đảm nhận hai vai, vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là thành viên Chính phủ, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương. Do đó, có rất nhiều đại biểu Quốc hội không hoặc rất hiếm khi phát biểu trong các kỳ họp của Quốc hội. Đây là điều dễ hiểu, vì không thể xảy ra việc bản thân tự chất vấn bản thân và yêu cầu bản thân giải trình. Khi phát biểu ở các kỳ họp của Quốc hội, các vị đại biểu kiêm nhiệm thường chỉ phát biểu giải trình, trả lời chất vấn chứ không phát biểu chất vấn, phản biện. Cũng rất khó xảy ra chuyện đại biểu Quốc hội là bộ trưởng bộ này lại chất vấn yêu cầu bộ trưởng bộ kia giải trình, vì họ đều cùng là thành viên Chính phủ.

Vì thế, trong cơ cấu nhân sự của Quốc hội, cần tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, am tường pháp lý; các đại biểu chuyên trách sẽ có nhiều thời gian để tiếp cận thực tế, cũng như có năng lực xây dựng pháp luật và giám sát, đánh giá việc thực thi pháp luật. Như vậy, hiệu quả hoạt động, việc thực thi các chức năng, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội sẽ hiệu quả hơn.

LÊ MINH TIẾN, giảng viên Đại học Mở TPHCM

Quy định rõ trách nhiệm trong ứng phó thiên tai

Điểm lại diễn biến thiên tai và việc tổ chức ứng phó thiên tai, có thể nhận thấy yêu cầu bổ sung, hoàn thiện Luật Phòng chống thiên tai là rất cần thiết. Thời tiết và khí hậu ngày càng cực đoan, khắc nghiệt; mức độ thiên tai diễn ra trên diện rộng và có nhiều hình thức, có sự tác động, liên hệ lẫn nhau giữa các nước. Trong khi đó, ở một số nơi vẫn còn chủ quan, lơ là, khả năng ứng phó thiên tai kém, khiến tình hình kinh tế - xã hội có thể gặp nhiều bất ổn.

Do vậy, việc cảnh báo thiên tai là rất cần thiết nhằm nâng cao ý thức sẵn sàng ứng phó của người dân, đồng thời thúc đẩy chính quyền địa phương có biện pháp chủ động phòng chống với nhiều kịch bản xảy ra. Cần xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan khuyến nông và quản lý về nông nghiệp trong việc định hướng cho nông dân những loại hình sản xuất, các giống nên sản xuất, mùa vụ nên đầu tư, để họ chủ động tổ chức sản xuất theo điều kiện của mình.

Nên quy định rõ các cơ quan quản lý nhà nước (nhất là chính quyền các cấp) phải có biện pháp quản lý rủi ro trong công tác phòng chống thiên tai. Khi các tình huống xảy ra đều có được biện pháp ứng phó phù hợp nhằm giảm thiểu thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân và duy trì nhịp độ phát triển kinh tế. Phòng chống thiên tai nên xem là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

TRÚC GIANG, quận 3, TPHCM

Đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú là dự án luật quan trọng được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV. Người dân rất quan tâm việc bỏ cách quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu. Trong nhiều năm qua, việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu gây tốn kém, lãng phí cho ngân sách nhà nước, đồng thời gây ra nhiều khó khăn, phiền hà cho người dân.

Trong thực tế cuộc sống, đã có rất nhiều vấn đề tiêu cực, nhũng nhiễu nảy sinh từ cuốn sổ hộ khẩu và những giấy tờ liên quan. Với cách quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, sẽ làm đơn giản hóa các thủ tục giấy tờ, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, góp phần đảm bảo quản lý dân cư chặt chẽ, thực chất, hiệu quả hơn, thoát ra khỏi cách quản lý đã lạc hậu.

Để quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân, luật cần quy định rõ các yêu cầu và ràng buộc trách nhiệm trong việc xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu chặt chẽ và khoa học, tránh bị các lỗi không đáng có gây ảnh hưởng đến thông tin dữ liệu. Guồng máy quản lý hành chính về trật tự - xã hội trong cả nước phải chuyển động thật nỗ lực, thật mạnh mẽ để có thể nhanh chóng thích ứng với việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân, ứng dụng và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cũng cần nhanh chóng rà soát hệ thống văn bản pháp quy để sửa đổi những quy định liên quan đến việc quản lý dân cư đã không còn phù hợp.

Luật gia TRƯƠNG ĐÌNH, quận Gò Vấp, TPHCM

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/gop-y-sua-doi-hoan-thien-cac-du-an-luat-666662.html