Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ

Trong lịch sử Việt Nam, thời đại Hùng Vương có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là giai đoạn mở đầu cho lịch sử dựng nước của dân tộc, được ghi chép lại khá sớm trong các bộ chính sử, nhưng tư liệu chủ yếu dựa trên thư tịch, truyền thuyết.

Năm 1968, chương trình khoa học liên ngành quốc gia nghiên cứu về thời đại Hùng Vương dựng nước, với sự chủ trì và tham gia tích cực của đông đảo nhà khoa học ở cả trong nước và ngoài nước, đã chứng minh một cách thuyết phục là thời đại Hùng Vương có thật trong lịch sử.

Với thành tựu đó, suốt hơn 50 năm qua, những nghiên cứu khoa học về giai đoạn này vẫn tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần làm sáng tỏ hơn nữa những vấn đề, như: Nguồn gốc, niên đại thời đại Hùng Vương; vấn đề nhà nước, đời sống kinh tế, tổ chức xã hội, văn hóa; những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của thời đại Hùng Vương và mối giao lưu nhiều chiều với các thời đại lân cận…Bên cạnh đó, các tư liệu Hán Nôm, truyền thuyết, văn hóa dân gian và hơn 1.400 di tích liên quan tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên cả nước cũng góp phần làm sáng tỏ diện mạo của giai đoạn mở đầu lịch sử đất nước.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 1905 (Ảnh tư liệu)

Lễ giỗ tổ Hùng Vương năm 1905 (Ảnh tư liệu)

Nhằm tập hợp, tổng kết, đánh giá một giai đoạn nghiên cứu nối tiếp về thời đại Hùng Vương (kể từ năm 1968), ngày 24/9, Trung tâm nghiên cứu và phát triển văn hóa Hùng Vương, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức hội thảo khoa học Quốc gia “Thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử Việt Nam”.

Tại hội thảo, các đại biểu tiếp tục thảo luận, trao đổi, phân tích để làm rõ các vấn đề từ cơ bản, cốt lõi đến những biến đổi trong lịch sử; từ nguồn gốc, thực trạng cho đến những giá trị và việc phát huy giá trị di sản văn hóa của thời đại Hùng Vương trong thời đại ngày nay. Hội thảo cũng đóng góp vào đánh giá kết luận về thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam; rút ra những bài học trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gìn giữ và phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; đề xuất những giải pháp hữu hiệu trong giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Theo Phó giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Cường - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, từ xa xưa, những câu hỏi về nguồn gốc dân tộc và sự ra đời của Nhà nước đầu tiên trên đất nước ta luôn được các thế hệ người Việt Nam đặt ra và tìm cách trả lời. Chính vì vậy, các câu chuyện về thời Hồng Bàng, Lạc Long Quân và Âu Cơ, con Rồng cháu Tiên và cách gọi nhau là “đồng bào” được lưu truyền từ đời này sang đời khác, là kết quả của mối quan tâm đã hằn sâu trong tâm thức người Việt Nam.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, “việc nghiên cứu các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương cần được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, không bó hẹp về không gian và thời gian ở vùng châu thổ sông Hồng mà cần nghiên cứu mở rộng ở nhiều khu vực khác nhằm minh chứng sự phát triển của văn hóa thời đại Hùng Vương.

Chúng ta đang sở hữu tài sản vô giá để tạo nên sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, việc nghiên cứu này sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử hào hùng của dân tộc, phát huy những tinh hoa của dân tộc và làm vẻ vang hơn những đức tốt đẹp quý báu cha ông ta”.

Trong các câu chuyện được lưu truyền, triều đại đầu tiên trên đất nước Việt Nam, triều Hồng Bàng, gắn với vị hoàng đế trong truyền thuyết là Thần Nông. Cũng theo truyền thuyết, người con trai cả của Âu Cơ và Lạc Long Quân cai trị nước Văn Lang-Nhà nước đầu tiên trên đất nước ta có danh hiệu là Hùng Vương, được truyền từ đời này sang đời khác theo chế độ cha truyền, con nối.

Phó Giáo sư, tiến sĩ Đinh Quang Hải, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Nghiên cứu về sự xuất hiện và thời gian tồn tại của thời đại Hùng Vương còn có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, đa số các nhà nghiên cứu đều thống nhất ý kiến cho rằng, nước Văn Lang thời Hùng Vương có thời gian tồn tại tương đương với nền văn hóa Đông Sơn.

Thời đại Hùng Vương là một thời kỳ đạt được sự chuyển biến khá sâu sắc về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, dẫn đến sự hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, là thời kỳ ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ đại của người Việt cổ.

Đền Hùng và Đất Tổ giữ vị thế lịch sử và văn hóa quan trọng, là trung tâm của Kinh đô Văn Lang, của Nhà nước cổ đại thời cách mạng luyện kim đồng sắt, là vùng hội tụ và giao lưu văn hóa. Đền Hùng là di sản vô cùng quý báu của tổ tiên, phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc, là đặc trưng truyền thống cho tính cộng đồng của xã hội Việt Nam.

Thạc sĩ Lê Ngọc Thanh, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng khẳng định: Tính độc đáo tiêu biểu trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được UNESCO vinh danh nằm ở chính tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ra đời do sự kết hợp giữa đạo lý nhớ về nguồn cội, tục thờ cúng tổ tiên và nhu cầu về điểm tựa, về tinh thần của một quốc gia phong kiến sau thời kỳ dài Bắc thuộc. UNESCO đánh giá rất cao điều này, đó là sự dân dã, ngay từ cái tên gọi Giỗ Tổ. Coi Quốc gia – dân tộc như một “gia đình lớn”, lấy khuôn phép ứng xử gia đình, gia tộc để tạo thành khuôn khổ ứng xử của xã hội, giúp thống nhất một hệ ý thức Việt Nam.

Ý thức về trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn của văn hóa Hùng Vương, các cấp, ban, ngành luôn xác định các giá trị văn hóa truyền thống là một trong những nguồn lực, tiềm năng, điểm tựa của sáng tạo và nền tảng của sự phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bền vững với một tầm nhìn mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước.

Những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống nhằm bảo tồn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được khôi phục, tổ chức thường xuyên, trong đó có những lễ hội truyền thống trở thành biểu tượng văn hóa, tâm linh như: Lễ hội Đền Hùng, lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ... Nhiều lễ hội giàu giá trị nhân văn đã được tổ chức hằng năm, quy tụ những sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc, tiêu biểu của các vùng, miền trong cả nước, kết hợp được nội dung giáo dục truyền thống với sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương là trách nhiệm của thế hệ ngày nay để muôn đời sau hiểu và luôn hướng về cội nguồn dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống và củng cố khối đại đoàn kết, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/gop-phan-giao-duc-truyen-thong-yeu-nuoc-cho-cac-the-he-97006.html