Góp phần vào tương lai tươi sáng

Mặc dù mới thí điểm ở 20 trường THCS và THPT trên địa bàn Hà Nội nhưng dự án “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” được đánh giá thành công khi có cách tiếp cận tổng thể và hệ thống để giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới trong môi trường học đường.

Không chỉ giáo dục học sinh để nâng cao kiến thức và kỹ năng của các em mà dự án còn nâng cao năng lực cho ban giám hiệu và cán bộ giáo viên trong trường để tạo một môi trường thuận lợi cho việc hình thành và duy trì thái độ bình đẳng giới trong học sinh.

Trước thực trạng bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) tại trường học không chỉ gây ra các ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, sự phát triển về tâm hồn mà còn gây ra các hậu quả lâu dài về sức khỏe cho học sinh. BLTCSG tại trường học cũng đặt các em học sinh trước các rủi ro về bỏ học hoặc sa sút kết quả học tập. Chính vì thế, “Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng” là dự án thí điểm đầu tiên do Sở GDĐT Hà Nội và tổ chức Plan International Việt Nam ký kết triển khai từ tháng 6/2014 đến tháng 11/2016 với sự tài trợ của Quỹ ủy thác của Liên hợp quốc đã triển khai thực hiện tại 10 trường THCS và 10 trường THPT thuộc 16 quận/ huyện của Hà Nội.

Hà Nội phấn đấu đi đầu về mô hình trường học an toàn và bình đẳng.

Sau 2 năm triển khai, kết quả khảo sát cuối kỳ vào tháng 10/2016 vừa được công bố cho thấy những tác động tích cực của dự án đối với việc phòng ngừa, ứng phó với BLTCSG tại trường học. Cụ thể, hơn 50% HS ở các trường triển khai dự án tham gia vào khảo sát đã cảm thấy an toàn với môi trường xung quanh trường học và trên đường đi học; tỷ lệ HS có trải nghiệm bạo lực thể chất giảm từ 31% (thời gian đầu triển khai dự án) xuống 20%; tỷ lệ HS có trải nghiệm về bạo lực tinh thần giảm mạnh, từ 63% xuống còn 7%. Đáng chú ý, nếu như trong giai đoạn đầu thực hiện dự án, rất ít HS khi bị bạo lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ người lớn, thì đến cuối dự án, có 30% HS tham gia khảo sát cho biết sẵn sàng hành động nếu chứng kiến các hành vi BLTCSG. Tỉ lệ học sinh nam trả lời sẵn sàng hành động tăng gấp đôi so với thời điểm khởi đầu dự án.

Đáng chú ý, dự án này cũng đã thu hút sự tham gia và ủng hộ của phụ huynh với các hoạt động nâng cao nhận thức dành riêng cho phụ huynh. Song song với các can thiệp trong trường học, dự án đã hỗ trợ xây dựng môi trường báo chí nhạy cảm với các vấn đề bạo lực giới trong trường học, hướng tới xây dựng cộng đồng xã hội có thái độ không khoan dung với bạo lực giới trong trường học, từ đó vận động cho việc xây dựng và triển khai các chính sách nhân rộng mô hình trong toàn hệ thống giáo dục trên địa bàn thành phố.

Phát biểu tại lễ tổng kết dự án vừa được tổ chức tại trường THPT Chu Văn An mới đây, bà Sharon Kane - Giám đốc Tổ chức Plan International Việt Nam khẳng định:“Dự án đã rất thành công khi tạo ra được môi trường thuận lợi để trẻ em gái, trẻ em trai và giáo viên cảm thấy an toàn hơn trong ngôi trường của mình. Các sở, ban, ngành chủ chốt đã có được những bằng chứng từ dự án này để có thể tạo ra một số thay đổi trong chính sách. Chúng tôi mong rằng, những kết quả của dự án sẽ được nhân rộng ra khắp Việt Nam, rộng hơn là các nước trong khu vực và trên thế giới”

Cũng theo ban quản lý dự án, thành công quan trọng nhất của dự án là đã đạt được toàn bộ các mục tiêu đã đề ra, bao gồm: nâng cao năng lực của 20 trường với việc ngăn ngừa, ứng phó với BLTCSG ở trong và xung quanh trường học. Tiếp đến là cả HS nam và HS nữ của 20 trường đều tích cực tham gia vào các hoạt động của dự án. Chia sẻ về thành công bước đầu của dự án, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết: “Chúng tôi cũng tin rằng với những phương thức, cách làm và các sản phẩm mà dự án đã để lại, Sở sẽ có điều kiện hỗ trợ các nhà trường mở rộng mô hình ở từng nơi một và tùy theo điều kiện thực tế có thể mở rộng từng nội dung một.”

Còn theo bà Shoko Ishikawa - Giám đốc Quốc gia Tổ chức UN Women tại Việt Nam đánh giá: " Dự án đã tác động tích cực khi thay đổi kiến thức của nhiều nhóm người khác nhau. Tôi có kỳ vọng rất lớn rằng dự án sẽ được nhân rộng trên khắp các trường học tại Hà Nội nói riêng và trở thành một mô hình tiêu biểu ở Việt Nam trong tương lai nói chung”.

Được biết, Vụ Công tác Học sinh sinh viên ( Bộ GDĐT) đã tham khảo, lấy mô hình dự án làm cơ sở cho việc xây dựng nghị định của chính phủ về "Xây dựng trường học an toàn, thân thiện và phòng chống bạo lực" năm 2016.

Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gop-phan-vao-tuong-lai-tuoi-sang-46048.html