Góp ý dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi: Cần làm rõ vai trò của hội đồng trường

Hôm nay, 9/5 là ngày cuối cùng để Ban soạn thảo tiếp thu, tổng hợp ý kiến để trình Quốc hội vào ngày 10/5 về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trường tư thục trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, chiều 8/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quy tụ nhiều đại diện các trường tư thục ở Hà Nội, Hải Phòng,... với nhiều góp ý, đề xuất đối với Dự thảo.

Băn khoăn về quyền sở hữu của nhà đầu tư

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Xuân Khang- Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội nêu vấn đề về quyền sở hữu, quyền điều hành nhà trường đang đặt ra trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.

Trong đó, ông Khang cho rằng, trường tư thục có hai cột trụ để nhà đầu tư yên tâm đầu tư đó là quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường. Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục. Đã giúp cho hoạt động thực tiễn các trường tư thục bình an để phát triển. Thế nhưng Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, với Khoản 3, Điều 56 gần như bỏ qua quyền điều hành nhà trường của các nhà đầu tư. Điều 100 của Dự thảo còn đưa khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành đó là: “Quyền sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường”.

Theo ông Khang, tại sao không dùng “Trường tư thục của các nhà đầu tư” mà dùng một khái niệm mới là của pháp nhân nhà trường. Pháp nhân nhà trường là ai? Hội đồng trường theo Khoản 3, Điều 56, thành phần ngoài đại diện các nhà đầu tư ra có thành phần có liên quan trong và ngoài nhà trường. Với một hội đồng trường có nhiều thành phần như vậy làm sao có thể thay thế cho một hội đồng quản trị theo Luật hiện hành có đầy đủ quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường?

Bà Trần Kim Phương- Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Everest chia sẻ những tâm huyết khi xây dựng mô hình trường tư thục không chỉ là vốn đầu tư, công sức, thời gian... Vì vậy, theo Khoản 3 Điều 56 của Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi thì chưa sáng rõ vai trò của nhà đầu tư, hội đồng trường, ban giám hiệu, chủ tịch hội đồng quản trị...

Do đó, đề xuất đưa ra là: Dự thảo cần làm rõ để thúc đẩy phát triển hệ thống trường tư thục, tránh gây hiểu lầm; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đi thực tế tại chỗ một số trường tư thục để ghi nhận các ý kiến, tình hình thực tiễn. Từ đó xây dựng Luật mới đi vào cuộc sống được, khi đưa vào có thể áp dụng được ngay. Đề xuất thứ ba là mong các chính sách hiện hành sẽ đúng nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi cho các trường phát triển, tránh phức tạp các thủ tục hành chính gây khó khăn...

Minh bạch để thúc đẩy xã hội hóa giáo dục

Theo ông Hoàng Xuân Khóa- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hải Phòng, vì những mâu thuẫn chưa thể thống nhất nên trước năm 1997 hàng loạt trường dân lập đã phải giải thể. Nay Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi phiên bản ngày 12/4/2019 đang có những bất cập chưa tạo thuận lợi cho sự phát triển của hệ thống giáo dục tư thục, thậm chí là bước thụt lùi.

Trong đó, Khoản 3, Điều 56 và và Điều 100 của Dự thảo Luật là chưa hợp lý. Cụ thể, ông Khóa đặt câu hỏi hội đồng trường như Dự thảo có thể thay thế hội đồng quản trị của trường tư thục được không? Không thể thay thế vì 2 mô hình trường công lập và tư thục có điểm giống nhau về chương trình học và sản phẩm của 2 loại hình trường này cùng được nghiệm thu trong một kỳ thi. Còn điểm khác biệt là nguồn đầu tư nên cơ cấu tổ chức, quản trị, nhiệm vụ và quyền hạn của hai loại hình khác nhau, không thể đồng nhất được.

Theo ông Khóa, nếu không quy định quyền quản trị thì các nhà đầu tư không ai dám tiếp tục đầu tư vào giáo dục nữa. Vì vậy, ông Khóa kiến nghị, bỏ nội dung Điều 56, giữ nguyên nội dung của Điều 53 của Luật hiện hành. Đồng thời, bỏ nội dung Điều 100 thay vào đó là nội dung Điều 67 của Luật Giáo dục hiện hành.

Một số ý kiến khác đến từ đại diện Trường Đoàn Thị Điểm, Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Nguyễn Siêu... cũng đồng tình với quan điểm này. Nhà nước khuyến khích xã hội hóa giáo dục, bảo hộ quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với trường tư thục. Vì vậy, Luật Giáo dục sửa đổi cần xác định một tổ chức đại diện của nhà đầu tư, thành viên là những người có vốn góp, như Hội đồng quản trị của trường tư thục trong Luật Giáo dục hiện hành. Trong đó, Hội đồng trường như Dự thảo nêu không thể đại diện cho quyền sở hữu trường, không thể quyết định những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch và phương hướng đầu tư phát triển của trường tư thục...

Ghi nhận các ý kiến này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho biết, những băn khoăn, ý kiến liên quan đến trường tư thục hôm nay cũng như các ý kiến phát biểu tâm huyết khác sẽ được ban soạn thảo tiếp thu từng câu từng ý. Vì vậy, rất mong nhận được sự chia sẻ của các nhà giáo.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/gop-y-du-thao-luat-giao-duc-sua-doican-lam-ro-vai-tro-cua-hoi-dong-truong-tintuc436354