Góp sức vì thành phố văn minh

Đưa người lang thang vào trung tâm bảo trợ xã hội là chính sách nhân văn của TP Hà Nội, góp phần trợ giúp các đối tượng yếu thế vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, để góp phần xây dựng Hà Nội khang trang, bình an, thanh lịch và văn minh, các cơ quan chức năng cần quan tâm giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn liên quan đến hoạt động này.

Góp sức trẻ vì cộng đồng

Trợ giúp kịp thời những gia cảnh khốn khó

Trước Tết Nguyên đán, người lang thang nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cơ quan chức năng và cộng đồng. Cùng Đội trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Bảo trợ xã hội I (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội (LĐ-TB&XH) đi tìm người lang thang vào đêm ngày 15-1, chúng tôi càng hiểu hơn về sự vất vả của họ.

Người có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm Bảo trợ xã hội I.

Theo thông tin trên Facebook, những ngày gần đây, ở gầm cầu Chương Dương có ông lão 72 tuổi cùng cháu nhỏ 3 tuổi lang thang giữa tiết trời lạnh giá. Bố mẹ cháu đã mất vì tai nạn, ông vất vả nuôi cháu từ lúc mới 3 tháng tuổi... Biết tin, các thành viên Đội trật tự xã hội lưu động đến khu vực này tìm kiếm. Suốt từ 22h đến khi kim đồng hồ chuyển sang ngày mới, các anh mới tiếp cận được một người đàn ông lớn tuổi và một cháu nhỏ có dáng vẻ mệt mỏi. Tuy nhiên, qua trao đổi, thông tin thu được không trùng khớp với thông tin lan truyền trên mạng.

Ông Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội trật tự xã hội lưu động cho biết: "Người ông tên là Hoàng Văn Minh, sinh năm 1955, có hộ khẩu thường trú tại 72 La Văn Cầu (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm), hiện thuê trọ ở ngõ 44 phố Phúc Tân. Hoàn cảnh gia đình ông Minh rất éo le, vợ ông đã mất, hai con gái đi lấy chồng. Vợ chồng người con gái thứ hai đã ly hôn, gửi lại cháu Trần Hoài Nam cho ông Minh nuôi từ khi cháu mới 3 tháng tuổi... Đến ngày 16-1, cháu Nam được mẹ đón về chăm sóc, còn ông Minh vào Trung tâm Bảo trợ xã hội I".

Ngoài trường hợp nêu trên, trước đó, vào ngày 14-1, lực lượng chức năng đã phát hiện, vận động đưa 5 người lang thang xin tiền ở khu vực Ngã Tư Sở (quận Đống Đa) vào Trung tâm Bảo trợ xã hội I. Tại trung tâm, anh Phạm Đình Miên, sinh năm 1976, bị khiếm thị, đến từ xóm Bắc Lâm, xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) kể: “Hằng ngày có người đưa chúng tôi đến các khu vực đông người qua lại để xin tiền. Mỗi người phải “làm việc” khoảng 10 giờ/ngày, được trả công 1,5 triệu đồng/người/tháng và những bữa cơm không đủ no”.

Hiện nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội I đang nuôi dưỡng, chăm sóc tạm thời hơn 40 người lang thang. Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, số người được đưa vào trung tâm sẽ tiếp tục tăng lên. Vào đây, người lang thang được sống trong những căn phòng sạch sẽ có đủ đồ dùng sinh hoạt thiết yếu, được ăn uống đầy đủ, tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao…

“Nhận được sự quan tâm, chăm sóc chu đáo, sức khỏe của tôi được cải thiện đáng kể. Do điều kiện khó khăn, tôi sẽ ở lại trung tâm đón Tết với những người cùng cảnh ngộ”, ông Nguyễn Văn Cử, sinh năm 1948, có hộ khẩu thường trú tại thôn Bảo Châu, xã Quảng Châu, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) chia sẻ.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, trung bình mỗi năm các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp nhận khoảng 600-800 lượt người lang thang. “Việc làm này thể hiện tinh thần nhân văn của TP Hà Nội đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần xây dựng hình ảnh thành phố thân thiện, văn minh. Nhờ đó, số lượng người lang thang giảm đi nhiều”, ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội khẳng định.

Cần sự quan tâm nhiều hơn

Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội I cho biết, gần 90% số người lang thang được đưa về trung tâm là từ các tỉnh, thành phố khác đến. Vì vậy, việc đưa họ trở về địa phương, hòa nhập cộng đồng gặp không ít khó khăn. Điển hình là mới đây, có trường hợp người mẹ bị tâm thần, nhiễm HIV, mang theo con nhỏ mới một tháng tuổi vạ vật trên vỉa hè thuộc quận Hoàn Kiếm.

Xác định rõ đối tượng ở Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời cử cán bộ đưa mẹ con họ về với gia đình. Thế nhưng, ngay hôm sau, các lực lượng chức năng lại phát hiện thấy hai mẹ con xuất hiện trên đường phố Hà Nội.

Cái khó nữa là theo quy định hiện hành, người lang thang chỉ được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội tối đa 3 tháng. Hết thời gian này, đa số trường hợp không có nơi cư trú lại “hành nghề” như trước. Trong khi đó, căn cứ pháp lý để xử lý những người lợi dụng đối tượng lang thang để trục lợi hết sức lỏng lẻo. Thậm chí, một số đối tượng sẵn sàng chống đối Đội trật tự xã hội lưu động thi hành nhiệm vụ do có lực lượng “bảo kê” phía sau.

“Điều đó lý giải vì sao có khoảng 60% số người lang thang không phải do hoàn cảnh khó khăn. Họ luôn từ chối sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, nhưng lại cố tình tỏ ra đáng thương để lợi dụng lòng tốt của cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Quảng lo ngại.

Để khắc phục tình trạng nói trên, ông Lê Công Vinh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội II mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, người dân và chính quyền địa phương trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến người lang thang. Những đối tượng lợi dụng lòng tốt của người làm từ thiện phải bị xử lý nghiêm. Quan trọng hơn, lực lượng công an cần vào cuộc điều tra, xử lý các trường hợp lợi dụng đối tượng yếu thế để trục lợi.

Ở góc độ quản lý, bà Dương Tuyết Nhung, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) đề nghị gia đình của những đối tượng yếu thế quan tâm nhiều hơn đến người thân; chính quyền các địa phương tăng cường giải pháp trợ giúp những đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng. Với những người lang thang có khả năng lao động, các ngành, địa phương giúp họ học nghề, tìm kiếm việc làm bền vững.

Theo khuyến cáo của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, khi gặp người lang thang, người dân có thể gọi điện thông báo đến các trung tâm bảo trợ xã hội của Hà Nội theo số: 024-85882277; 024-39611543; Trung tâm Công tác xã hội (điện thoại: 024-33525662) hoặc báo cho công an phường để người lang thang được trợ giúp kịp thời. Để tránh bị lợi dụng, người dân tuyệt đối không cho tiền trực tiếp; nếu muốn tặng quà hay tiền mặt thì cần tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của người lang thang.

Tết Kỷ Hợi đang đến rất gần. Hy vọng, những bất cập nêu trên sớm được giải quyết để những tấm lòng hảo tâm đến đúng địa chỉ cần giúp đỡ, để Thủ đô bớt đi những hình ảnh nhếch nhác, phản cảm.

Góp sức vì thành phố văn minh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/924794/gop-suc-vi-thanh-pho-van-minh