Góp ý cho Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia

Sáng 25/5, tại Hà Hội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia nhằm làm rõ quan điểm của Bộ Y tế trong việc xây dựng Dự luật và lấy ý kiến góp ý của doanh nghiệp trong ngành để hoàn thiện Dự luật và tiến tới ban hành luật trong thời gian tới.

Tại hội thảo, bà Trần Thị Trang, đại diện Vụ pháp chế - Bộ Y tế đã trình bày về tên gọi, các điều khoản của Dự luật và lý giải các quan điểm để Bộ xây dựng luật.

Theo đó, quan điểm xây dựng luật của Bộ dựa trên các lập luận như: sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác có nguy cơ lạm dụng, gây tác hại đến sức khỏe của người sử dụng, đến gia đình cộng đồng và kinh tế - xã hội. Nhà nước không cấm sản xuất và sử dụng rượu bia nhưng Nhà nước hạn chế và không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác để bảo vệ sức khỏe.

Đại diện Vụ pháp chế cũng cho rằng, cần thể chế hóa một cách cụ thể các quan điểm, đường lối và chính sách để đảm bảo hoàn thiện và phát triển kinh tế thị trường, hài hòa tối đa lợi ích kinh tế với lợi ích xã hội. Mọi người có quyền được bảo vệ khỏi ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến của doanh nghiệp để hoàn thiện Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. (Ảnh: TL)

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm soát, giảm mức tiêu thụ và mức độ dễ tiếp cận đối với rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp và hạn chế tính sẵn có của rượu, bia; giảm tác hại và bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tập quán văn hóa truyền thống, vì lợi ích sức khỏe của nhân dân; Tôn trọng và đảm bảo quyền sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật đồng thời xác định rõ ràng trách nhiệm xã hội của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia đối với sức khỏe cộng đồng; Khắc phục những hạn chế, bất cập và những khoảng trống của pháp luật về quản lý nhà nước đối với rượu, bia hiện nay.

Dựa trên những lập luận trên, theo đại diện Bộ Y tế, hiện nay có 3 tên của Luật được đề xuất, bao gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và Luật kiểm soát đồ uống có cồn (rượu, bia). Trong đó, Bộ Y tế đề xuất sử dụng tên: Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Lý giải cho việc lựa chọn tên trên, đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho rằng, sử dụng tên này bởi: tên này bao gồm cả 2 khía cạnh: phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và kiểm soát đồ uống có cồn. Dự luật quy định về các biện pháp phòng chống tác hại của rươu, bia và đồ uống có cồn khác (gọi chung là rượu, bia) bao gồm: Kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; Kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; Giảm gác hại của rượu, bia; Bảo đảm nguồn lực để phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, tham khảo chính sách, pháp luật của quốc tế cho thấy, pháp luật ở một số nước cũng đã có quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia như: Luật kiểm soát rượu, bia ở Thái Lan (năm 2008), Phần Lan (năm 2017), Lào (năm 2014); Luật kiểm soát rượu, bia, thuốc lá ở Srilanka; Luật kiểm soát chất có cồn ở Lithuania; Luật về thời gian cấm bán rượu, bia: Singapore, Nga (2017); Luật về nâng cao sức khỏe ở Thái Lan; Luật mức gia tối thiểu đồ uống có cồn ở Scotland.

Bên cạnh đó, các quy định về thời gian, địa điểm cấm bán, cấp phép, cấm quảng cáo/giờ quảng cáo, nồng độ cồn, thuế tiêu thụ đặc biệt, giá tối thiểu... trong các luật liên quan thì có tới 100/166 quốc gia đã quy định.

Theo lập luận của Bộ Y tế, việc sản xuất rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác, thiệt hại hơn rất nhiều so với một số lợi ích do rượu, bia mang lại như nguồn thu ngân sách, lao động việc làm. Gánh nặng sẽ ngày càng tăng, cộng dồn nếu Nhà nước không có chính sách, pháp luật phù hợp.

Vì vậy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia với khoản đóng góp bắt buộc là giải pháp toàn diện, đầy đủ và mạnh mẽ nhất cho phòng, chống tác hại rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Luật.

Việc sản xuất, sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động, gây ra những tác hại về sức khỏe và nhiều vấn đề xã hội nghiêm trọng khác. (Nguồn: Moki)

Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đại diện Hiệp hội Rượu - Bia – Nước giải khát Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương... cũng đã nêu ý kiến về Dự thảo luật.

Theo đó, đại diện công ty Heineken cho rằng, công ty hoàn toàn ủng hộ chính sách quốc gia về dự thảo Luật vơi những nội dung như: Can thiệp sớm và đúng mục tiêu, đặc biệt là các nhóm đối tượng có nguy cơ lạm dụng; Giáo dục về tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn; Thực thi tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn; Giảm việc buôn lậu và sử dụng đồ cuống có cồn trái phép.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam cũng kiến nghị bỏ đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe (do doanh nghiệp đóng góp 1 – 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt). Hay những quy định về các hoạt động quảng cáo, tài trợ, quy định về giờ bán, điểm bán cũng được các doanh nghiệp nêu ý kiến, xem xét tính khả thi của Luật, sao cho hợp lý, vừa có lợi cho Nhà nước, vừa có lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Trần Liễu

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/gop-y-cho-du-an-luat-phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-71746.html