Góp phần làm rạng danh bản hùng ca bất diệt Xuân Mậu Thân 1968

Cứ mùa xuân về, ký ức của những người từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy hào hùng và bi tráng Xuân Mậu Thân 1968 trên khắp chiến trường miền Nam, cách nay 51 năm, lại ùa về, không bao giờ phai mờ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đó chính là bước ngoặt vô cùng quan trọng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, được kết lại ở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/1975.

Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai thắp hương tại nhà tướng niệm các anh hùng liệt sĩ Hà Nam

Trong căn hộ nhỏ nằm khuất sâu giữa khu tập thể Nhà công vụ Bộ Công an ở phố Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội), Thiếu tướng Phan Văn Lai, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Chánh văn phòng ban An ninh khu Trị Thiên-Huế, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, nay 89 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, có trí nhớ tuyệt vời. Ông đã kể cho chúng tôi nghe về cuộc chiến đấu quả cảm, lập công vang dội, góp phần làm rạng danh bản hùng ca bất diệt Xuân Mậu Thấn 1968.

Huế là 1 trong 3 chiến trường đô thị trọng điểm, ác liệt nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đó cũng là mục tiêu mà quân dân ta quyết tâm bẻ gãy ý chí xâm lược của kẻ thù, là nơi đọ sức quyết liệt nhất.

Thiếu tướng Phan Văn Lai xúc động nhắc lại những ký ức hơn nửa thế kỷ qua: Năm 1967, Khu Trị Thiên - Huế được thành lập, đồng chí Phan Văn Lai sau hơn 3 năm được tăng cường từ miền Bắc vào mặt trận này, được điều động làm Chánh Văn phòng Ban An ninh Khu, được cử về công tác tại huyện Phú Vang. Cũng tại đây, ông đã tham gia những sự kiện quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Đêm 30 Tết Mậu Thân, bộ đội đã được chuẩn bị sẵn sàng, phối hợp cùng quần chúng nhân dân đồng loạt tiến vào thành phố Huế ở cả hướng Nam và hướng Bắc thành phố. Các lực lượng của ta đã không gặp nhiều khó khăn để bất ngờ chiếm giữ nhiều mục tiêu của địch chỉ trong một ngày đêm. Trong đó, nổi bật lên là sự mưu trí, chỉ đạo dứt khoát của đồng chí Phan Văn Lai - một trong những yếu tố mang lại thành công, khiến quân địch khiếp sợ.

Các đại biểu tham dự giao lưu tiếp lửa truyền thống "Vang mãi một thời hoa đỏ" tại Công an Hà Nam

Thiếu tướng Phan Văn Lai còn nhớ như in: Buổi sáng mồng 2 Tết Mậu Thân, sau khi vượt qua cầu Bến Ngự, trên phố Nguyễn Hoàng (nay là đường Phan Bội Châu, TP Huế), đồng chí Phan Văn Lai chỉ huy các đồng đội vây bắt Trần Đình Thương, Phó Tỉnh trưởng Thừa Thiên - Huế. Hắn nổi tiếng ác ôn, khét tiếng trong vùng. Nhờ chỉ dẫn của người dân tại phố Nguyễn Hoàng, Phan Văn Lai và các đồng chí an ninh nhanh chóng tiếp cận số nhà 5 của đối tượng.

Ngôi nhà được thiết kế theo lối nhà vườn một tầng truyền thống của Huế, rất thơ mộng và hào nhoáng. Thiếu tướng Phan Văn Lai nhớ lại: “Vợ con của tên Thương khai báo hắn có về nhà đêm hôm trước, đến sáng khi nghe tiếng súng nổ đã đi đâu mất. Nhưng khi lục soát ngôi nhà, với bản lĩnh và kinh nghiệm chiến đấu nhiều năm, tôi nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu khả nghi. Đó là những dấu chân còn in mờ trên tường dẫn lên ô thoáng nhỏ trên mái của ngôi nhà”.

Tổ công tác xác định, nhiều khả năng Trần Đình Thương đang lẩn trốn trên trần nhà nên cử người lên kiểm tra và kêu gọi đầu hàng. Đồng chí Phan Văn Lai sử dụng chiếc sào có gắn mũ tai mèo đưa dần lên ô thoáng. Thấy động, tên Thương ngoan cố chống cự, liên tục ném lựu đạn qua ô thoáng. Rất may, lựu đạn vướng vào xà nhà, phát nổ trên cao, chỉ làm xây xước nhẹ một đồng chí. Để bảo đảm an toàn, đồng chí Phan Văn Lai buộc phải quyết định tiêu diệt đối tượng. Sau vụ vây bắt, tiêu diệt tên ác ôn Trần Đình Thương, các đối tượng khác như: đại diện Chính phủ Bắc Trung nguyên Trung phần Nguyễn Văn Đãi, Ủy viên Trung ương Quốc dân Đảng Hồ Thúc Tứ phần nào bị tác động tâm lý, hoang mang mà nhanh chóng đầu hàng.

Thiếu tướng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Lai trao quà cho công an tỉnh Hà Nam

Cờ giải phóng bay trên cột cờ Phu Văn Lâu suốt nhiều ngày đêm. Chúng tôi khi đó, đã gọi chiến thắng này là lịch sử và luôn tự hào. Mặt trận Bình-Trị-Thiên cũng nổi tiếng với sự kiện tiểu đội “11 cô gái sông Hương” đã viết lên bản anh hùng ca sáng chói về tinh thần người lính chiến đấu kiên cường, quả cảm.

Tướng Phan Văn Lai cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng là phải giải phóng được lao Thừa Phủ. Nơi đây giam giữ 2.300 cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Địch đã cài dày đặc mìn claymore, nếu “có biến” chúng chỉ việc bấm nút là sẽ nổ tung tất cả. Vì thế, tấn công vào nhà lao Thừa Phủ vô cùng khó khăn. Đã hai ngày lực lượng chúng ta chiếm lĩnh thành phố mà chưa thể tấn công vào nhà lao.

Quân ta cho loa chĩa thẳng vào nhà lao thông báo tin chiến thắng ở miền Nam và thông báo quân giải phóng đã chiếm lĩnh được thành phố Huế. Đồng thời, kêu gọi lính gác nhà lao ra đầu hàng sẽ được khoan hồng.

Đến 1h sáng ngày 4/2, một ngụy quân sau khi nghe ta tuyên truyền đã trốn ra ngoài. Người lính này cho biết: “Anh chị em trong nhà lao đang sẵn sàng chờ quân giải phóng tới để phá nhà lao. Bọn cai ngục và lính gác đang rất hoang mang vì không thấy quân ngụy đến cứu viện”. Đặc biệt, người này tiết lộ, có một đường hầm bí mật từ trong nhà lao ra ngoài. Ta đã cho người đi theo đường bí mật đó để vào trong nhà lao. Bị đánh bất ngờ, địch đã đầu hàng. 5h sáng, toàn bộ cán bộ chiến sĩ đã được đưa ra ngoài an toàn. 500 người trong số đó đã được lựa chọn để bổ sung vào đội hình chiến đấu trong thành phố.

Là nhân chứng lịch sử của cuộc tống tiến công Mậu Thân 1968, Thiếu tướng Phan Văn Lai cho rằng thời điểm ban đầu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở Trị Thiên-Huế, địch bị đánh bất ngờ, ta giành thắng lợi lớn, nhưng sau đó địch tập trung lực lượng và các phương tiện chiến đấu đánh trả ác liệt chiếm lại vùng nông thôn, đồng bằng, chiếm lại TP Huế, càn quét liên tục miền núi. Nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết giữa nhân dân và các lực lượng cách mạng đã giúp bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng, lực lượng vũ trang, bộ chỉ huy chiến dịch toàn khu (gồm 10 xã phụ cận thành phố và 11 khu phố), xây dựng và bảo vệ được các bộ phận an ninh mật cắm ở địa bàn nông thôn, giúp đấu tranh trấn áp phản cách mạng và đã thu được thành quả chưa từng có, đóng góp có ý nghĩa vào thắng lợi chung.

Sau 26 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Huế đã kết thúc thắng lợi, góp phần giáng một đòn tâm lý nặng nề vào giới cầm quyền nước Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại Pa- ri (Pháp) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam. Dù thời gian đã lùi xa nhưng những ngày tháng gian lao, chiến đấu quả cảm của Thiếu tướng Phan Văn Lai cùng các đồng đội làm nên chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 vẫn là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đặng Thị Ngọc Vân

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/gop-phan-lam-rang-danh-ban-hung-ca-bat-diet-xuan-mau-than-1968-68374