Góp ý bản thảo 'Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa, tập 3 - Văn bia thời Lê Trung Hưng, quyển 2'

Sáng 18-7, Nhà Xuất bản Thanh Hóa tổ chức hội nghị góp ý bản thảo 'Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa, tập 3 - Văn bia thời Lê Trung Hưng, quyển 2' của tác giả, đồng chủ biên: TS. Nguyễn Văn Hải – TS. Nguyễn Kim Măng; hiệu đính: GS.TS. Đinh Khắc Thuân – TS. Phạm Văn Tuấn. Tham dự hội nghị có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hội đồng thẩm định và đồng tác giả cuốn sách.

Toàn cảnh hội nghị.

Văn bia được xem là “Những trang sử đá” của dân tộc, là một loại hình di sản đặc biệt, có giá trị trên nhiều phương diện: Lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, thư pháp, điêu khắc, văn chương… Việc khai thác, phát huy giá trị di sản văn bia đối với đời sống văn hóa của mọi thời đại là việc làm cần thiết của toàn xã hội. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành trong tỉnh, Nhà Xuất bản Thanh Hóa đã phối hợp với các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tiến hành điền dã, sưu tập, nghiên cứu, khảo cứu, dịch thuật, chú giải… biên soạn cuốn sách “Tuyển tập Văn bia Thanh Hóa, tập 3 - Văn bia thời Lê Trung Hưng, quyển 2”. Cuốn sách giới thiệu về “Văn bia thời Lê Trung Hưng (1533-1788)” ở Thanh Hóa, bao gồm văn bia lăng mộ, văn bia ca tụng công đức trực tiếp liên quan đến nhân vật lịch sử của hoàng tộc nhà Lê, chúa Trịnh, chúa Nguyễn và công thần thời Lê Trung Hưng. Đây là loại sử liệu xác tín trung thực, là nguồn tư liệu quý hiếm, có giá trị đối với các lĩnh vực khoa học. Cuốn sách được xuất bản ngoài việc góp phần cho công tác bảo tồn, khai thác loại hình di sản đặc biệt này, còn bổ sung, chỉnh lý cho những ghi chép của chính sử được biên soạn ở đời sau; đồng thời khẳng định và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong công cuộc đổi mới xây dựng quê hương, đất nước văn minh, giàu đẹp.

PGS-TS. Nguyễn Tá Nhí, Viện nghiên cứu Hán Nôm, đánh giá cao nội dung bản thảo.

Tại hội nghị, hội đồng thẩm định và các nhà nghiên cứu, các ngành chuyên môn đã đóng góp nhiều ý kiến vào nội dung bản thảo. PGS-TS. Nguyễn Tá Nhí, Viện nghiên cứu Hán Nôm, đánh giá cao nội dung cuốn sách, được trình bày công phu, dễ tiến cận, phần dịch rất sát, phần chú giải tường tận, làm cho người đọc có thể hiểu rõ nội dung văn bia. Tuy nhiên, các văn bia cần được sắp xếp theo niên đại, theo đơn vị hành chính; có nhiều bản tra cứu; phần phiên âm, dịch nghĩa nên nhất quán; nên mời chuyên gia am hiểu về chữ Hán Nôm tham gia góp ý nâng cao chất lượng bản thảo.

Th.S Vũ Ngọc Định, Trường Đại học Hồng Đức đóng góp ý kiến.

Th.S Vũ Ngọc Định, Trường Đại học Hồng Đức thì cho rằng, các tác giả cuốn sách là những người có chuyên môn sâu, đã tuyển chọn và dịch được các văn bia mang tính tiêu biểu, giá trị về lịch sử, văn hóa; phần dịch mạch lạc; ngôn từ hoa mỹ. Song, các văn bia cần được sắp xếp theo một trật tự nhất quán; thể thức văn bản, phông chữ, quy cách dấu câu cần thống nhất; các địa danh cần điều chỉnh lại cho phù hợp với thay đổi hiện tại về đơn vị hành chính.

Th.S Trịnh Thị Tâm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh góp ý kiến.

Th.S Trịnh Thị Tâm, Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa tỉnh, đề nghị nhóm tác giả cần điều chỉnh câu chữ cho chính xác giữa bản dịch và bản phiên âm, bổ sung bản tra cứu về danh nhân để người đọc dễ tìm hiểu.

TS. Nguyễn Huy Quyến, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề nghị các tác giả rà soát lỗi chính tả, thống nhất địa danh, thuật ngữ Phật giáo, chú ý phần phiên âm cần rõ ràng, tránh sai sót.

Đồng chí Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng Phòng nghiệp vụ văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nhóm tác giả lưu ý về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả sau khi cuốn sách được xuất bản.

TS. Hoàng Bá Tường, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đánh giá bản thảo là công trình đồ sộ.

TS. Hoàng Bá Tường, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đánh giá bản thảo là công trình đồ sộ, góp phần làm dày thêm nguồn tư liệu về đất và người xứ Thanh, đồng thời là “của để dành” cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, cuốn sách cần được chỉnh sửa lại công phu, trọn vẹn hơn theo hướng các ý kiến đã góp ý. Trong đó, cần bổ sung các địa danh mới, nguồn tư liệu mới để làm rõ hơn giá trị các văn bia. Đồng chí cũng mong muốn, nhóm tác giả sớm hoàn thiện bản thảo tác phẩm, để có ấn phẩm chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thay mặt nhóm tác giả, đồng chủ biên, TS. Nguyễn Văn Hải tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị.

Thay mặt Nhà xuất bản Thanh Hóa và nhóm tác giả, đồng chủ biên, ông Hoàng Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Thanh Hóa và TS. Nguyễn Văn Hải gửi lời cảm ơn tới các nhà nghiên cứu, đồng thời tiếp thu các ý kiến đóng góp tại hội nghị, để bản thảo cuốn sách sớm được chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngọc Anh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/gop-y-ban-thao-tuyen-tap-van-bia-thanh-hoa-tap-3-van-bia-thoi-le-trung-hung-quyen-2/121754.htm