Góp ý dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường: Bảo vệ nghiêm ngặt tài nguyên nước

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của cử tri, nhân dân cả nước, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra phức tạp, khó lường.

Chất lượng môi trường sống như không khí, nguồn nước đang bị đe dọa nghiêm trọng, trong khi việc xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp đang là thách thức vô cùng lớn cho bất kỳ quốc gia nào.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã ghi nhận ý kiến cử tri về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật, tăng cường vai trò quản lý nhà nước cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân trong việc bảo vệ, gìn giữ vệ sinh môi trường vì sự phát triển bền vững của xã hội.

GS.TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Tình/TTXVN

GS.TS Nguyễn Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Tình/TTXVN

Góp ý về các quy định nhằm quản lý tốt hơn các lưu vực sông chảy qua nhiều địa bàn địa phương, bảo vệ nguồn nước ngầm đang bị khai thác quá mức, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài các biện pháp chung như dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã nêu, biện pháp quan trọng nhất và phải thực hiện đầu tiên là đầu công trình xử lý và vận hành nghiêm túc các hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn Việt Nam mới được thải ra môi trường đối với tất cả các nguồn nước thải trong các khu công nghiệp, đô thị, khu dân cư tập trung, thương mại dịch vụ, chăn nuôi…

Với những dòng sông chảy qua nhiều địa phương, các tỉnh, thành phải có trách nhiệm chung để bảo vệ nguồn nước, nhất là với các địa bàn phía thượng lưu. Để công bằng trong việc sử dụng nguồn nước và phát triển kinh tế giữa các địa phương, cần có cơ chế phân bố hạn ngạch phát thải cho các tỉnh, thành hoặc có cơ chế để các địa phương sử dụng và thu được nhiều lợi ích từ việc sử dụng, hỗ trợ kinh phí, nhất là các địa phương đầu nguồn.
Trong khi đó đối với việc nhận chìm chất thải ở biển, bảo vệ mặt nước biển, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuấn, tất cả những loại chất thải phát sinh từ các hoạt động trên đất liền (bao gồm cả các đảo), thì không cho phép nhận chìm vào biển dưới bất kỳ hình thức nào. Chỉ các chất thải phát sinh từ các hoạt động ở biển như dự án nạo vét… thì mới cho phép nhận chìm vào biển nhưng không được nhận chìm vào những khu vực nhạy cảm như khu bảo tồn biển, đồng thời phải có các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt.

Luật sư Lê Bá Thường, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Để đảm bảo sự thống nhất trong quá trình thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, luật sư Lê Bá Thường, Giám đốc Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường quy định trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường cần thống nhất, phù hợp với thời hiệu khởi kiện trong Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể cần sửa lại Khoản 3 Điều 164 của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường theo hướng, thời hiệu khởi kiện về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường là 3 năm tính từ thời điểm tổ chức, cá nhân phát hiện được thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời quá trình tố tụng tại tòa về trách nhiệm bồi thường phải thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 về xác định sự thật của vụ án: "Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”.

Phối hợp bảo vệ dòng sông chảy qua nhiều địa phương. Ảnh: Trần Xuân Tình/TTXVN

Đối với quy định, mức chi tối thiểu 2% ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường, luật sư Lê Bá Thường cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng và làm rõ cơ sở nào để đưa ra mức 2% mà không phải là con số khác. Đồng thời Ban soạn thảo dự án Luật Bảo vệ môi trường cũng phải tính toán và đối chiếu phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

Góp ý về Quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong thẩm định dự án nước ngoài, luật sư Lê Bá Thường cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xem xét, phân tích chiến lược trung và dài hạn, đặc biệt xem trọng tính chất lượng cao, đồng thời thẩm định chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí khắt khe khi cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để khai thác tài nguyên. Điều này vừa mang lại lợi ích cho đất nước và không gây ra các vấn nạn ô nhiễm môi trường như đã từng xảy ra một số vụ việc./.

Trần Xuân Tình/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/gop-y-du-thao-luat-bao-ve-moi-truong-bao-ve-nghiem-ngat-tai-nguyen-nuoc/157977.html