Góp sức cho Việt Nam phát triển nhanh và bền vững

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 tổ chức ngày 26/6/2019 dự kiến sẽ thu hút nhiều kiến nghị mới đến Chính phủ Việt Nam trong mục tiêu góp sức cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp lớn cho rằng, Việt Nam nên nới room ngành ngân hàng, chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng xanh, để thu hút nguồn lực quốc tế.

Ảnh shutterstock

Ảnh shutterstock

"Nên nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài, sẽ cho phép các ngân hàng huy động vốn quốc tế"

Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham)

Hiện nay, ngành ngân hàng Việt Nam đang áp dụng một trong những tỷ lệ sở hữu nước ngoài thấp nhất so với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương trong khu vực.

Việc nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ cho phép các ngân hàng huy động vốn quốc tế trong bối cảnh thiếu hụt nguồn vốn trung hạn đến dài hạn để phục vụ cho các kế hoạch tăng trưởng, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Ngoài ra, điều này cũng sẽ giúp Việt Nam khai thác sâu thị trường vốn một cách có ý nghĩa và thu hút các định chế đầu tư nước ngoài tham gia hỗ trợ thanh khoản cho thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ nên có các chính sách tạo điều kiện cho dịch vụ tài chính số và FinTech phát triển. Sự tăng trưởng của lĩnh vực dịch vụ tài chính và FinTech sẽ phụ thuộc vào việc triển khai khung pháp lý, quy định và chính sách thuận lợi cho đầu tư và cho phép các lĩnh vực này tiếp tục đóng góp cho sự phổ cập tài chính của Việt Nam.

Cùng với việc cải thiện chính sách trong lĩnh vực tài chính, việc đảm bảo một cơ sở hạ tầng đầy đủ, môi trường và không khí trong lành, năng lượng sạch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo duy trì tăng trưởng bền vững tại Việt Nam.

"Việt Nam cần điều tiết thị trường điện và cung cấp nhiều hơn các sản phẩm tài chính hỗn hợp cho khu vực tư nhân"

Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BBGV)

Chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên hạ tầng lưới điện yếu cùng với nhu cầu sử dụng điện tăng 12% khiến các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với thách thức lớn về năng lượng.

Theo Tổng sơ đồ điện hiện tại, tỷ trọng nhiệt điện than dự kiến sẽ tăng từ 49% vào năm 2020 lên 53,2% vào năm 2030. Điều này sẽ làm gia tăng ô nhiễm, vấn đề nghiêm trọng hiện gặp phải tại nhiều thành phố lớn.

Các lựa chọn về năng lượng tái tạo thay thế là hết sức tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, song song với đó, cần cân nhắc đến ưu đãi cho hiệu quả năng lượng và đầu tư từ khu vực tư nhân.

Để mở đường cho các dự án năng lượng tái tạo, Việt Nam cần điều tiết thị trường và cung cấp nhiều hơn các sản phẩm tài chính hỗn hợp cho khu vực tư nhân.

Các doanh nghiệp thành viên của chúng tôi ủng hộ sự chuyển đổi mô hình định giá điện dựa trên cơ chế định giá thị trường. Điều này cũng sẽ khuyến khích nhiều nhà đầu tư tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng tái tạo.

"Việt Nam cần có giải pháp trước sự xuống cấp của môi trường"

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

Mục tiêu hơn 10 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực cung cấp và thoát nước vào năm 2020 của Bộ Xây dựng sẽ khó đạt được trong thời gian ngắn nếu không kêu gọi đầu tư từ khu vực tư nhân. Lợi ích tiềm tàng của các khoản đầu tư từ khu vực tư nhân không chỉ về môi trường.

Với chính sách ưu đãi và sự phối hợp thực hiện các quy định hợp lý, Việt Nam có thể phát triển bền vững ngành công nghiệp nước. Các tổ chức viện trợ va các thể chế đa phương đã và đang sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và phát triển năng lực. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ không kéo dài vĩnh viễn và Việt Nam cần có các giải pháp giải quyết cũng như đối mặt với sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của môi trường.

Trong bối cảnh này, chúng tôi kiến nghị thành lập một lực lượng chuyên trách thực hiện hiệu quả các tiêu chuẩn về xử lý nước thải hiện nay, xử phạt nghiêm khắc đối với doanh nghiệp vi phạm mang tính răn đe với các doanh nghiệp khác và tạo điều kiện bền vững cho cac khoản đầu tư vào các doanh nghiệp kinh doanh nước.

Các tập đoàn đa quốc gia đang tự đề ra mục tiêu tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo. Họ cần khung pháp lý hỗ trợ thực hiện việc kinh doanh tại Việt Nam. Cơ quan quản lý cần có văn bản hướng dẫn và lịch trình phê duyệt rõ ràng đối với các dự án sản xuất năng lượng từ chất thải và đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Mai Phương

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/gop-suc-cho-viet-nam-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-270404.html