Góp thêm một không gian văn hóa đặc biệt cho phố cổ Hà Nội

Trong đêm nhạc 'Khúc ru thời gian', nhạc sĩ - nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Quang Hưng cho biết sẽ biểu diễn những nhạc phẩm mang giai điệu sâu lắng, ngọt ngào, đầy tinh tế từ những nét nhạc đậm chất dân gian tới những tác phẩm mang tính thời đại qua cây đàn bầu.

Nối tiếp sự thành công của đêm nhạc “Nụ cười mắt lá”, nhạc sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng tiếp tục dàn dựng, phối khí đêm nhạc “Khúc ru thời gian” sẽ diễn ra vào lúc 20h00 Chủ nhật, ngày 7/7/2019 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội). Đặc biệt trong đêm nhạc này, Nguyễn Quang Hưng sẽ trực tiếp đàn và hát trong 12/18 tiết mục. Ngoài ra, đêm nhạc có sự xuất hiện của hai ca sĩ khách mời, đó là Mai Thy - giải Nhất giải Sao Mai 2019 và Hồng Duyên - giải Nhì Sao Mai 2017.

Vốn là người theo học đàn bầu và đam mê âm nhạc dân gian, Nguyễn Quang Hưng luôn mong muốn được giữ gìn và phát triển dòng nhạc này để giới thiệu với khán giả những cái hay, cái đẹp của hồn nhạc Việt. Anh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo trong cách diễn tấu của đàn bầu cùng với sự kết hợp của những bản hòa âm phối khí mới để người nghe luôn thấy một một sự hấp dẫn, trẻ trung hơn những bản nhạc cũ. Đó là công việc đòi hỏi sự tài năng cùng với lòng quyết tâm và nỗ lực rất lớn của người nhạc sĩ.

Sớm nổi danh với những ca khúc mang âm hưởng dân ca và đặc biệt được biết đến với vai trò đạo diễn âm nhạc cho 3 bộ phim đình đám: “Gió làng Kình”, “Ma làng”, “Thương nhớ ở ai”… nhạc sĩ Nguyễn Quang Hưng đang chọn cho mình một con đường đầy chông gai, khó nhọc. Dẫu thế, “không góp sức cùng đi trên con đường ấy thì dòng nhạc dân tộc sẽ ngày càng mất đi chỗ đứng khi mà có quá nhiều dòng nhạc mới đang du nhập và phát triển ở Việt Nam”, Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.

Đêm nhạc “Khúc ru thời gian” sẽ diễn ra vào lúc 20h00 chủ nhật, ngày 7/7/2019 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ (50 Đào Duy Từ, Hà Nội). Ảnh: BTC

Với đêm nhạc này, nhạc sĩ - nghệ sĩ Nguyễn Quang Hưng mong muốn, thông qua những chất liệu âm nhạc dân gian truyền thống như những làn điệu chèo, dân ca Bình Trị Thiên, dân ca Thừa Thiên Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh sẽ giới thiệu đến khán giả những nhạc phẩm mà từ xa xưa đã rất quen thuộc nhưng đã được thổi vào đó những sáng tạo mới bằng việc hòa âm, cách phiêu linh của người nghệ sĩ trong khi thể hiện các bản nhạc đó.

Nguyễn Quang Hưng hy vọng những gì anh gửi gắm trong đêm nhạc sẽ khiến mọi người cảm nhận thấy được cái hay, sự hấp dẫn của cây đàn bầu như trong câu ca dao mà dân gian vẫn truyền tụng “Đi qua nghe tiếng em đàn/ Lá vàng xanh lại sen tàn nở hoa”.

Chương trình còn có ý nghĩa như một sự tri ân của Nguyễn Quang Hưng tới gia đình, thầy cô, bạn bè cũng như khán giả đã ủng hộ và đồng hành cùng anh trong suốt những chặng đường đã qua. Cũng thông qua chương trình, Nguyễn Quang Hưng mong muốn sẽ “kéo” được nhiều khán giả trẻ đến với dòng nhạc dân gian - một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Một khán phòng biểu diễn với lối trang trí theo kiểu không gian thính phòng vốn gần gũi với âm nhạc truyền thống của người Hà Nội xưa, lại nằm ngay trong không gian phố cổ Hà Nội sẽ tạo một không khí ấm cúng và hết sức đặc biệt, vừa gần gũi, vừa trang trọng, lại vừa rất… Hà Nội sẽ là những điểm nhấn thú vị bên cạnh những tiết mục âm nhạc.

Dẫu thế, không gian này chỉ đủ sức chứa cho gần 200 khách mời và lượng vé phát hành tương ứng với số ghế đã hết từ trước khi đêm nghệ thuật chính thức diễn ra vài ngày. Đó là một niềm vui cho những người tổ chức chương trình, đồng thời nó cũng tạo nên niềm tin cho các nghệ sĩ tiếp tục thực hiện những hoạt động âm nhạc ý nghĩa này, nhằm góp phần tạo thêm một không gian văn hóa đặc biệt cho khu vực phố cổ Hà Nội.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gop-them-mot-khong-gian-van-hoa-dac-biet-cho-pho-co-ha-noi-post64677.html