Góp ý kiến hoàn thiện QCVN 08:2020/BXD nhằm đảm bảo an toàn và sức khỏe trong thi công xây dựng

Chiều 10/11, tại Bộ Xây dựng đã diễn ra Hội thảo Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khỏe trong thi công xây dựng. Hội thảo do PGS. TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì.

PGS.TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì Hội thảo.

PGS.TS Phạm Minh Hà - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì Hội thảo.

Trong hệ thống các quy định kỹ thuật liên quan đến an toàn trong xây dựng, Quy chuẩn QCVN 18:2014/BXD về an toàn trong xây dựng (QC-18) đang có hiệu lực thi hành và là quy định bắt buộc phải thực hiện. Cùng với việc thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 198/QĐ-TTg ngày 9/2/2018 (Đề án 198), việc soát xét và biên soạn lại QC-18 được đặt ra và được thực hiện theo báo cáo của Ban soạn thảo.Tuy nhiên QC-18 chưa cập nhật các quy định, máy móc thiết bị mới đưa vào sử dụng tại Việt Nam cũng như quy định riêng về thử nghiệm, kiểm định đánh giá an toàn xe, máy, thiết bị sử dụng trên công trường. Ngoài việc đảm bảo an toàn cho người trong công trường (trong hàng rào dự án), các quy định về đảm bảo an toàn và môi trường sống cho người ngoài công trường cũng hầu như chưa đề cập tới (hoặc có đề cập nhưng rất ít ).

Do đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khỏe trong thi công xây dựng công trình sau khi được hoàn thiện ban hành sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng đồng bộ, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng. Đảm bảo an toàn trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia.

Các chuyên gia góp ý hoàn thiện Tiêu chuẩn tại Hội thảo.

Theo ông Lê Trường Giang - Phòng Quản lý an toàn xây dựng, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng:Việc xây dựng Quy chuẩn này nằm trong định hướng tổng thể của Đề án 198 với nhấn mạnh đến tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước và các hoạt động trong xây dựng; đảm bảo an toàn và sức khỏe trong xây dựng; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất lao động, chống thất thoát lãng phí; hướng tới các tiêu chí xanh, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo vệ an ninh quốc gia. Do đó yêu cầu đặt ra với Quy chuẩn về công việc, công tác thi công và đối tượng công trình áp dụng: cần mở rộng các loại hình công việc áp dụng cho các tất cả loại công trình để đảm bảo tính thống nhất trong quản lý nhà nước về xây dựng của Bộ Xây dựng theo đúng quy định của Luật Xây dựng.

Trên cơ sở các đánh giá về QC-18, yêu cầu biên soạn QCVN 08:2020/BXD và từ ý kiến đóng góp với bản Dự thảo Quy chuẩn lần 1 (tháng 9/2020); Nhóm tác giả đã thực hiện biên soạn bản Dự thảo theo các cơ sở: Tiêu chuẩn ILO 1992 - Safety and Health in Construction do chuyên gia của 21 quốc gia (bao gồm các nước phát triển và đang phát triển) tham gia biên soạn nhằm cung cấp hướng dẫn thực hành về khung pháp lý, quản trị, kỹ thuật và đào tạo cho an toàn và sức khỏe trong xây dựng để: Ngăn ngừa tai nạn, dịch bệnh và tác động có hại đối với người làm việc; Đảm bảo các dự án xây dựng được thiết kế và thực hiện hợp lý; Cung cấp các phương pháp phân tích trên quan điểm an toàn, sức khỏe và điều kiện làm việc, quá trình/quy trình xây dựng, các hoạt động (xây dựng), công nghệ và vận hành /biện pháp hợp lý và thực hiện các biện pháp hợp lý trong việc lập kế hoạch, kiểm soát và thực hiện; đây là các quy định khung nên phù hợp với yêu cầu về quy chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam. Việc phê chuẩn và tham gia các công ước về vệ sinh và an toàn lao động của Tổ chức lao động quốc tế thì việc chọn ILO 1992 làm cơ sở đảm bảo: thực thi các công ước thỏa mãn các yêu cầu về đối tượng áp dụng của QC-ATXD và đảm bảo yêu cầu định hướng của hệ thống quy chuẩn và tiêu chuẩn của Việt Nam.

Các yêu cầu về nội dung và mức độ của quy chuẩn được đảm bảo theo quy định về quy chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 năm 2006 với đặc biệt cân nhắn đến yếu tố Quy chuẩn có tính “bắt buộc” áp dụng.

Các yếu tố mang tính đặc thù của Việt Nam: các yếu tố như trình độ công nghệ, quản lý, đào tạo, kỹ năng của người lao động, điều kiện tự nhiên (gió bão, động đất, khí hậu…), điều kiện địa chất, các loại công trình phổ biến, các loại tai nạn lao động thường gặp… phải được nghiên cứu xem xét, cân nhắc khi đưa thành các quy định mang tính bắt buộc trong quy chuẩn. Tập trung chính vào các nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người (trong công trường và khu vực xung quanh công trường).

Các đại biểu tham dự đưa ra các ý kiến góp ý.

Tham dự Hội thảo, đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia đến từ các Hiệp hội, các cơ sở đào tạo trong ngành Xây dựng, các đơn vị nhà thầu lớn đều nhất trí với phương án đổi mới hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do Ban soạn thảo Đề án đề xuất. Đồng thời các chuyên gia cùng đại diện các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu xây dựng đã thảo luận một số vướng mắc kỹ thuật cần giải quyết trong Quy chuẩn QCVN08:2020/BXD, một số tồn tại trong dự thảo tiêu chuẩn đều được đề xuất hiệu chỉnh cho phù hợp.

Kết luận hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Hà cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia để tiếp tục hoàn thiện, công bố dự thảo mới trên Internet để các nhà khoa học, người dân cùng đóng góp cho bản quy chuẩn mới này được ban hành đi vào cuộc sống.

Lê Mỹ

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/gop-y-kien-hoan-thien-qcvn-082020bxd-nham-dam-bao-an-toan-va-suc-khoe-trong-thi-cong-xay-dung-292688.html