Góp ý Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia

Ngày 26-8, UBND tỉnh tổ chức hội nghị cho ý kiến vào Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81 ngày 29-7-2020 (KL81) của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 82 ngày 29-7-2020 (KL82) của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa và Văn phòng UBND tỉnh.

Các Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện KL 81 và KL 82 của Bộ Chính trị được UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo. Các Dự thảo Kế hoạch hành động đã tập trung xác định rõ các nhiệm vụ và đề ra các giải pháp về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; từ đó, xác định vai trò, trách nhiệm trong tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.

Đồng chí Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày Dự thảo Kế hoạch hành động thực hiện KL 81.

Trên cơ sở ý kiến đóng góp, làm rõ thêm vấn đề của các sở ngành, kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền biểu dương nỗ lực của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi chỉ trong thời gian ngắn đã xây dựng được Kế hoạch hành động thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Cho ý kiến vào các Dự thảo Kế hoạch hành động, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền yêu cầu các Kế hoạch hành động phải thể hiện được bản sắc riêng của nền nông nghiệp Thanh Hóa; phải đánh giá một cách cụ thể những thành tựu đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, trong sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; để từ đó xây dựng được các giải pháp thực hiện mang tính khả thi cao.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Qua 10 năm thực hiện Đề án An ninh lương thực quốc gia giai đoạn 2009-2019, Thanh Hóa đã đạt được những kết quả rất nổi bật; trong đó, có 2 chủ trương lớn đã được ban hành và tổ chức thực hiện, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, là chủ trương xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất chất lượng cao và chủ trương mở rộng vùng thâm canh lúa năng suất chất lượng cao lên khu vực miền núi có điều kiện. Từ hai chủ trương này, Thanh Hóa không những đáp ứng tốt nhu cầu lương thực mà còn có nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng hóa. Hoặc đối với vấn đề sắp xếp, tổ chức lại các nông lâm trường, các công ty lâm nghiệp, Thanh Hóa đã xin Chính phủ cho thí điểm mô hình Công ty TNHH 2 thành viên. Từ hoạt động của mô hình này, Thanh Hóa đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược để phát triển các vùng nguyên liệu, trong đó nổi bật là chăn nuôi bò sữa.

Đại diện lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh cho ý kiến đóng góp vào các Dự thảo kế hoạch hành động thực hiện KL 81 và KL 82 ngày của Bộ Chính trị.

Bên cạnh một số sáng tạo, thành công bước đầu, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần phải đánh giá một cách khách quan để rút ra các bài học kinh nghiệm, như: giá trị của cây lúa trên một đơn vị diện tích còn thấp hơn một số loại cây trồng chủ lực khác, mà nguyên nhân cơ bản là do chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ; chưa xây dựng được thương hiệu lúa gạo của Thanh Hóa; các mô hình sản xuất quy mô lớn gắn với đầu tư vùng nguyên liệu chưa có nhiều; hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp còn một số tồn tại liên quan đến đất đai, giải quyết việc làm, quyền lợi cho người lao động…

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền cũng lưu ý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng một số mục tiêu cụ thể trong các dự thảo Kế hoạch hành động, như: ổn định diện tích trồng lúa theo chỉ đạo của Chính phủ; bảo đảm sản lượng lương thực quy thóc; nâng cao giá trị gia tăng trên một hecta trồng lúa; phấn đấu năm 2021 hoàn thành việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình hoạt động đối với các công ty nông lâm nghiệp; đến năm 2025, các công ty nông lâm nghiệp hoạt động hiệu quả, có lãi. Về nhiệm vụ và giải pháp trong kế hoạch có 5 nội dung phải nhấn mạnh các giải pháp về tích tụ tập trung đất đai để sản xuất lúa quy mô lớn, công nghệ cao, mục tiêu là sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ và có xây dựng các chuỗi, thương hiệu lúa gạo Thanh Hóa. Phần tổ chức thực hiện phải phân công nhiệm vụ của từng, sở, ngành một cách cụ thể…

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Đức Quyền giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng, hoàn chỉnh các Dự thảo Kế hoạch hành động, xin ý kiến Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Khánh Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/gop-y-nbsp-du-thao-ke-hoach-hanh-dong-thuc-hien-ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-nbsp-bao-dam-an-ninh-luong-thuc-quoc-gia/123519.htm