Góp ý dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Quy định này nhằm quản lý chặt chẽ nguồn tiền công đức, tài trợ cho các hoat động nêu trên.

Dự thảo thông tư này hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội.

Đối với lễ hội, di tích có sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước (NSNN), các đơn vị phải thực hiện theo đúng nội dung chi, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định; quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định của pháp luật về NSNN.

Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vẫn đang được lấy ý kiến góp ý

Dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội vẫn đang được lấy ý kiến góp ý

Dự thảo thông tư này không áp dụng đối với di tích thuộc di sản thế giới tại Việt Nam và di tích thuộc sở hữu tư nhân.

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc quyên góp, tiếp nhận các khoản công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội. Theo đó, việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện. Không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội…

Ngoài ra, không tiếp nhận tiền công đức, tài trợ kèm theo các điều kiện làm sai lệch bản chất, nội dung, ý nghĩa lịch sử, giá trị văn hóa, truyền thống của lễ hội; làm sai lệch kiến trúc di tích, xâm hại cảnh quan, danh lam thắng cảnh và vi phạm quy định của pháp luật về di sản văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo. Không được lợi dụng việc tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm.

Tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội không thuộc sở hữu cá nhân và không phản ánh vào NSNN; được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội, quản lý di tích sử dụng cho các hoạt động lễ hội, quản lý và sử dụng di tích theo quy định tại thông tư này.

Số dư kinh phí cuối năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội. Đồng thời, quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ kinh phí cho hoạt động lễ hội, quản lý di tích, chăm sóc, giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa, khoa học của lễ hội, di tích; hạn chế sử dụng NSNN.

Dự thảo thông tư cũng quy định rõ về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội; quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích; quản lý tiền trong hòm công đức…

Thay mặt Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh Quảng Ninh, Hòa thượng Thích Thanh Quyết đã có văn bản góp ý gửi Hội đồng Trị sự GHPGVN và Bộ Tài chính.

Theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Dự thảo này chỉ phù hợp áp dụng đối với việc quản lý các lễ hội và di tích bình thường. Qua đó đảm bảo sự công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích trong công tác tổ chức lễ hội, việc bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích. Về kết cấu và bố cục của dự thảo Thông tư tương đối phù hợp với các nội dung tổ chức lễ hội và quản lý di tích được quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, dự thảo này không phù hợp với lễ hội và di tích tôn giáo (như chùa của Phật giáo, nhà thờ của Công giáo…). Vì vậy đề nghị không đưa vào quản lý tiền công đức đối với các di tích là chùa, nhà thờ đạo Công giáo đã được kiểm đếm danh mục di tích.

Lý giải về đề nghị này, theo Hòa thượng Thích Thanh Quyết: Sau khi nghiên cứu Luật ngân sách và Nghị định 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 về chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính thì Nhà nước quy định ngân sách nhà nước bao gồm các nguồn thu từ thuế, phí và lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật. Với 27 chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của Bộ Tài chính không quy định quản lý tiền công đức do các cá nhân quyên góp ủng hộ tự nguyện (Không có một văn bản hay một điều khoản nào quy định tiền công đức, tiền giọt dầu, dâng cúng cho các chùa là các di tích).

Bên cạnh đó, các chùa thờ Phật là các cơ sở Phật giáo nếu có giá trị được Nhà nước xếp hạng di tích thì các hoạt động Phật giáo tại các chùa đó vẫn diễn ra bình thường (Theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo). Việc xếp hạng di tích không đồng nghĩa với việc quốc hữu hóa di tích, nhất là dự thảo Thông tư chỉ nhằm vào túi tiền của tín đồ Phật tử tin yêu vào Phật giáo vì “Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc”. Nguồn lực phát triển kinh tế của Phật giáo đối với đất nước là về du lịch tâm linh đã được các cấp khẳng định.

Hòa thượng cũng lý giải thêm, bản chất của tiền công đức là lòng thành của Phật tử, thể hiện sự thành kính đối với tôn giáo mà họ tin theo, được đóng góp một cách tự nguyện, không chịu bất cứ một ép buộc nào.

Ngoài ra, theo Điều 56, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định có quy định “Tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo bao gồm tài sản được hình thành từ đóng góp của thành viên, tổ chức, quyên góp, tặng cho của tổ chức, cá nhân hoặc các nguồn khác theo quy định của pháp luật”.

Như vậy tiền công đức tại các chùa Phật giáo là tài sản của Giáo hội (Giáo hội đã ủy quyền cho nhà sư trụ trì, trông coi và toàn quyền sử dụng tài sản công đức tại các chùa theo đúng quy định của tổ chức Giáo hội...).

Cũng trong văn bản góp ý, Hòa thượng Thích Thanh Quyết cho rằng, trong dự thảo Thông tư: “Hòm công đức được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và Trưởng ban di tích quản lý độc lập”. Điều này không phù hợp với Khoản 5, Điều 7, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo “Nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”.

Theo đó, tài sản dâng cúng, công đức đều do tôn giáo được toàn quyền như tiếp nhận tài sản, hưởng dụng tài sản và định đoạt tài sản quy định trong Bộ Luật Dân Sự năm 2015. Hiện nay Luật tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định việc các cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc được tổ chức quyên góp, nhận tài trợ phục vụ cho các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo trong đó có việc tổ chức lễ hội và bảo quản, tu bổ, phục hồi cơ sở thờ tự (gồm cả di tích).

Trong khi đó, tại Khoản 4, Điều 2: “Tiền công đức… được để lại toàn bộ cho cơ quan, đơn vị... quản lý và sử dụng di tích”, nếu Thông tư ban hành thì Ban quản lý di tích (là cơ quan quản lý Nhà nước về di tích) sẽ sử dụng tiền công đức của Tam bảo, do Phật tử công đức, cúng dường… sẽ không hợp hiến, hợp pháp./.

Hà An

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/gop-y-du-thao-thong-tu-quan-ly-tien-cong-duc-20210603173707441.htm