Góp phần nâng cao dân trí, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngay sau khi có chủ trương xây dựng trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), cùng với các địa phương khu vực đồng bằng, ven biển, 11 huyện miền núi đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo xây dựng và phát triển TTHTCĐ trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2007, 100% các xã, thị trấn thuộc 11 huyện miền núi đã khai trương thành lập TTHTCĐ và đi vào hoạt động thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vừa lao động, vừa học tập nâng cao kiến thức.

Tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tại TTHTCĐ xã Lam Sơn (Ngọc Lặc).

Tuy bước đầu thành lập gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, đội ngũ quản lý, giáo viên, nhưng đến nay, hầu hết các TTHTCĐ đã có những điều kiện tối thiểu như phòng làm việc của ban giám đốc, tủ tài liệu, tủ sách tham khảo, phòng đọc, loa đài... đi vào hoạt động có nền nếp, khẳng định được vai trò của mình trong xây dựng xã hội học tập. Bằng nhiều hình thức học phù hợp với từng nhóm đối tượng và việc bố trí thời gian học tập linh hoạt, mỗi năm, gần 200 TTHTCĐ khu vực miền núi đã tổ chức được hàng nghìn lớp học, chuyên đề, thu hút hàng trăm nghìn lượt người dân tham gia. Tính từ tháng 10-2019 đến nay, các TTHTCĐ thuộc 11 huyện miền núi đã mở được hơn 3.500 lớp thu hút gần 293.000 lượt người tham gia ở các nhóm nội dung, như: Tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật; phổ biến chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp; tổ chức dạy xóa mù chữ, củng cố phổ cập giáo dục góp phần nâng cao dân trí; các chuyên đề về nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là vấn đề văn hóa - xã hội, vệ sinh môi trường, kiến thức chăm sóc sức khỏe, phòng chống tệ nạn xã hội... Đơn cử như, các trung tâm trên địa bàn huyện Thạch Thành mở được 616 lớp cho trên 57.400 lượt người tham gia; các trung tâm trên địa bàn huyện Thường Xuân mở được 387 lớp, với 47.157 lượt người tham gia; huyện Bá Thước mở được 522 lớp, thu hút trên 36.600 lượt người tham gia...

Từ nội dung học tập phong phú và đa dạng, cùng với mục tiêu tạo cơ hội học tập cho mọi lứa tuổi theo phương châm “cần gì học nấy”, các TTHTCĐ khu vực miền núi đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về sự cần thiết của việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điều này đã được minh chứng ở nhiều địa phương, tiêu biểu như TTHTCĐ xã Lam Sơn (Ngọc Lặc); Thành Thọ (Thạch Thành); Xuân Khang (Như Thanh); Điền Trung (Bá Thước), Cẩm Quý (Cẩm Thủy)...

Nhiều năm trước, thu nhập của người dân xã Cẩm Quý chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Thế nhưng, vài năm gần đây, lao động sản xuất, kinh doanh của người dân đã chuyển dần từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa... Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 2,14%; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/năm. Có được kết quả đó, không thể phủ nhận vai trò của TTHTCĐ. Ông Lê Ngọc Vóc, ở thôn Quý Sơn, xã Cẩm Quý cho biết: “Tôi đã nhiều lần được tham gia các lớp học ở TTHTCĐ của xã. Nội dung học phù hợp với yêu cầu của người dân chúng tôi như kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây như, lúa, mía, ngô ngọt, cây gai xanh. Ngoài ra, chúng tôi còn được phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... tất cả đều rất ý nghĩa và thiết thực với người dân”. Được biết, từ tháng 10-2019 đến nay, TTHTCĐ xã Cẩm Quý đã mở được 22 lớp thuộc 4 nhóm nội dung gồm, phổ biến chính sách, pháp luật; chuyển giao khoa học - kỹ thuật; nâng cao chất lượng cuộc sống và giáo dục môi trường cho gần 2.600 lượt người tham gia học tập.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, theo đánh giá của Phòng Quản lý đào tạo và Giáo dục thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay, hoạt động của các TTHTCĐ trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, các trung tâm khu vực miền núi nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đơn cử như trong quá trình hoạt động một số trung tâm vẫn thiên về làm phong trào, mang nặng tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Cơ sở vật chất, tài liệu, thiết bị giảng dạy, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập ở một số trung tâm còn hạn chế. Nhiều trung tâm chưa đi sâu khảo sát nhu cầu học tập của người dân, đặc biệt là nhu cầu học nghề để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nên số người học nghề và có việc làm còn thấp. Công tác quản lý của ban giám đốc trung tâm còn nhiều bất cập, thiếu cán bộ quản lý có chuyên môn sâu và am hiểu phương pháp điều hành loại thiết chế giáo dục dành cho người lớn, một bộ phận chưa dành thời gian, công sức cho quản lý trung tâm hoặc chưa đề cao trách nhiệm... Đại diện lãnh đạo Phòng Quản lý đào tạo và Giáo dục thường xuyên của Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trên cần hơn nữa sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong quản lý và huy động nguồn lực tạo điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ các mặt hoạt động. Quan tâm xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục của trung tâm. Đặc biệt, mỗi trung tâm cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành đoàn thể ở cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời nâng cao dân trí, góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/gop-phan-nang-cao-dan-tri-tao-dong-luc-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi/115433.htm