Góp phần xây dựng nếp sống văn minh

Hương ước từ xa xưa đã là một công cụ và phương thức quản lý hữu hiệu trong xã hội truyền thống của người Việt. Cho đến tận bây giờ, khi xã hội đã có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, hương ước, quy ước làng xã không vì thế mà mất đi vị thế của mình mà ngược lại, vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa nơi cơ sở. Tuy nhiên, để không nằm ngoài guồng quay của cuộc sống hiện đại, hương ước, quy ước làng xã cần phải có những thay đổi nhất định để phù hợp với thực tế.

Thời hiện đại, hương ước, quy ước vẫn giữ vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ảnh: Thanh Bình

Xây dựng nếp sống văn minh nhờ hương ước, quy ước

Đến thăm thôn Hưng Giáo (xã Tam Hưng) và thôn Minh Kha (xã Bình Minh), hai thôn được công nhận “Làng văn hóa kiểu mẫu” của huyện Thanh Oai thời điểm này mới thấy hết sự “thay da đổi thịt” của một làng quê vốn thuần nông. 100% đường làng giờ đã được bê tông hóa, trải nhựa hoặc lát gạch, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch sẽ, thôn nào cũng có nhà văn hóa, khu thể thao cho thanh niên, thiếu niên. Dọc con đường chạy quanh thôn là những bức tường bích họa với các chủ đề gắn với nội dung xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền về nếp sống văn minh, cách ứng xử văn hóa, thanh lịch. Riêng thôn Minh Kha (xã Bình Minh) còn triển khai gắn số nhà, đặt biển chỉ dẫn tới các ngõ xóm; lắp đặt các thùng rác công cộng khiến đường làng luôn sạch sẽ. Trưởng thôn Minh Kha Nguyễn Kim Đài phấn khởi cho biết, có được những kết quả tích cực ấy là nhờ việc cập nhật, bổ sung thường xuyên các nội dung về văn hóa ứng xử, xây dựng nông thôn mới vào hương ước của làng. Cứ khoảng 2 năm là hương ước, quy ước của thôn lại được cập nhật một lần, những quy định không còn phù hợp sẽ được thay thế bằng những nội dung mới phù hợp hơn với cuộc sống hiện đại, văn minh.

Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Ảnh: Trúc Nhân

Cũng nhờ hương ước, quy ước được coi trọng đúng mức mà huyện Đông Anh trong những năm gần đây đã triển khai tốt phong trào xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, đẩy lùi hủ tục. Ðến nay, 93,5% số hộ gia đình thực hiện hỏa táng thay cho địa táng khi người thân mất; một số xã thực hiện sử dụng vòng hoa luân phiên khi thăm viếng. Việc tổ chức ăn uống rườm rà khi "nhà có đám" đã chấm dứt hoàn toàn. Để có được kết quả đó, trong 10 năm qua, bên cạnh việc bổ sung nội dung về tang, cưới văn minh vào quy ước, hương ước của làng, huyện Đông Anh đã tổ chức khoảng 2.000 buổi tọa đàm, giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa của việc thực hiện đám tang văn minh.

Chị Nguyễn Minh Phương, một người dân ở thôn Đông, xã Kim Nỗ (Đông Anh) cho biết: “Hương ước thôn không chỉ bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho người dân mà còn giúp người dân nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc thắt chặt tinh thần đoàn kết, giữ gìn tình làng nghĩa xóm, trật tự xã hội... Có quy ước rồi, mọi người không còn e ngại, né tránh việc nhắc nhở những ai vi phạm các điều đã được quy định. Cũng nhờ thế mà nếp sống văn hóa của thôn được cải thiện từng ngày”...

Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Ảnh: Trúc Nhân

Để "lệ làng" đồng hành cùng "phép nước"

Tuy nhiên, bên cạnh những hương ước, quy ước được xây dựng kỹ càng, thực thi hiệu quả trong thực tiễn, vẫn có không ít bản cam kết cộng đồng chưa phát huy tốt vai trò, chức năng bởi sự hạn chế trong quá trình hình thành nội dung cũng như cách thức triển khai thực hiện. Theo ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì, phần nội dung của nhiều hương ước, quy ước hiện khá sơ sài, có những điều khoản không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại. Bên cạnh đó, có một thực tế là công tác tuyên truyền, phổ biến hương ước, quy ước chưa được thực hiện thường xuyên, khiến việc thực hiện những cam kết chung còn lỏng lẻo; nhiều người dân, nhất là giới trẻ không nắm rõ được nội dung hương ước của thôn mình. Đặc biệt, ở một số địa phương, công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước chưa được tiến hành thường xuyên, thiếu sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành đoàn thể...

Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Ảnh: Trúc Nhân

Xác định được tầm quan trọng của hương ước, quy ước làng xã trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, ngay từ ngày 19-6-1998, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/1998/CT-TTg về “Xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư” trên toàn quốc. Sau hơn 20 năm thực hiện Chỉ thị, các địa phương đã tổ chức triển khai công việc liên quan xuống từng cơ sở, vận động đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng. Các phong trào xây dựng văn hóa ở cơ sở đều gắn chặt với những nội dung cụ thể trong hương ước, quy ước. Việc tự giác chấp hành hương ước ngày càng phát triển sâu rộng, đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, từ ngày 1-10-2020, Thông tư 04/2020/TT-BVHTTDL về việc quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện quy ước, hương ước chính thức có hiệu lực. Theo thông tư này, nội dung hương ước, quy ước phải phù hợp với yêu cầu thực tiễn và quy định của pháp luật, và do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn bạc quyết định.

Cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Ảnh: Trúc Nhân

Có thể thấy, cùng với hệ thống pháp luật, hương ước, quy ước đang trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư. Chính vì thế, để phát huy hơn nữa vai trò của hương ước, quy ước, ông Lê Khắc Nhu, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Vì cho rằng, việc xây dựng hương ước, quy ước phải chú trọng tuân thủ nguyên tắc đảm bảo tính dân chủ, huy động được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng dân cư và tôn trọng đúng mức ý kiến của những người có uy tín ở địa phương trong quá trình soạn thảo. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện hương ước, quy ước cần không ngừng đổi mới phương thức, tránh xu hướng “hành chính hóa” trong quá trình soạn thảo và thực hiện hương ước. Còn theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, về bản chất, hương ước, quy ước là văn bản phát huy tính tự chủ của người dân, vì thế cần có được sự đồng thuận cao trong cộng đồng dân cư, quan trọng hơn là những nội dung trong hương ước, quy ước không thể vượt quá khuôn khổ quy định của pháp luật. Có như thế thì “lệ làng” mới có thể hỗ trợ “phép nước” phát huy được vai trò tự quản của cộng đồng dân cư, bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp cũng như hạn chế và từng bước loại bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Hoàng Lan

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/996940/gop-phan-xay-dung-nep-song-van-minh