Góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo

Công ty 751 (Binh đoàn 15) thực hiện nhiệm vụ triển kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh (QPAN) trên địa bàn 4 xã: Ia O, Ia Chía, Ia Krai và Ia Khai (Ia Grai, Gia Lai).

Những năm qua, Đảng ủy, Ban giám đốc công ty đặc biệt quan tâm tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ. Chủ trương trên góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Địa phương ủng hộ, đồng bào hưởng ứng

Mặc dù công việc đầu năm bận rộn nhưng ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krai vẫn đồng ý đi với chúng tôi đến các vườn cây cao su thăm hỏi, động viên người dân địa phương đang làm công nhân cho Công ty 715. Theo ông Tấn, đây là một nhiệm vụ quan trọng của hệ thống chính trị xã. Và xã đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp để phối hợp với Công ty 715 vận động đồng bào DTTS tại chỗ vào làm công nhân. “Khi người dân vào làm công nhân cho công ty sẽ góp phần giúp địa phương giải quyết được hai vấn đề căn bản trong phát triển kinh tế-xã hội. Một là xóa được đói, giảm được nghèo bền vững; hai là bảo đảm tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”, ông Tấn nhấn mạnh.

Lãnh đạo Công ty 715 và xã Ia Krai thăm hỏi, động viên công nhân người DTTS tại chỗ.

Lãnh đạo Công ty 715 và xã Ia Krai thăm hỏi, động viên công nhân người DTTS tại chỗ.

Chị Ksor Lợi, dân tộc Gia Rai, ở làng Bi Ia Nách, là một trong gần 200 người DTTS tại chỗ của xã Ia Krai được Công ty 715 tuyển nhận vào làm công nhân từ năm 2020. Sau khi được công ty đào tạo nghề, chị nhận khoán 2 vườn cây cao su kinh doanh. Với giá thành, năng suất như hiện nay, mỗi tháng, chị có thu nhập trên 5 triệu đồng. Không chỉ có nghề, có thu nhập, mà theo chị Ksor Lợi, những lợi ích mà Công ty 715 mang lại còn là: Kiến thức xã hội, kỹ năng chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái... Nhờ đó, chị đã chăm sóc tốt cho vườn cây gồm: 1ha điều, 1ha cà phê của gia đình, mang lại thu nhập cao; cuộc sống vợ chồng cũng ấm êm, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Đức Tấn vui mừng nói với chúng tôi: “Từ 190 hộ nghèo, năm 2020 đã giảm xuống còn 126 hộ; hộ cận nghèo từ 307 hộ xuống còn 270 hộ và tiếp tục giảm trong những năm tới. Xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, và năm 2021 sẽ về đích. Thành quả đó một phần nhờ Công ty 715 quan tâm tuyển dụng đồng bào DTTS tại chỗ vào làm công nhân”.

Để đồng bào an cư, lạc nghiệp trên quê hương mình

Đi cùng với chúng tôi, Đại tá Nguyễn Thế Bích, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty 715 trải lòng: "Ưu tiên tuyển dụng dụng đồng bào DTTS tại chỗ vào làm công nhân là chủ trương đúng đắn, hiệu quả Binh đoàn 15 nói chung, Công ty 715 nói riêng. Nhằm hiện thực hóa phương châm “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng; hộ công nhân người kinh gắn với hộ đồng bào DTTS”. Nhưng khi thực hiện chủ trương này, công ty cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải hy sinh những lợi ích kinh tế. Đặc biệt, năng suất lao động của đồng bào DTTS tại chỗ thấp hơn so với người kinh; nhiều phong tục tập quán, sinh hoạt tôn giáo ảnh hưởng rất lớn đến kỷ luật và năng suất lao động.

Một thực tế là bộ phận đồng bào, nhất là thanh niên có xu hướng rời quê hương đi làm công nhân ở các khu công nghiệp; tuy nhiên, phần lớn không trụ lại được phải trở lại địa phương và rơi vào cảnh thiếu việc làm, nợ nần ảnh hưởng lớn đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương. Trước thực trạng đó, Công ty 715 khuyến khích đồng bào vào làm công nhân cho đơn vị với nhiều chính sách đãi ngộ: Đào tạo miễn phí và hỗ trợ tiền ăn cho đồng bào trong quá trình tham gia đào tạo nghề. Khi chưa có thu nhập thì công ty hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho công nhân để ổn định cuộc sống; cung cấp dụng cụ lao động và thực hiện các định mức khoán phù hợp với trình độ lao động của đồng bào... Trong 5 năm (2016-2020), Công ty 715 đã tuyển dụng 717 công nhân là người DTTS tại chỗ, trên địa bàn 4 xã đơn vị đứng chân. Cùng với đó, triển khai hàng loạt mô hình, hoạt động dân vận, chăm lo an sinh xã hội. Hiện công ty có 15 đội sản xuất kết nghĩa với 16 thôn, làng của địa phương, 280 cặp hộ người kinh gắn kết với người DTTS tại chỗ.

Chị Rơ Châm Krinh, người dân tộc Gia Rai, ở làng Tung Breng (xã Ia Krai), Tổ trưởng Tổ sản xuất số 7 (Đội 1, Công ty 715), cho biết, chị vào làm công nhân cho Công ty 715 từ năm 2012, và đã vận động được hơn 40 người trong làng vào làm cho đơn vị. Bí quyết của chị là tuyên truyền, vận động, nói về những thay đổi từ gia đình chị cho bà con hiểu, rồi làm theo. “Trước đây, gia đình tôi thuộc hộ nghèo, mặc dù có rẫy nhưng canh tác không hiệu quả do thiếu kiến thức, thiếu kỹ thuật. Những điều đó được giải quyết triệt để sau khi tôi vào làm công nhân cho Công ty 715. 1,5ha cao su, 0,5ha điều, 0,5ha cà phê của gia đình sau khi trừ chi phí thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm; cộng thêm tiền lương từ nhận khoán 2 vườn cây cao su của công ty, gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giả”, chị Rơ Châm Krinh cho hay.

Bài và ảnh: ANH SƠN - THANH QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/gop-phan-quan-trong-vao-cong-tac-xoa-doi-giam-ngheo-650109